(HBĐT) - Từ cuối năm 2021, cây gai xanh được trồng thí điểm tại các xóm thuộc vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi). Hiện nay, vùng trồng gai xanh đã mở rộng diện tích gần 10 ha, thu hút trên 20 hộ trồng. Khai thác tiềm năng đất đai, cây gai xanh phát triển tốt và bước đầu đem lại thu nhập ổn định, hứa hẹn là cây trồng giúp bà con vùng Thung Rếch giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.


Nông dân xóm Kim Bắc, xã Tú Sơn (Kim Bôi) trồng và phát triển diện tích cây gai xanh, đem lại thu nhập ổn định.

Cải tạo vườn tạp, tận dụng từng tấc đất bỏ trống để trồng gai xanh, đó là cách làm của ông Bùi Văn Sử ở xóm Kim Bắc. Sau khi cùng các hộ trồng thí điểm cây gai xanh từ đầu năm 2022, đến nay, diện tích vùng trồng gai xanh của gia đình ông mở rộng trên 1 ha. Ông Sử chia sẻ: "So với những cây trồng bà con từng làm thì cây gai xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ cần đầu tư chi phí ban đầu, thời gian thu hoạch kéo dài trong 10 năm. Cụ thể trên diện tích 1.000m2 đất trồng ngô, sản lượng hàng năm đạt khoảng 2 tấn/vụ, thu nhập xấp xỉ 8 triệu đồng. Cũng với diện tích đó, cây gai xanh có thể thu về trên 20 triệu đồng/năm”.

Theo rà soát, cây gai xanh được trồng tập trung ở vùng Thung Rếch, chủ yếu tại các xóm: Kim Bắc, Thung Mường, Thung Dao Bắc. Đến nay, diện tích vùng nguyên liệu cây gai xanh tiếp tục được nhân rộng. Sau thời gian trồng thí điểm cho thấy, cây gai xanh phù hợp với điều kiện đất đai, có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt và thích hợp với thời tiết mưa nhiều. Nền nhiệt trung bình dưới 300C là điều kiện lý tưởng để cây sinh trưởng tốt. Theo quy trình khi xuống giống, sau 50 ngày là các hộ có thể thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi thì trung bình một năm thu hoạch từ 5 - 6 vụ. Tuy nhiên vào mùa đông phải mất khoảng 60 ngày thì cây mới có thể cho thu hái.

Ông Triệu Kim Lập, nhóm trưởng các hộ trồng cây gai xanh cho biết: "Quy trình trồng, chăm sóc cây gai xanh không đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, tuy nhiên cũng cần được trồng và chăm sóc đúng cách để đạt được năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt. Người trồng cần đặc biệt lưu ý đến việc chăm sóc đất, bón phân và đảm bảo phòng trừ sâu bệnh”.

Hiện nay, các hộ trên địa bàn vùng Thung Rếch đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp An Phước để trồng và mở rộng diện tích vùng nguyên liệu cây gai xanh. Theo đó, công ty đảm bảo cung cấp đủ nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Sản lượng trên diện tích 1 ha có thể thu về từ 4 - 5 tấn cây khô, tổng thu ước đạt từ 120 - 150 triệu đồng.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây gai xanh, từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi đã phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, bàn giao trên 70.000 cây giống trồng trên diện tích khoảng 3 ha. Tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm nâng cao sản lượng và năng suất cây trồng. Khuyến khích các hộ tận dụng diện tích đất trống, vườn tạp chuyển đổi trồng cây gai xanh để nâng cao thu nhập.

Đồng chí Bạch Công Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Quá trình phát triển và nhân rộng vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn vùng Thung Rếch đã đi đúng hướng, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn các ngành chức năng tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ giống, vốn, chuyển giao tiến bộ KHKT ứng dụng vào sản xuất. Qua đó tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và giá thành sản phẩm. Đồng thời mong muốn chính quyền các cấp tạo điều kiện cho các hộ được liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước xây dựng cây gai xanh trở thành cây trồng mũi nhọn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập”. 


Đức Anh

Các tin khác


Xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngành hàng lợn bản địa

(HBĐT) - Ngày 17/7, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức hội nghị xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ngành lợn bản địa. Tham dự có lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y, đại diện các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, khoa chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đại diện hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác có đăng ký tham gia chuỗi giá trị lợn bản địa năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

(HBĐT) - Ngày 17/7, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, khảo sát một số công trình hạ tầng trọng điểm ở Bắc Kạn

Chiều 15/7, trong chương trình công tác tại tỉnh Bắc Kạn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Huyện Đà Bắc: Dư nợ tín dụng chính sách tăng gần 47 tỷ đồng

(HBĐT) - Ngày 14/7, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Đà Bắc tổ chức Phiên họp quý III năm 2023. 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa có Công văn số 1046/UBND-KTN chỉ đạo việc tăng cường công tác dồn điền, đổi thửa (DĐ,ĐT) trên địa bàn tỉnh.

Còn nhiều khó khăn trong hoạt động tín dụng ngân hàng 

(HBĐT) - Hoạt động tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong giải ngân cho vay. Theo đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm ở mức thấp, khoảng 1,4%, so với cùng kỳ năm trước là 6,2% và so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành là 3,15%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục