Ngày 21/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 146/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 9 tỉnh Vùng trung du và miền núi Bắc bộ.


Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Thông báo nêu rõ: Đến hết quý I năm 2023, tỷ lệ giải ngân của 9 tỉnh đều chưa đạt được mức bình quân chung của cả nước (10,35%) và còn hạn chế so với kết quả cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những yếu tố khách quan, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc, tập trung vào một số nhóm nguyên nhân như: Các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đầy đủ hoặc chưa rõ ràng, thống nhất trong hệ thống pháp luật; cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục về giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn bất cập, làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án. Quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm còn phức tạp, cần báo cáo nhiều cấp, nhiều ngành, gây mất nhiều thời gian; quy trình, thủ tục đầu tư các dự án còn phức tạp, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng; vướng mắc liên quan đến quy định về khai thác tài nguyên, khoáng sản và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ các dự án đầu tư công, đặc biệt là đối với đất san lấp, cát, sỏi. Năng lực thực thi của một số cơ quan, đơn vị, nhà thầu còn yếu kém; một số nơi còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh", chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công...

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm 2023, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng như các địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023, số 123/CĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2023 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn thách thức; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; thực hiện ngay việc phân bổ 100% vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phân cấp mạnh hơn cho cấp huyện, cấp cơ sở, tránh dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh trong nội bộ của bộ, cơ quan, địa phương mình theo quy định; kiên quyết thực hiện điều chuyển vốn đầu tư công từ các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị, dự án có tiến độ giải ngân cao và có tính khả thi; không để tái diễn tình trạng các dự án khởi công mới chậm hoặc không thể giải ngân trước ngày 30/10 hằng năm. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp so với mức trung bình cả nước nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; chủ động rà soát, lựa chọn một số cơ chế, chính sách để ưu tiên nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành theo hướng tháo gỡ các "nút thắt", khơi thông các "điểm nghẽn" trong giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Các văn bản đề xuất, trao đổi, phối hợp giữa các bộ, cơ quan, địa phương phải được xử lý, trả lời trong thời hạn 7 ngày làm việc (trường hợp không trả lời hoặc chậm trả lời theo thời hạn được xác định là đồng ý và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) và đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau quá trình triển khai thực hiện để phát hiện sớm các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kịp thời hướng dẫn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, khắc phục với cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 13/4/2023 và Thông báo số 129/TB-VPCP ngày 14/4/2023; hoàn thành trong tháng 4/2023.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực của Tổ công tác, tổng hợp chung kết quả kiểm tra và kiến nghị của các địa phương thuộc trách nhiệm theo dõi, kiểm tra của Tổ công tác số 3 cùng với kết quả kiểm tra của các Tổ công tác khác để báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2023 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Tháo gỡ khó khăn dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối QL 6

(HBĐT) - Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối quốc lộ 6 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị cho TP Hòa Bình. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ đề ra do những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC), nguồn nguyên liệu đất đắp… Tỉnh chỉ đạo chính quyền TP Hòa Bình, chủ đầu tư, các sở, ngành chức năng khẩn trương tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này.

Tái cấu trúc quy trình, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Văn bản số 518/UBND-NVK, ngày 17/4/2023 về việc tái cấu trúc quy trình, thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử.

Kế hoạch thực hiện Nghị quyết phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Bộ Công Thương giao các cơ quan đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tạo chuyển biến trong phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ theo hướng hiện đại.

Quy hoạch tổng thể quốc gia tạo các động lực tăng trưởng và giá trị mới

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tổ chức sáng 20/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục các mặt còn tồn tại trong phát triển và tổ chức không gian phát triển của đất nước giai đoạn vừa qua, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được lập theo quy định.

Thị trường bất động sản - nhà đầu tư lao đao vì lãi vay ngân hàng

(HBĐT) - Rủi ro trong ngắn hạn ở thị trường bất động sản (BĐS) đang hiện diện rõ rệt, đặc biệt với các nhà đầu tư (NĐT) sử dụng đòn bẩy tài chính với tỉ lệ cao. Nhiều nhà, đất dù giảm giá nhưng cũng khó có thể tìm được người mua. Hiện nay, tâm lý của NĐT nói chung thận trọng hơn; những người đã bán được BĐS thì ưu tiên gửi tiết kiệm hơn là đầu cơ vào nhà đất.

Trang bị kỹ thuật chăm sóc và đóng gói quả thanh long tươi phục vụ thị trường trong và ngoài nước

(HBĐT) - Ngày 19/4, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lạc Thủy phối hợp với UBND, Hội Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, quy trình xử lý, đóng gói quả thanh long tươi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tham gia lớp tập huấn có 30 học viên là các hộ nông dân có diện tích trồng thanh long tiêu biểu hoặc đã được cấp mã số vùng trồng trên địa bàn thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục