Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh và đoàn công tác kiểm tra dự án điểm ổn định dân cư tập trung tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi.
Từ sau khi tái lập tỉnh Hòa Bình, công tác dân tộc thuộc quản lý của các sở, ban, ngành, đến năm 2003, trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác dân tộc trong thời kỳ mới, đặc biệt sau khi BCH Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyếtsố 24-NQ/TW về công tác dân tộc, UBND tỉnh Hòa Bình đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 164/2003/QĐ-TTg, ngày 8/8/2003 về việc thành lập Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Hòa Bình (nay là Ban Dân tộc).
Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh luôn đồng hành cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển KT-XH, giữ vững ổn định về quốc phòng và an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.
Thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, với vai trò là cơ quan đầu mối, chủ trì trong việc tham mưu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rà soát, xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển KT-XH khu vực khó khăn. Trên cơ sở xác định thôn, xóm đặc biệt khó khăn, phân định xã theo các quy định của T.Ư, tỉnh Hòa Bình có 52 xã khu vực I, 70 xã khu vực II, 88 xã khu vực III và 89 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu ban hành, thể chế các văn bản của T.Ư để chỉ ra được nhiệm vụ cụ thể, giải quyết những vấn đề căn cơ, cấp thiết của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đồng bào DTTS ở những khu vực thôn, xóm, xã đặc biệt khó khăn; đồng thời xác định được các nguồn lực để đầu tư phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhờ hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, đến hết năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã có 8 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn và được công nhận về đích xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm còn 13,11%. Đồng bào được trang bị, nâng cao kỹ năng và xây dựng tập quán sản xuất mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, qua đó làm tăng năng suất, sản lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân ở vùng dân tộc. Đời sống văn hoá của nhân dân được cải thiện, văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS được bảo tồn, giữ gìn và phát triển. Nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy lùi các tai - tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu tổ chức thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong 20 năm qua trên địa bàn tỉnh đã đúc rút được một số bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh:
Một là, công tác tổ chức bộ máy và yếu tố cán bộ trong tổ chức thực hiện các chính sách đối với vùng dân tộc là rất quan trọng, trước hết phải ổn định bộ máy, biên chế đủ so với yêu cầu. Chăm lo, quan tâm việc quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ vùng đồng bào DTTS nói chung, là người DTTS nói riêng có vai trò quan trọng.
Hai là, trách nhiệm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ và chính quyền các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, giáo dục đồng bào các dân tộc biết và hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động và tổ chức cho đồng bào các dân tộc thực hiện, khơi dậy truyền thống cần cù, sáng tạo của mỗi dân tộc, tạo điều kiện để đồng bào phát huy nội lực vươn lên, khắc phục tư tưởng tự ty, ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.
Ba là, cần đi sâu nghiên cứu nắm tình hình, tâm tư tình cảm, nguyện vọng của đồng bào dân tộc, giải quyết vấn đề phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có lý, có tình; chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc phải cụ thể, trung thực và sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào quán triệt được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách sâu sắc, thực hiện công khai dân chủ, xuất phát từ nhu cầu của người dân thì nơi đó thực hiện thành công và ngược lại.
Bốn là, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra thực hiện các chính sách dân tộc, qua đó biểu dương các ngành, các địa phương và cán bộ làm tốt; kịp thời uốn nắm, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm những ngành, đơn vị, cá nhân làm chưa tốt hoặc có vi phạm chế độ, chính sách.
Năm là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ghi nhận những thành tích trong thực hiện công tác dân tộc của ngành Dân tộc tỉnh Hòa Bình trong 20 năm qua, ngành đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh trao tặng 6 Huân chương Lao động hạng ba; 8 cờ thi đua; 33 danh hiệu tập thể lao động xuất sắc; 72 bằng khen cho tập thể và 135 bằng khen cho cá nhân thực hiện xuất sắc nhiệm vụ công tác hàng năm và chuyên đề.
Phát huy thành tích trong chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, với niềm tin sâu sắc vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc của tỉnh đồng lòng, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chăm lo cho đồng bào dân tộc thực sự được nâng cao về mọi mặt đời sống KT-XH, đời sống vật chất và tinh thần, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”.