(HBĐT) - Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh có nhu cầu về vốn để duy trì và phát triển sản xuất. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng của phần đa DN còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn nhận rõ thực trạng trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh cùng một số ngân hàng chiếm thị phần lớn trong tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.
Thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến không ít DN trên địa bàn khó tiếp cận vốn vay. Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh diễn ra cuối tháng 4 vừa qua, một trong những kiến nghị của đại diện Hiệp hội DN tỉnh đối với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng hiện là một trong những khó khăn rất lớn mà DN phải đối mặt.
Theo ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, hiện phần lớn DN trong tỉnh là DN nhỏ và siêu nhỏ, phần lớn liên quan đến lĩnh vực xây lắp. Để triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD), hầu hết DN đều cần nguồn vốn tín dụng hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, trải qua 2 năm dịch Covid -19, cùng với tình hình kinh tế thế giới khó khăn thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến nội lực của DN trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng thắt chặt tín dụng là nguyên nhân dẫn đến khó khăn cho đại bộ phận DN.
Bên cạnh đó, tiếp cận khách hàng của ngân hàng vẫn còn đơn lẻ, chưa bám sát địa bàn, các khu, cụm công nghiệp, DN, cơ sở SX-KD để tăng cường thông tin đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại (NHTM) với khách hàng nhằm chia sẻ những vướng mắc trong tiếp cận tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho khách hàng
Để giúp DN vượt qua khó khăn trước mắt, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, hệ thống ngân hàng cần có những ưu tiên đối với khối DN trong bối cảnh hiện nay như giảm lãi suất, cơ cấu lại vốn vay cũng như khoanh nợ, giãn nợ... Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho DN trong tiếp cận tín dụng. Có được như vậy DN trong tỉnh mới đảm bảo duy trì hoạt động hiệu quả, giúp giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động địa phương.
Cần có sự giám sát huy động vốn lành mạnh
Qua tìm hiểu tại các ngân hàng được biết, họ đang tìm cách tiếp cận DN, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay, bởi từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng khá chậm. Đơn cử tại Ngân hàng BIDV chi nhánh tỉnh Hoà Bình, thời gian qua, đơn vị tích cực huy động vốn nhằm đáp ứng tối đa hoạt động của cộng đồng DN trên địa bàn. Để hỗ trợ DN trong tình hình khó khăn này, có những thời điểm, BIDV Hoà Bình cho vay với lãi suất chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động vốn khoảng 0,5%/năm.
Hoạt động của ngân hàng thì lợi nhuận từ chênh lệch huy động vốn và cho vay. Chính vì vậy, ngân hàng nào cũng rất cần những khách hàng lớn, khách hàng là DN và khách hàng có uy tín để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua, do việc quy định tài sản thế chấp cũng như một số điều kiện ràng buộc như phương án SX-KD khả thi, sự uy tín của DN… cũng là một trong những khó khăn trong hoạt động tín dụng với DN trên địa bàn.
Thêm nữa, tình trạng cạnh tranh đẩy lãi suất huy động vốn lên khá mạnh của các NHTM khiến một số ngân hàng có thị phần lớn trên địa bàn gặp khó khăn. Cụ thể, trong khi các ngân hàng lớn chỉ huy động tối đa trên 7%/năm cho tiền gửi dài hạn thì một số ngân hàng có thị phần nhỏ huy động đến trên 9%/năm. Điều đó cũng dẫn đến quy mô vốn của các ngân hàng chiếm thị phần lớn sụt giảm khiến việc cho vay cũng khó khăn hơn.
Tăng cường kết nối doanh nghiệp - ngân hàng
Trước các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của DN, một số ngân hàng đã và đang tiếp cận, thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay, bởi từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng khá chậm.
Thống kê từ NHNN chi nhánh tỉnh cũng cho thấy rõ những khó khăn của khối DN, tính đến hết quý I/2023, tổng dư nợ toàn địa bàn của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt 34.567 tỷ đồng, tăng 216 tỷ đồng, tăng 0,6% so với 31/12/2022, thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành là 2,06%. Trong đó, riêng dư nợ cho vay hỗ trợ mới DN nhỏ và vừa mới đạt 8.454 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,6%/tổng dư nợ.
Quan điểm từ phía Hiệp hội DN tỉnh, ngành ngân hàng cần tăng cường kết nối, tích cực làm việc với DN để chủ động dòng tiền và cơ cấu vốn kịp thời. DN có nguồn vốn sẽ có sức cạnh tranh tốt, hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho xã hội, đóng thuế Nhà nước... Hệ thống ngân hàng cũng có lợi khi giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, thời gian qua, NHNN chi nhánh tỉnh tích cực kết nối giữa cộng đồng DN với hệ thống ngân hàng và đạt được một số kết quả nhất định. Trong thời gian tới, NHNN chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi và phát triển SX-KD. Giám sát các ngân hàng, TCTD trong việc chấp hành quy định về lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan giải đáp, xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, Thống đốc NHNN xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền đối với chính sách hỗ trợ lãi suất; tín dụng ưu đãi cho DN trên địa bàn vượt qua khó khăn, đảm bảo duy trì và phát triển SX-KD.
Hồng Trung