Nửa chặng đường của năm 2023 vừa đi qua cũng là đến thời điểm Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Một góc đô thị Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. (Ảnh: THẾ ANH)
Theo các dự báo đưa ra trước đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2023 và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Tuy nhiên nửa đầu năm nay, nền kinh tế đối diện với nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp hơn kịch bản điều hành, gây áp lực rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo Việt Nam không phải đang đối mặt với cú sốc ngắn hạn để có thể sớm vượt qua và quay trở lại đà tăng trưởng cao.
Thay vào đó, những khó khăn đến từ cả bên trong và bên ngoài cộng hưởng đến tình hình trong nước có thể còn gây ra những tác động bất lợi cho sự vận hành của nền kinh tế trong nhiều năm tới. Các báo cáo của nhiều bộ, ngành cũng cho thấy nền kinh tế đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn, thách thức, làm gia tăng áp lực cho công tác điều hành vĩ mô. Khối lượng công việc xử lý ngày càng nhiều và nặng nề hơn khi vừa giải quyết những nhiệm vụ thường xuyên tăng lên, vừa phải tiếp tục xử lý những khó khăn, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm trong khi vẫn phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh.
Hơn nữa, rủi ro trong năm 2024 sẽ không chỉ là khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay tình trạng doanh nghiệp phá sản tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, mà còn có thể đến từ việc triển khai thiếu hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, cải cách kinh tế.
Bên cạnh đó, các điểm nghẽn như tình trạng thiếu điện làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân; chậm hoàn thuế; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia chững lại… nếu không có giải pháp tháo gỡ cũng sẽ trở thành lực cản cho sự phục hồi kinh tế vốn đang gặp rất nhiều thách thức.
Đáng lưu ý, trong thời điểm này doanh nghiệp sẽ nhìn vào tín hiệu từ kinh tế vĩ mô để cân nhắc, quyết định kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho năm tới. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình, kết quả phát triển kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, dự báo tình hình cả năm 2023; từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch phù hợp.
Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19. Các mục tiêu, định hướng và giải pháp đề ra phải mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp khả năng thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm quyết tâm vượt khó, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất.