Huyện Đà Bắc đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Phát triển sản phẩm OCOP để nâng giá trị nông sản địa phương
Thứ hai, 29/5/2023 | 9:53:36 Sáng
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Đà Bắc đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị các nông sản đặc trưng.
Sản phẩm OCOP 3 sao miến dong Đà Bắc của HTX đa ngành nghề Yên Lý, xã Cao Sơn được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, 100% làm từ tinh bột dong nguyên chất, không sử dụng chất tẩy, làm trắng.
Được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022, sự khác biệt của thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) được tạo nên từ giống lợn và cách chăm sóc. Giống lợn đen bản địa được bà con địa phương duy trì, giữ gìn nguồn gen qua thời gian. Sau khi được chọn lọc kỹ lưỡng, những con giống đủ tiêu chuẩn được nuôi thành lợn thương phẩm. Trung bình 1 lứa lợn nuôi từ 7 tháng đến 1 năm, thức ăn chủ yếu là cám nấu từ cây chuối trộn với ngô, sắn. Vì vậy, thịt lợn bản địa Tân Minh có vị thơm, ngậy nhưng không bị ngấy. Đến nay, quy mô nuôi lợn đen của HTX khoảng 200 con/ lứa. Có 25 hộ vệ tinh trong xã ký cam kết với HTX đảm bảo về nguồn giống, quy trình kỹ thuật chăn nuôi.
Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh cho biết: HTX đã đầu tư hệ thống lò mổ, các thiết bị bảo quản, máy hút chân không để giữ cho thịt lợn luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm trước khi tiêu thụ được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch. Giá thịt lợn móc hàm khoảng 130.000 đồng/kg, bán lẻ túi hút chân không 150.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ trên 5 tạ lợn thương phẩm.
Không chỉ sản phẩm thịt lợn bản địa Tân Minh, thời gian qua, xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản nên UBND huyện Đà Bắc đã tập trung chỉ đạo để chuẩn hóa nhóm sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt. Các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của huyện như: miến dong, rượu ngô, hạt sachi, thịt trâu sấy khô, thịt lợn bản địa, trà giảo cổ lam, cá sông Đà... trên địa bàn các xã, thị trấn đều được khảo sát, chủ thể đăng ký đưa vào đề án chung của tỉnh. Hàng năm, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp Hội Nông dân, Hội LHPN, Phòng Văn hóa - thông tin huyện… tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép các nội dung về Chương trình OCOP cho hàng trăm lượt hội viên, chủ thể sản xuất nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình.
Bên cạnh đó, sau khi có quyết định phân bổ nguồn kinh phí do tỉnh cấp để hỗ trợ chuẩn hóa, đăng ký các sản phẩm OCOP, UBND huyện phân bổ kinh phí giao Phòng NN&PTNT huyện thực hiện chuẩn hóa sản phẩm. Phòng NN&PTNT huyện chủ động phối hợp các phòng, đơn vị chuyên môn và chủ thể bổ sung những tiêu chí thiếu, đảm bảo sản phẩm đủ điều kiện đạt số điểm cao nhất trong quá trình chấm điểm, phân hạng. Ngoài ra, chỉ đạo tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2018 đến nay, huyện Đà Bắc đã xây dựng và chuẩn hóa 7 sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 - 4 sao. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Giai đoạn 2018 - 2021, huyện thực hiện chuẩn hóa sản phẩm OCOP vượt 2 sản phẩm so với kế hoạch đề ra. Việc hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm đã tạo thêm động lực, khuyến khích các chủ thể sản xuất tích cực tham gia Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, yên tâm đối với người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể lưu thông sản phẩm OCOP trên thị trường, tạo ra các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Đà Bắc đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ xây dựng, phát triển bình quân mỗi năm từ 1 - 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Phấn đấu cả giai đoạn có ít nhất 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ngày 27/5, Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris.
Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... là những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/5/2023.
(HBĐT) - Kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch (Lương Sơn) mới đây, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo đưa KCN này là công trình dự án trọng điểm của tỉnh để tập trung chỉ đạo, xây dựng KCN Nhuận Trạch trở thành hình mẫu về phát triển hạ tầng công nghiệp đồng bộ, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư với chủ đề "Hà Tĩnh - Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 28/5 với sự tham gia của hơn 700 đại biểu.
(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trên địa bàn tỉnh đạt 88,2 tỷ đồng/4.559 lượt khách hàng vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ cho vay NS&VSMTNT đạt trên 671 tỷ đồng/38.451 khách hàng còn dư nợ.
(HBĐT) - Ngày 26/5, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành đã làm việc với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, do ông Mario Ronconi, Vụ trưởng phụ trách Nam Á - Đông Nam Á tại Cục châu Á - Thái Bình Dương - Trung Đông thuộc Tổng cục Đối tác quốc tế làm trưởng đoàn, nhằm giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như cơ hội hợp tác giữa Hoà Bình và Liên minh châu Âu.