Với sự tạo điều kiện của các cấp, các ngành chức năng, từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Cap Global (KCN Lương Sơn) đã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ số GNTT được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí GNTT của các DN mới thành lập giữa các tỉnh với nhau. Chỉ số GNTT của mỗi tỉnh được chấm điểm cao hay thấp chính là sự phản ánh trung thực thái độ của DN đối với cơ quan chức năng và chính quyền trong việc tạo điều kiện cho họ được tham gia thị trường như thế nào?. GNTT được xem là bước đầu tiên rất quan trọng đối với mỗi DN.
Thực trạng chỉ số gia nhập thị trường của tỉnh
Năm 2022, chỉ số PCI của Hòa Bình đứng thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2021. Trong đó, chỉ số GNTT đạt 6,49 điểm, tăng 0,27 điểm, tuy nhiên thứ hạng giảm 1 bậc so với năm trước. Trong 19 chỉ tiêu nhỏ của chỉ số này thì có 7 chỉ tiêu được đánh giá tích cực. Bao gồm, các thủ tục liên quan đến cấp phép kinh doanh (CPKD) có điều kiện đã được cải thiện, cụ thể: quy trình giải quyết thủ tục CPKD có điều kiện đúng như văn bản quy định xếp thứ 21, cải thiện 41 bậc; DN không gặp khó khăn gì khi thực hiện thủ tục CPKD có điều kiện xếp thứ 23, cải thiện 22 bậc; hướng dẫn thủ tục CPKD có điều kiện là rõ ràng, đầy đủ xếp thứ 25, cải thiện 32 bậc.
Ngoài ra, việc khai trình sử dụng lao động, đề nghị cấp mã số đơn vị tham gia BHXH và đăng ký sử dụng hóa đơn của DN được thực hiện đồng thời trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký DN được 82% DN đồng ý, xếp thứ 7, cải thiện 54 bậc. Thời gian thay đổi nội dung đăng ký DN (trung vị) là 7 ngày, xếp thứ 27, cải thiện 32 bậc; có 4% DN phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký DN từ 2 lần trở lên, xếp thứ 28.
Tuy nhiên, có tới 12 chỉ tiêu được DN đánh giá chưa tích cực. Vừa qua, tại hội nghị đánh giá chỉ số PCI của tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã đi sâu phân tích một số chỉ tiêu, từ đó đánh giá thực trạng, đưa ra giải pháp nhằm kịp thời cải thiện những mặt được nhận định còn hạn chế.
Theo đó, các vấn đề liên quan như thủ tục tại bộ phận một cửa được niêm yết công khai xếp thứ 63; cán bộ tại bộ phận một cửa nhiệt tình, thân thiện xếp thứ 62. 70% DN nhận định cán bộ tại bộ phận một cửa am hiểu về chuyên môn, xếp thứ 41, giảm tới 33 bậc so với năm trước. Tỷ lệ DN phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động xếp thứ 62 và tỷ lệ DN phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động xếp thứ 61.
Chi phí CPKD có điều kiện không vượt quá mức phí, lệ phí được quy định trong văn bản pháp luật được 23% DN nhận định, xếp thứ 48. Có 25% DN đánh giá thời gian thực hiện thủ tục CPKD có điều kiện không kéo dài hơn so với văn bản quy định, xếp thứ 40. Có 7% DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục đăng ký DN xếp thứ 52. 7% DN phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do những khó khăn gặp phải khi thực hiện thủ tục sửa đổi đăng ký DN, xếp thứ 50. 56% DN đăng ký hoặc sửa đổi đăng ký DN thông qua hình thức mới như đăng ký trực tuyến, đăng ký ở Trung tâm hành chính công hoặc qua bưu điện, xếp thứ 44, giảm 8 bậc. Thời gian đăng ký DN (trung vị) 8,5 ngày, xếp thứ 43, giảm tới 39 bậc.
Những vấn đề đặt ra
Theo phân tích của Sở KH&ĐT, chỉ số GNTT của tỉnh được cải thiện về điểm số nhưng không cải thiện về thứ hạng và còn thấp hơn bình quân chung cả nước là do chỉ số này được đánh giá dựa trên kết quả phản ánh sự chưa hài lòng của DN về một số thủ tục như: đăng ký kinh doanh (ĐKKD), hoàn tất các thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh, tính công khai, minh bạch của thủ tục ĐKKD, sự am hiểu chuyên môn và tinh thần thái độ cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan ĐKKD... Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận thực tế một số DN chưa thực sự hiểu rõ trình tự, các bước cần phải thực hiện để đủ điều kiện sớm đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Về phía tỉnh cũng nhìn nhận khách quan và đánh giá thực trạng những vấn đề liên quan đến trách nhiệm các sở, ngành, địa phương nói chung. Ngoài những mặt đã đạt được thì công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN về thực hiện TTHC chưa đầy đủ, rõ ràng. Trình độ của một số DN còn hạn chế trong thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu tinh thần trách nhiệm trong giải quyết công việc, yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần, làm ảnh hưởng không nhỏ đến GNTT, chi phí thời gian và chi phí không chính thức của DN…
Ngoài ra, nhận thức của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng DN về chỉ số PCI còn hạn chế, chưa hiểu rõ bản chất của từng chỉ số trong 10 chỉ số thành phần, đặc biệt là 142 chỉ tiêu nhỏ. Dẫn đến chất lượng phiếu điều tra phản hồi chưa thực sự khách quan và không sát với thực tế. Thực tế cho thấy, trong năm 2022, nhóm nghiên cứu gửi phiếu điều tra cho 730 DN trên địa bàn tỉnh, số phiếu phản hồi là 152 DN, tỷ lệ phản hồi chỉ 20,8%, mới chiếm 3,5% tổng số DN của tỉnh tại thời điểm cuối năm 2022.
Sự vào cuộc của ngành chức năng
Để cải thiện chỉ số GNTT, theo đồng chí Vũ Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, trong kế hoạch nhằm nâng cao chỉ số PCI nói chung và chỉ số GNTT nói riêng, Sở KH&ĐT đã có kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan báo cáo đánh giá hiệu quả của công tác cải cách hành chính, đặc biệt là việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục tại Quyết định số 1688/QĐ-UBND, ngày 11/8/2021 và Quyết định số 2604/QĐ-UBND, ngày 4/11/2022.
Song song với đó, cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về văn hóa công vụ. Chú trọng đào tạo, giáo dục đạo đức, lối sống; rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức theo chuẩn mực quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, bảo đảm sử dụng hiệu quả giờ làm việc, không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài xử lý công việc; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình...
Đặc biệt là nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, đạo đức công vụ, văn hoá ứng xử, giao tiếp của cán bộ, công chức, tạo sự thân thiện tại bộ phận một cửa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ TTHC nhằm tạo sự thuận lợi, minh bạch trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, nâng cao việc giải quyết hồ sơ TTHC của người dân trên môi trường mạng.
Với các giải pháp đang được triển khai đồng bộ, kỳ vọng chỉ số GNTT cùng các chỉ số thành phần khác của chỉ số PCI tỉnh nhà trong những năm tới sẽ có chuyển biến tích cực. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao sự hài lòng và niềm tin của người dân, cộng đồng DN đối với các cấp chính quyền địa phương.
Hồng Trung