(HBĐT) - Xã Pà Cò (Mai Châu) được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, cảnh quan tươi đẹp. Pà Cò còn nổi tiếng bởi có những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi. Người dân nơi đây còn lưu giữ cách sao chè truyền thống độc đáo, tạo nên hương vị chè Pà Cò đặc trưng không nơi nào có được.


Gia đình chị Sùng Y Thúy, xóm Chà Đáy, xã Pà Cò trồng gần 1,5 ha chè, mỗi năm thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.​​​​​

Giữ nghề truyền thống

Cây chè gắn bó với đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Pà Cò hàng trăm năm nay, nghề sao chè cũng ra đời từ đó. Với sự phát triển của KHKT, quá trình sản xuất chè đã đơn giản hơn trước rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của máy móc. Tuy nhiên, nhiều gia đình ở Pà Cò vẫn gìn giữ cách sao chè truyền thống thủ công.

Thăm gia đình chị Sùng Y Thúy, xóm Chà Đáy đúng lúc chị đang sao chè. Vừa nhanh tay đảo chè, chị Thúy vừa chia sẻ: Để sao được một mẻ ngon, chè nên hái vào sáng sớm đến trước 10 giờ và từ 15 giờ trở đi mới hái. Tránh hái thời điểm nắng (vào giữa trưa) to chè sẽ không ngon. Không hái khi trời mưa vì chè sẽ bị đen mà các vết đứt ở thân chè dễ bị thối, chậm hồi phục. Hái vào những ngày trời mát, nhiều sương mù là tốt nhất. 

 Lá chè ở Pà Cò dày, búp ngắn nhưng mập hơn các loại chè nơi khác. Nếu hái 1 tôm 1 lá thì 6 kg chè tươi sẽ được 1 kg chè khô. Còn hái một tôm hai lá thì 10 kg chè tươi mới được 1 kg chè khô mà chè sẽ đen và ít tuyết trắng hơn, chất lượng thấp hơn. Loại thượng hạng là chè cổ thụ búp to 5 kg tươi thì được 1 kg khô. Sau khi hái về, bỏ vào chảo sao càng sớm thì càng giữ được hương vị thơm ngon. Trung bình sao một mẻ chè theo phương pháp thủ công mất 2 giờ đồng hồ. Khi lá chè được sao héo sẽ cho ra nia vò bằng tay để kiểm tra độ ẩm. Sau đó, cho lại vào chảo tiếp tục đảo đều tay đến khi độ ẩm của chè đạt yêu cầu. Sao bằng tay chè ngon, thơm, được nước và không bị nát. Nếu sao bằng máy, chè bán ra thị trường chỉ được 150.000 - 180.000 đồng/kg, còn sao bằng tay giá bán 250.000 - 300.000 đồng/kg. Vì muốn gìn giữ nghề truyền thống mà thành phẩm đạt chất lượng cao hơn, bán được giá hơn nên nhiều gia đình ở Pà Cò vẫn lưu giữ nghề sao chè  thủ công.

Đặc sản chè Pà Cò

Từ lâu, sản phẩm chè búp khô Pà Cò đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh với giá bán khá cao, nhờ đó đời sống của người trồng chè được cải thiện đáng kể. Hiện nay, chè không chỉ là cây có giá trị kinh tế cao mà còn mang lại lợi ích kép trong việc giúp địa phương phát triển du lịch trải nghiệm. Du khách đến Pà Cò  đều ngỡ ngàng, thích thú khám phá những cây chè cổ thụ, trải nghiệm quy trình sản xuất chè theo phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; chọn mua đặc sản chè Pà Cò về thưởng thức và làm quà cho người thân.

Anh Nguyễn Văn Khánh đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi rất ấn tượng với quy trình sản xuất chè truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Được tận mắt chứng kiến và thưởng thức hương vị chè ngon nức tiếng trong không khí trong lành của vùng cao, cảm nhận điểm đặc biệt của chè Pà Cò là có thể pha vài lần nước mà màu và hương vị vẫn như nước đầu. Chè Pà Cò có hương thơm đặc trưng, vị ngọt dịu còn đọng lại lâu mà khó loại chè nào có được. Chính vì những ưu điểm đó, tôi đã mua và xin số điện thoại, khi uống hết sẽ gọi điện đặt thêm. 

Ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò cho biết: Sao chè là công đoạn mất nhiều thời gian. Riêng khâu nhóm bếp củi, rửa chảo và đợi đun nóng chảo đã mất gần 30 phút. Đưa tay vào giữa lòng chảo để cảm nhận hơi nóng, khi chảo cực nóng thì phải cho lửa càng to càng tốt, đây cũng là thời điểm thử thách độ chịu nóng của người sao chè. Lúc này mọi người sẽ cảm nhận được hơi nóng phả vào mặt kèm theo hương chè ngào ngạt. Mất 2 - 3 tiếng mới ra được 1 sản phẩm chè ngon và mang đậm vị ngọt, chát của chè Pà Cò.

Phát triển thương hiệu

Hiện nay, xã Pà Cò có gần 82 ha chè, trong đó có khoảng trên 200 cây chè Shan tuyết cổ thụ. Chè cổ thụ được xã giao đến từng hộ và hướng dẫn chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, không phun thuốc hay dùng phân hóa học để bón cho cây, mà chỉ phát dọn thực bì quanh gốc, tạo sự thông thoáng cho cây quang hợp và thu hái đúng kỹ thuật. Nhờ đó, cây được phục hồi, xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Ông Phàng A Chà, Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Chè là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân Pà Cò. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm mở rộng diện tích cây chè; nâng cao năng suất, chất lượng. Vận động người dân bảo vệ tốt cây chè cổ thụ, tạo sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, xã tuyên truyền các hộ gìn giữ, chăm sóc theo hướng dẫn kỹ thuật,  giữ gìn quy trình chế biến truyền thống, kết hợp phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm, giúp du khách biết được quy trình từ khâu sao chè đến thành phẩm, góp phần quảng bá giá trị thương hiệu chè Pà Cò.

Huyện Mai Châu, xã Pà Cò đã và đang quy hoạch khu vực trồng chè Shan tuyết, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, văn hóa. Hỗ trợ nhân dân phát triển trồng mới diện tích chè, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thu hái, chăm sóc; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để chè Shan tuyết Pà Cò tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng cao.

Hoàng Anh 
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)


Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(HBĐT) - Ngày 22/6, UBND tỉnh đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các Sở: KH&ĐT; Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Cục Thuế tỉnh; lãnh đạo các ngân hàng; các hiệp hội và Hiệp hội DN tỉnh.

Hội Nông dân huyện Kim Bôi: Phát huy vai trò cầu nối chuyển tải nguồn vốn chính sách

(HBĐT)- Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Kim Bôi, nhiều hội viên nông dân (HVND) trong huyện đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập. Đến nay đã có hàng trăm hội viên được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giảm nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.

Xã Quyết Thắng: Sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi

(HBĐT) - Nhờ được vay vốn ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đã đầu tư phát triển kinh tế, vượt lên đói nghèo.

Gần 12 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng, cải tạo

(HBĐT) - Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, những năm qua, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong những chương trình tín dụng có dư nợ tăng trưởng cao. Đến hết tháng 5/2023, tổng dư nợ chương trình tín dụng này đạt 688,9 tỷ đồng với hơn 39 nghìn khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình tín dụng có số lượng khách hàng lớn nhất và có dư nợ cao thứ 3 trong số các chương trình tín dụng Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang quản lý.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 4.502 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến hết tháng 5/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 4.502,5 tỷ đồng với 126.904 khách hàng còn dư nợ. Trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có trên 16,2 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 630 tỷ đồng.

Bốn ngân hàng lớn đồng loạt đưa lãi suất huy động xuống mức 3,4%/năm

Tính đến ngày 21/6, lãi suất huy động tại cả 4 ngân hàng lớn đã đồng loạt được điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục