(HBĐT) - Đổi mới tư duy, thay đổi cách tiếp cận sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, những giá trị mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là cơ sở để thực hiện hiệu quả chiến lược xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nắm bắt điều này, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên nông dân (HVND) từng bước thay đổi tư duy sản xuất, phát huy vị thế làm chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Nông dân xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) trồng bí xanh theo phương pháp hữu cơ, cho hiệu quả kinh tế khá.
HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) chuyên cung cấp các sản phẩm rau, củ hữu cơ. Với diện tích sản xuất rộng gần 8ha, quá trình sản xuất được HTX giám sát chặt chẽ. Các khu vực trồng củ cải, dưa chuột, cà chua, khoai tây được phân chia rõ ràng. Các khâu từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch đều có cán bộ kỹ thuật giám sát. Bà Cấn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX V-ORGANIC cho biết: Để giúp cây trồng sinh trưởng tốt, HTX sử dụng hệ thống lai phun mưa tự động, tạo độ ẩm cân bằng. Suốt quá trình canh tác, thành viên, người lao động được hướng dẫn, trang bị kiến thức về sản xuất an toàn. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn, các sản phẩm của HTX luôn đảm bảo chất lượng, các loại rau đạt vi lượng tốt, độ ngọt, thơm ngon; năng suất trung bình đạt 60 tấn/ha. Hiện, HTX giải quyết việc làm cho 20 - 30 lao động, thu nhập khoảng 180.000 đồng/ người/ngày.
Phát huy vai trò là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên, thời gian qua, HND tỉnh chỉ đạo HND các huyện, thành phố thực hiện theo Kế hoạch số 300, ngày 31/3/2021 của T.Ư HND Việt Nam về thực hiện đề án "Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025"... Hội chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, sử dụng phân bón, cải tạo đất nông nghiệp... Từ năm 2022 đến nay, các cấp Hội phối hợp mở 11 lớp nghề trình độ dưới 3 tháng cho trên 260 hội viên về dạy nghề trồng bí xanh, trồng cây có múi, may công nghiệp, mây tre đan, điện dân dụng… Đã có trên 1.020 HVND được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT về chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, gia súc; chăm sóc và phòng bệnh cho cây trồng; sử dụng phân bón…
Cùng với đó, HND các huyện, thành phố đã vận động trên 10.800 hộ SX-KD nông sản, thực phẩm đăng ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cấp Hội tuyên truyền hội viên truy cập và sử dụng mạng internet để nắm bắt nhu cầu thị trường; tổng hợp danh sách các hộ SX-KD giỏi nhằm cung cấp thông tin quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Trung tâm Hỗ trợ nông dân tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Công ty Viettel quản lý 3.089 sản phẩm nông sản trên các sản thương mại điện tử Postmart.vn vaf voso.vn…
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng trên 100 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó hầu hết các mô hình đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nhiều HTX có thị trường tiêu thụ nông sản lâu dài, ổn định thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ với các đơn vị, doanh nghiệp. Tiêu biểu như mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ chuối của HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn); chuỗi liên kết sản xuất cam hữu cơ của HTX 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong); dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ dưa bao tử tại xã Khoan Dụ, Thống Nhất, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy)...
Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền đến HVND theo hướng dự báo thị trường và vận động nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo định hướng, quy hoạch của tỉnh, chú trọng SX-KD đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hội đặt ra mục tiêu góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân như: Xác định được hiện trạng các loại cây trồng trên địa bàn để lựa chọn những sản phẩm chính, chủ lực, có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh cao nhằm tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư phát triển. Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân về kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn OCOP và hướng đến xuất khẩu...
Thu Hằng