(HBĐT) - Ngày 26/4, Sở NN& PTNT phối hợp Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức hội thảo khoa học xây dựng quy trình kỹ thuật tái canh cây ăn quả có múi (CAQCM) trên địa bàn tỉnh.
Hoà Bình là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn, đặc biệt là CAQCM với diện tích gần 10.000 ha. CAQCM đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào phát triển KT-XH của các địa phương và tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh. Tỉnh đã hình thành được vùng sản xuất cây có múi hàng hóa, trong đó, vùng sản xuất cam tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất bưởi tại các huyện: Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn… Giá trị trồng cây có múi đạt từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm. Tuy là cây ăn quả dài ngày nhưng cũng đến lúc cây già cỗi cần trồng lại chu kỳ mới. Ngoài ra, tại nhiều vùng trồng CAQCM đã phát sinh các sinh vật gây hại nguy hiểm, làm cây suy kiệt, tàn lụi sớm, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo sản xuất và ứng dụng thực tế của các hợp tác xã, doanh nghiệp, người sản xuất.
Từ thực trạng trên, việc triển khai thực hiện Đề án tái canh CAQCM tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết nhằm phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất tập trung, đồng bộ, từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong với cây cam, quýt, quy mô khoảng 1.500 ha; giai đoạn 2026 - 2030 mở rộng diện tích tái canh tại huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn…
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã trao đổi, đưa ra các ý kiến phản biện nhằm xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật tạm thời tái canh CAQCM. Từ đó, giúp người sản xuất có cơ sở khoa học và thực tiễn trong quá trình tạo quỹ đất an toàn về sâu bệnh phục vụ trồng tái canh và phòng chống, khôi phục vườn cây đã nhiễm các sinh vật gây hại trong đất; thực hiện thành công đề án tái canh CAQCM trên địa bàn tỉnh.
T.H