Hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ dược liệu Thiên Lợi An, xã Kim Bôi (Kim Bôi) sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Bình Sơn (xã Bình Sơn) đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, gấp 3 lần so với giai đoạn 2020 - 2021 (thời điểm dịch Covid-19 bùng phát). HTX hiện có 25 thành viên. Với tổng diện tích trên 14 ha đất sản xuất, HTX tập trung trồng, chăm sóc các giống cây bí xanh, ớt, dưa lê. Sản lượng năm 2022 đạt 70 tấn, thị trường chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc. HTX giải quyết việc làm cho trên 30 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Bình Sơn chia sẻ: Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, HTX chủ động khôi phục sản xuất, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, HTX tiếp tục phát triển, nhân rộng diện tích cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chuyển đổi một phần diện tích để trồng, phát triển cây lấy hạt như: mướp đắng, bí đỏ… Đây là mô hình được các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Năm 2022, huyện Kim Bôi thành lập mới 8 HTX, giải thể 4 HTX hoạt động không hiệu quả. Hiện, toàn huyện có 47 HTX, 3 THT với trên 500 thành viên, trong đó, 30 HTX lĩnh vực nông, lâm nghiệp, 17 HTX phi nông nghiệp. Theo rà soát, có 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao do HTX sản xuất, là những nông sản chất lượng từ trồng trọt, chăn nuôi. Tiêu biểu như: nhãn Sơn Thủy của HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy sản xuất theo quy trình VietGAP, xuất khẩu sang thị trường châu Âu năm 2022; bưởi Diễn, bưởi da xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại Mường Động, HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi sản xuất theo quy trình VietGAP… Các HTX đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương. Thông qua sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, huy động mọi nguồn lực duy trì, phát triển SX-KD. Để sản phẩm được thị trường đón nhận, huyện khuyến khích các HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh, nâng cao chất lượng. Không ngừng đổi mới, cải tiến mẫu mã sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực địa phương.
Chủ động tìm giải pháp nâng cao năng lực cho KTTT, huyện tích cực chỉ đạo, ban hành các văn bản quán triệt, hướng dẫn kịp thời chế độ, chính sách nhằm củng cố, phát triển toàn diện các HTX. Cấp ủy, chính quyền chủ động phối hợp tăng cường thông tin, tuyên truyền Luật HTX; đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Đối với đội ngũ quản lý, huyện chú trọng nâng cao kiến thức về kinh tế hội nhập, trình độ quản lý kinh tế, điều hành sản xuất, kinh doanh theo mô hình HTX kiểu mới. Tập trung xây dựng một số mô hình HTX hoạt động có hiệu quả tham gia liên kết, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, thực hiện đảm bảo tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: "Thời gian tới, dự án đường liên kết vùng Hoà Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hoà Bình - Mộc Châu) hoàn thành sẽ cùng với đường 12B tạo thuận lợi cho giao thương, hợp tác liên kết giữa các HTX trên địa bàn và các vùng lân cận. Nắm bắt cơ hội đó, các tổ chức KTTT của huyện đang tập trung mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các hộ dân mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao năng lực hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, chế biến. UBND huyện chỉ đạo các ngành tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn của các HTX, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp giúp các HTX phát triển hiệu quả, là lực lượng nòng cốt góp phần thúc đẩy phát triển KTTT của địa phương.
Đức Anh