Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) đủ điều kiện hoàn, đảm bảo đúng thời hạn quy định, lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh khó chồng khó, doanh nghiệp "ngóng" được hoàn thuế VAT.


Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: TTXVN

Số tiền chậm hoàn thuế có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng khiến nhiều doanh nghiệp đang rơi vào đường cùng khi không còn vốn để kinh doanh. Cá biệt, có doanh nghiệp gỗ tại Quảng Ninh chia sẻ, sau khi hồ sơ được đưa vào vòng xác minh bởi công an thì sau 1,5 năm, lực lượng công an mới kiểm tra xong được tiến độ khoảng 10%. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải mất khoảng 15 năm nữa, thì cơ quan chức năng mới kiểm tra xong toàn bộ chuỗi cung hàng cho doanh nghiệp này (?).

Một số doanh nghiệp cũng kiến nghị, trường hợp doanh nghiệp chậm nộp tiền nợ thuế vào ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp bị đóng phạt nộp chậm với mức 0,03%/ngày. Vậy, khi cơ quan thuế chậm thực hiện hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp thì cơ quan quản lý Nhà nước có xem xét trả lãi cho doanh nghiệp theo số tiền thuế bị chậm hoàn?

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có văn bản đôn đốc Cục thuế các tỉnh, thành phố về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT nhưng tiến độ còn chậm. Tổng số tiền được dành cho quỹ hoàn thuế VAT của năm nay là 186.000 tỷ đồng nhưng hiện tại mới chỉ hoàn thuế được 1/4 dự toán.

Tính đến ngày 16/6, cơ quan thuế các cấp đã ban hành 7.893 quyết định hoàn thuế với số thuế VAT đã hoàn đạt 30% so với dự toán năm 2023, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022. Tiến độ giải quyết hoàn thuế được đánh giá là chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đảm bảo công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời phấn đấu đến ngày 30/6/2023, số tiền hoàn thuế VAT đảm bảo tối thiểu bằng với cùng kỳ năm 2022, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo triển khai ngay các công việc.

Cụ thể, Cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo các bộ phận chức năng của cục thuế đẩy nhanh tiến độ xử lý, giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT cho người nộp thuế; đồng thời tổ chức giám sát việc xử lý hồ sơ phải thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các bước giải quyết hoàn thuế theo đúng quy định tại quy trình hoàn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 679/QĐ-TCT ngày 31/5/2023 của Tổng cục Thuế.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đủ điều kiện hoàn, các cục thuế cần khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, đảm bảo đúng thời hạn quy định. Trường hợp các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT chưa đủ điều kiện hoàn thuế hoặc không được hoàn thuế, cục thuế ban hành văn bản thông báo trả lời cho doanh nghiệp biết không được hoàn thuế theo mẫu số 04/TB-HT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính.

Trong suốt những tháng qua, đơn hàng bị suy giảm, chi phí đầu vào gia tăng, cộng với khó khăn trong khâu hoàn thuế VAT đã khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp phải dừng xuất khẩu hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

"Doanh nghiệp vẫn đang ‘ngóng’ hoàn thuế trong suốt từ 1 - 3 năm qua. Đối với những đơn hàng xuất khẩu đã hoàn thành, khi thương vụ đã thành công, hàng đã được xuất đi, tiền đã được lấy về việc hoàn thuế cho doanh nghiệp lại ách tắc với những lý do liên quan đến công tác quản lý của cơ quan chức năng trong việc truy xuất nguồn gốc”, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết. 

Cơ quan chức năng thì cho rằng, chưa đủ cơ sở để hoàn thuế cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp chứng minh họ đã hoàn thành nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng thương mại với các đối tác và đối tác của doanh nghiệp đã trả tiền. "Theo cơ cấu tính toán về tài chính, rõ ràng việc hoàn thuế cũng là khoản tương đối lớn. Doanh nghiệp cần dòng tiền để có thể tiếp tục thực hiện các đề án xuất nhập khẩu tiếp theo”, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Theo đề xuất của VCCI với Chính phủ, đối với những thương vụ đã được xác minh, thậm chí có những thương vụ đã được cơ quan công quyền, cơ quan điều tra, giám sát, kiểm tra và xác minh, có những kết luận không đủ yếu tố để xử lý theo những hình thức của pháp luật thì cơ quan thuế nên tính đến việc hoàn thuế cho doanh nghiệp. Còn nếu như sau này truy cứu và phát hiện ra những vấn đề cần phải xử lý thì tích cực xử lý.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, họ không được cơ quan hoàn thuế VAT đối với sản phẩm xuất khẩu do doanh nghiệp không xác định được đối tác nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp theo quy định. Ví dụ đối với ngành sắn, khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn sang nước láng giềng nhưng không liên lạc được với người mua hoặc không xác định được địa chỉ, địa vị pháp lý xác thực của bên này. Phía doanh nghiệp cho rằng, họ đã hoàn thành hồ sơ xuất khẩu thì phải được hoàn thuế, không phụ thuộc vào việc có xác định được người mua hay không và có trường hợp doanh nghiệp bị điều tra theo thủ tục của cơ quan công an, ảnh hưởng đến danh tiếng và phải ngừng hoạt động. 

Trường hợp này cũng xảy ra tương tự đối với doanh nghiệp gỗ, dăm gỗ do không xác định được nguồn gốc nguyên liệu đối với các hàng hóa có căn cứ vào nguồn gốc.

Đại diện Văn phòng Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Có 11 doanh nghiệp gỗ ở Quảng Ninh đang chờ hoàn thuế với số tiền của mỗi doanh nghiệp đều cả trăm tỷ đồng. Trong khi đó, việc gửi hồ sơ đề nghị được hoàn thuế cũng khá khó khăn nên các doanh nghiệp đã đề nghị Cục thuế Quảng Ninh đối thoại.

Theo quy định của ngành Thuế, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ chỉ được hoàn thuế VAT nếu gỗ đó có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng. Do coi gỗ và các mặt hàng gỗ được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là các mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan công an, hải quan, chính quyền địa phương... trong việc xác minh nguồn gốc gỗ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, trong nhiều trường hợp với chuỗi cung ứng có nhiều trung gian thì thực sự gây khó cho doanh nghiệp. Nhà xuất khẩu Việt Nam mua gỗ thương phẩm từ một doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp thương mại này có thể mua gỗ trực tiếp từ nhiều nguồn. Do đó, việc xác minh chi tiết tới từng đơn vị chủ rừng là điều không thể thực hiện.

Các doanh nghiệp ngành gỗ kiến nghị cho phép hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại do đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng được điều kiện hoàn thuế. Với doanh nghiệp thương mại thu mua gỗ không có nguồn gốc hoặc nguồn gốc bất hợp pháp bị điều tra phát hiện, chỉ xử lý hành vi vi phạm của các doanh nghiệp này.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc xác minh, phân tích, kiểm tra, đối chiếu... của ngành Thuế cũng phải thực hiện trong giới hạn thủ tục hành chính quy định của Luật Quản lý thuế cũng như Nghị định 126 đối với kiểm tra trước hoàn sau không quá 40 ngày. Sau đó thực hiện thanh kiểm tra hậu kiểm trong vòng 5 năm.

Do vậy, ngành Thuế cần chỉ đạo các Cục thuế đẩy nhanh tốc độ, hoàn trước kiểm sau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với những hồ sơ mà cảm thấy rủi ro thì dừng lại để rà soát. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế. Đặc biệt thống nhất một thuế suất thuế VAT trong nước để không còn phát sinh các hồ sơ xin hoàn thuế nội địa vì chênh lệch thuế suất giữa 5% hay 10%. Nếu làm được điều này, lượng hồ sơ xin hoàn thuế trong nước sẽ không còn, thay vào đó, cơ quan thuế tập trung nhiều hơn vào hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Khai thông dòng vốn, kênh tín dụng vào nền kinh tế

Sáng 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế với sự tham dự của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, đại diện 10 ngân hàng thương mại giữ nguồn vốn chi phối và 5 hiệp hội ngành nghề.

Tổng dư nợ tín dụng đạt trên 34.700 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, tính đến ngày 31/5/2023, tổng nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt trên 42.000 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thời điểm 31/12/2022, trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt khoảng 31.400 tỷ đồng.

Giảm thêm áp lực lãi vay với người dân, doanh nghiệp

Các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa thể ngay lập tức kéo giảm lãi suất cho vay do độ trễ chính sách nhưng xác lập rõ xu hướng mặt bằng lãi suất trên thị trường sẽ hạ nhiệt rõ rệt trong thời gian tới.

Cấp bách hỗ trợ để doanh nghiệp trụ vững

Không chỉ sụt giảm đơn hàng do sức mua toàn cầu thấp, doanh nghiệp còn phải chống đỡ với những khó khăn do chậm cải cách môi trường kinh doanh trong nước.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư

(HBĐT) - Theo Sở KH&ĐT, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 4.300 doanh nghiệp (DN), số DN đang hoạt động chiếm khoảng 76,7%. Các DN giải quyết việc làm cho khoảng 82 nghìn lao động, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của DN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định KT-XH của tỉnh, hàng năm đóng góp ngân sách Nhà nước (NSNN) trên 2.300 tỷ đồng, chiếm 47% tổng thu NSNN toàn tỉnh.

Khẩn trương gỡ khó các dự án cấp bách

(HBĐT) - Trên địa bàn TP Hoà Bình hiện có 4 dự án cấp bách đang được triển khai. Đây đều là những công trình khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai gây sạt lở đất. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục có giải pháp bố trí nguồn vốn và giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục