(HBĐT) - Tập đoàn Meiko Nhật Bản đang triển khai dự án đầu tư nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD tại khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình. Nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững của tỉnh. Làm việc với tập đoàn chiều 8/6 vừa qua, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định quan điểm nhất quán, luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai dự án hiệu quả, cam kết tạo điều kiện tối đa để Tập toàn Meiko đầu tư thành công tại tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tiếp lãnh đạo Tập đoàn Meiko Nhật Bản.
Dự án đầu tư nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử do Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư MEIKO ELECTRONICS CO., LTD, Nhật Bản (cấp lần đầu ngày 11/12/2018; điều chỉnh lần thứ nhất ngày 20/4/2021). Đây là dự án sản xuất các vi mạch điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các loại chíp vi xử lý; các bộ điều khiển (bộ điều khiển khả trình PLC, bộ điều khiển CNC...); đồng thời xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải.
Ông Atsushi Sakate, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn Meiko cho biết: Meiko là một trong những tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất bản mạch điện tử và lắp ráp các bản mạch điện tử hoàn chỉnh với 5 nhà máy tại Nhật Bản, 2 nhà máy tại Trung Quốc và các văn phòng đại diện, công ty con trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Tập đoàn Meiko đã đầu tư xây dựng 3 nhà máy sản xuất bản mạch điện tử, lắp ráp các bản mạch in điện tử (PCB) với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động, nộp ngân sách nhà nước khoảng 30 triệu USD/năm. Tập đoàn đang triển khai kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử tại KCN bờ trái sông Đà, thuê lại đất và hạ tầng của Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp, với tổng diện tích 9,2ha; tổng vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD. Công ty đã thực hiện thuê đất có hạ tầng với Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp và đã được bàn giao đất diện tích 9,2ha. Dự án có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu. Tập đoàn đặt kế hoạch: Từ quý IV/2022 - IV/2023 xây dựng văn phòng, nhà xưởng; từ quý I - II/2024 mua, vận chuyển và lắp đặt máy móc, thiết bị, tuyển dụng, đào tạo nhân viên; từ quý II/2024 sản xuất thử, sản xuất chính thức. Số lao động dự kiến sử dụng khoảng 3.000 người (đến năm 2030); nộp ngân sách dự kiến (khi sản xuất đủ công suất năm 2030) khoảng 200 tỷ đồng/năm. Tập đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tỉnh để triển khai dự án thành công.
Đồng chí Chu Văn Thắng, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Xác định đây là dự án quan trọng, có tác dụng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách, gia tăng giá trị xuất khẩu, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ triển khai dự án theo kế hoạch. Theo đó đã giải quyết những đề xuất của Công ty TNHH Meiko Electronics. Cụ thể, đối với vấn đề thu gom, xử lý nước thải, theo quy hoạch KCN được phê duyệt, tổng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của KCN hiện tại khoảng 1.100 m3/ngày đêm, định hướng trong tương lai dự kiến nâng cấp lên 5.000 m3/ngày đêm (tương đương 80% nước cấp). Hiện KCN bờ trái sông Đà đã xây dựng hoàn thành trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.200 m3/ngày đêm, có thể nâng công suất tối đa lên đến 1.400 m3/ngày đêm. Với nhu cầu xả thải theo đề xuất của công ty (9.000 m3/ngày đêm) thì hạ tầng xử lý nước thải của KCN chưa đáp ứng yêu cầu. Về hạ tầng cấp nước, theo quy hoạch đã được phê duyệt, nguồn cấp nước cho KCN được lấy từ bể nước qua hệ thống bơm và xử lý nước của KCN, tổng công suất dự kiến khoảng 6.000 m3/ngày đêm. Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp - đơn vị đầu tư hạ tầng đã xây dựng, đưa vào vận hành dự án nhà máy nước sạch KCN bờ trái sông Đà công suất 11.000 m3/ngày đêm (dự kiến có thể nâng công suất lên 15.000 m3/ngày đêm). Như vậy đáp ứng được theo đề xuất của công ty. Về vấn đề cấp điện, KCN được đầu tư xây dựng đồng bộ và độc lập với điện dân sinh, hệ thống dây dẫn 22 kV đến hàng rào các doanh nghiệp đảm bảo ổn định, thông suốt, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN. Với nhu cầu sử dụng điện như đề xuất (13.500.000 kW/h, trạm biến áp 45MVA), hệ thống cấp điện hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý đã kiến nghị UBND tỉnh, giao chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN bờ trái Sông Đà (Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp) làm việc với Sở Công Thương, Điện Lực Hòa Bình và phối hợp các cơ quan liên quan để có giải pháp đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của Công ty TNHH Meiko Electronics, báo cáo UBND tỉnh.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cam kết tỉnh sẽ luôn đồng hành với Tập đoàn Meiko trong quá trình triển khai thực hiện dự án, thực hiện các thủ tục đầu tư, tạo quỹ đất cho Công ty TNHH Meiko Electronics xây dựng nhà ở công nhân. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tập đoàn tiếp tục bám sát định hướng đầu tư của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án trong thời gian sớm nhất.
Lê Chung