Cùng với xu hướng chung của thế giới, nông nghiệp tuần hoàn ở Việt Nam hiện đang được đẩy mạnh triển khai và ứng dụng. Tuy nhiên hiệu quả mang lại vẫn còn hạn chế trong khi tiềm năng khai thác là vô cùng lớn.
Phụ phẩm ngành sản xuất và chế biến thủy sản là nguồn nguyên liệu lớn để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao. (Ảnh TRẦN TUẤN)
Ðể tăng tốc tiến trình này, cần có lộ trình và mục tiêu rõ ràng theo phân kỳ thực hiện đi kèm với cơ chế chính sách phù hợp, đủ sức thu hút đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.
Nâng cao hiệu quả sử dụng và xử lý phụ phẩm
Ông Phan Thanh Lộc - Giám đốc điều hành Công ty CP Việt Nam Food cho rằng, Việt Nam đang phấn đấu đưa ngành tôm thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, sự phát triển ngành tôm kéo theo chất thải gia tăng với tốc độ tương ứng, ước tính đến năm 2025, chỉ tính riêng lượng vỏ đầu tôm và vỏ tôm lột cộng lại đã hơn 1 triệu tấn, gần tương đương sản lượng chính phẩm (1,2 triệu tấn). Các chất thải này nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên.
Do đó, giải quyết mắt xích chất thải ngành tôm là việc cấp thiết. Các sản phẩm từ phụ phẩm tôm nếu được định hướng và đầu tư hợp lý sẽ có tác động vĩ mô lớn và độ lan tỏa tích cực. Cụ thể, các sản phẩm giá trị cao từ phụ phẩm tôm như peptide, astaxanthin, chitosan... có thể đóng góp vào chuỗi giá trị không chỉ của ngành tôm mà còn nhiều ngành khác. Thí dụ, chitosan và astaxanthin đem đến giải pháp xanh và hiệu quả thay thế hóa chất, thuốc kháng sinh, phù hợp xu hướng tiêu dùng bền vững của xã hội, từ đó giúp Việt Nam tự chủ hơn về nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu, tăng cường an ninh lương thực, giảm tác động môi trường.
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Lộc cũng nhấn mạnh: Việt Nam Food chưa có đủ nội lực để phát triển công nghệ xử lý cao cấp như công nghệ vi sinh, công nghệ chiết tách và phân lập, công nghệ tinh sạch..., phát triển ứng dụng và triển khai khảo nghiệm trên diện rộng, chuyên sâu. Do đó, công ty mong muốn hợp tác cùng các đơn vị khác để tập trung nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất và phát triển ứng dụng, phát huy mạnh mẽ giá trị và tiềm năng của ngành tôm.
Cùng quan điểm cần nâng cao hiệu quả sử dụng và xử lý phụ phẩm nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Hà Văn Thắng cho rằng: Phần lớn người dân và doanh nghiệp làm nông nghiệp hiện áp dụng mô hình tuyến tính truyền thống theo kiểu dòng chảy một chiều. Trong mô hình này, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng là nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất, chế biến một dòng sản phẩm độc lập. Năng suất càng cao cũng có nghĩa là tài nguyên càng bị khai thác nhiều và phần phụ phẩm thải bỏ sau quá trình sản xuất càng lớn do không có cơ chế tái sử dụng hoặc sử dụng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm khác. Hệ quả là, tài nguyên bị sử dụng hoang phí, kém hiệu quả. Chính vì vậy, muốn xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn thì phải quan tâm xử lý phụ phẩm hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ cao.
Là một trong những đơn vị đang thực hành nông nghiệp tuần hoàn, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng xác định rõ vai trò quan trọng của việc xử lý phụ phẩm. Hiện, hợp tác xã đã đưa phân chuồng và tàn dư trên ruộng vào sử dụng thay cho phân bón hóa học NPK; sử dụng cá ủ vi sinh thay thế hoàn toàn phân đạm u-rê, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm bán ra 200% so với sản xuất thông thường. Kết quả cụ thể, vụ mùa năm 2022, với diện tích 12.960m2 trồng giống lúa thuần TBR225 đã cho thu hoạch 4 tấn thóc (2,7 tấn gạo), giá bán 30.000 đồng/kg gạo. Chân đất trồng lúa không còn chai cứng mà mềm mịn, tơi xốp, xuất hiện lại tôm, cá, giun, dế nhiều trên ruộng. Gạo thu hoạch được khách hàng đánh giá là thơm ngon hơn nhiều so với các loại gạo cùng giống thơm TBR225 trên thị trường.
Gỡ "điểm nghẽn" chính sách
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Thế Hinh, hiện đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi được triển khai từ các chương trình dự án tại Việt Nam. Các công nghệ xử lý môi trường được dự án giới thiệu như: xử lý chất thải rắn bằng máy tách phân; xử lý chất thải khí bằng máy phát điện khí sinh học; xử lý chất thải lỏng bằng hệ thống tưới... đã đem lại tỷ suất lợi nhuận khá cao.
Các trang trại lớn đều đạt tỷ suất lợi nhuận hơn 20%, thời gian hoàn vốn từ 5 đến 6 năm. Thí điểm mô hình trên một số trang trại lợn quy mô hơn 5.000 con đạt tỷ suất lợi nhuận lên đến 60%, thời gian hoàn vốn từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc về chính sách cần tháo gỡ để có thể nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho cộng đồng và người dân.
Cụ thể, đối với mô hình phát điện, Chính phủ chưa cho phép điện bi-ô-ga nối lưới điện quốc gia cho nên điện khí sinh học sản xuất ra không thể tiêu thụ được hết dẫn đến giá thành 1kWh tăng cao hơn giá bán điện lưới. Do đó, đề nghị Chính phủ cho phép nối lưới điện khí sinh học để tạo thị trường đầu ra cho điện bi-ô-ga. Ðối với mô hình máy tách phân để sản xuất phân bón hữu cơ, phần lớn trang trại chăn nuôi sản xuất phân bón tự phát ở quy mô nhỏ và vừa cho nên chưa quen với các thủ tục đăng ký buôn bán, vận chuyển phân bón hữu cơ.
Ðể phát triển kinh tế tuần hoàn, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung pháp lý, chính sách hiệu quả. Thí dụ Mỹ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng để sử dụng phụ phẩm, hỗ trợ xây dựng trung tâm thu gom và phân phối phụ phẩm tập trung; bảo lãnh khoản vay, lãi suất thấp, rút ngắn khấu hao, tài trợ 50% chi phí đầu tư đối với doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động chế biến phụ phẩm.
Liên minh châu Âu có Luật Kinh tế tuần hoàn (2015) thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón từ chất thải; Thỏa thuận xanh châu Âu (2019). Ấn Ðộ ban hành Chính sách quốc gia về quản lý phụ phẩm trồng trọt (2014).
Nhật Bản hỗ trợ, ưu tiên phát triển công nghệ chế biến và tái sử dụng phụ phẩm, tập trung vào rơm rạ với các ưu tiên rõ ràng; Ưu đãi giá FiT (biểu giá điện hỗ trợ) trong 20 năm đối với nhà máy điện sinh khối sử dụng viên nén gỗ. Trung Quốc xây dựng hướng dẫn sử dụng phân vật nuôi (2017, 2019) với mục tiêu sử dụng 75% vào năm 2020, 80% năm 2025 và 90% năm 2035...
(Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn)
Do vậy, việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển phân bón hữu cơ quy mô nhỏ gặp nhiều lực cản. Ðiều này dẫn đến việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi thường dừng lại ở mức độ tự cung tự cấp trong nội bộ trang trại. Vì vậy, cần có chính sách để phát triển hệ thống thu gom và tiêu thụ phân bón hữu cơ làm từ chất thải chăn nuôi tại các trang trại quy mô nhỏ và vừa.
Ngoài ra, với mô hình hệ thống tưới bằng nước thải sau bi-ô-ga, thì thực tế trong nhiều năm, người chăn nuôi phải tuân thủ quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT về nước thải chăn nuôi cho nên không thể sử dụng nước thải sau bi-ô-ga để tưới cho cây trồng. Ðến ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, tạo điều kiện để nhân rộng mô hình tưới bằng nước thải sau bi-ô-ga. "Thời gian tới, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm hướng dẫn, thông tin tuyên truyền để QCVN 01-195:2022/BNNPTNT mang lại giá trị thực tiễn cho người chăn nuôi", ông Nguyễn Thế Hinh nhấn mạnh.
Không chỉ lĩnh vực riêng lẻ như chăn nuôi mà về tổng thể các ngành nông nghiệp như trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp cũng đều cần có chính sách thông thoáng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: Việt Nam cần sớm xây dựng khung pháp lý đủ mạnh để bảo đảm có cơ chế chính sách thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn, như: Xây dựng Chương trình hành động quốc gia về sử dụng và xử lý phụ phẩm, chất thải nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hướng dẫn thu gom, phân loại và xử lý phụ phẩm; có cơ chế chính sách thu hút đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ, nhà máy xử lý, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như chính sách miễn, giảm thuế, cộng giá vào sản phẩm...; chính sách xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp; chính sách thúc đẩy hợp tác công tư trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, cần tăng cường các quy định về môi trường trên cơ sở củng cố và hợp lý hóa hệ thống pháp luật nhằm đẩy nhanh việc áp dụng các phương pháp canh tác bền vững, góp phần quan trọng tiến đến hoàn thiện nền nông nghiệp tuần hoàn.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
(HBĐT) - Ngày 22/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm của xã Ngổ Luông (Tân Lạc).
Từ ngày 1/7, người dân có thể đăng ký kinh doanh bằng hồ sơ điện tử qua mạng Internet. Hồ sơ đăng ký này có giá trị pháp lý tương đương bản giấy.
(HBĐT) - Sáng ngày 22/4, tại dự án Quần thể đô thị nghỉ dưỡng Casa Del Rio – Chủ đầu tư là Công ty TNHH Khu đô thị Trung Minh tổ chức Lễ khánh thành Văn phòng – Nhà điều hành BQL dự án. Tới dự có hàng trăm khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp tiềm năng trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Trên đà hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, vượt lên khó khăn, thách thức, các mô hình kinh tế tập thể (KTTT) ở huyện Kim Bôi đã linh hoạt tận dụng hiệu quả cơ chế, chính sách của Nhà nước để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nắm bắt nhu cầu của thị trường để đổi mới phương thức, cách làm trong sản xuất, kinh doanh (SX-KD). Qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của KTTT trong thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 146/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc bộ.