(HBĐT) - Tám tháng năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì điều đáng ghi nhận là nỗ lực đồng hành của hệ thống ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD). Thông qua thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, ngành NH đã phát huy vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần tiếp sức cho nền kinh tế.
Giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn
Từ tháng 3/2023 đến nay, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành để góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Theo đó, các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, nỗ lực thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm trong các tháng cuối năm. Đến cuối tháng 7/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới (bằng Việt Nam đồng) của các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm khoảng 2%/năm so với cuối năm 2022. Cụ thể, hiện tại các NHTM, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,0%/năm, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) 5,0%/năm. Lãi suất cho vay SXKD thông thường tại các NHTM, ngắn hạn dao động từ 6,0 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 9,0 - 13,0%/năm; tại QTDND, ngắn hạn từ 10,8 - 12%/năm; trung, dài hạn 10,8 - 12%/năm. Lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất tại các NHTM, ngắn hạn 7,0 - 10,5%/năm, trung và dài hạn 7,0 - 13,5%/năm; tại QTDND, lãi suất duy trì ở mức 10,8 - 12%/năm.
Nỗ lực giảm lãi suất cho vay đã phát huy tác dụng giúp gia tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế. Theo thống kê của NHNN chi nhánh tỉnh về dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên: Đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 17.161 tỷ đồng, chiếm 47,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 7.940 tỷ đồng, chiếm 22%; cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng; cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các NH, TCTD đến ngày 31/7/2023 đạt 36.187 tỷ đồng, tăng 1.836 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với cuối năm 2022, ước thực hiện đến ngày 31/8/2023 tăng 6,0% so với cuối năm 2022, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 44,8%, dư nợ trung, dài hạn chiếm 55,2%.
Chú trọng "bơm" vốn cho khách hàng và lĩnh vực ưu tiên
Ghi nhận thời gian qua, cùng với nỗ lực giảm các mức lãi suất nói chung, ngành NH đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình/gói tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng và lĩnh vực ưu tiên. Nổi bật là việc triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực SXKD lâm sản, thủy sản với lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm; rà soát khách hàng đủ điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/TT-NHNN; gỡ khó để thực hiện chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP...
Đặc biệt, các NHTM nỗ lực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Kết quả đến nay, thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (về hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh), doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất là 331,5 tỷ đồng/19 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 1,3 tỷ đồng. NH Chính sách xã hội tỉnh giải ngân các chính sách cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 301,8 tỷ đồng, bao gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm 150 tỷ đồng/2.992 khách hàng; cho vay nhà ở xã hội 126,7 tỷ đồng/353 khách hàng; cho vay Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 15,8 tỷ đồng/295 khách hàng...
Riêng về việc triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/TT-NHNN, các TCTD nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Hội sở chính, chủ động rà soát đối tượng khách hàng gặp khó khăn, đủ điều kiện cơ cấu lại nợ, hướng dẫn khách hàng về thủ tục, hồ sơ theo quy định. Đến cuối tháng 8/2023, các NH: Agribank, BIDV, Vietinbank, VPbank đã cơ cấu lại nợ cho 17 khách hàng (11 khách hàng doanh nghiệp, 6 khách hàng cá nhân), dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 696,8 tỷ đồng, nợ lãi được cơ cấu lại 15,1 tỷ đồng; các khách hàng được cơ cấu thuộc lĩnh vực: xây dựng, bất động sản, SXKD, dịch vụ…
Nỗ lực vượt khó đảm bảo kênh dẫn vốn cho nền kinh tế
Nhìn vào hoạt động 8 tháng năm nay có thể thấy nỗ lực đồng bộ của các NH, TCTD khi cố gắng đảm bảo kênh dẫn vốn cho nền kinh tế trong khi hoạt động của ngành NH cũng gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh hiện có 10 chi nhánh cấp I của các TCTD (các đơn vị mạng lưới trực thuộc chi nhánh cấp I gồm: 12 chi nhánh NH NN&PTNT các huyện, thành phố; 47 phòng giao dịch của các NHTM; 151 điểm giao dịch của NH Chính sách xã hội); 4 QTDND; 3 chương trình dự án tài chính vi mô. Theo phản ánh của đại diện các NH, TCTD tại buổi làm việc gần đây với lãnh đạo tỉnh, ngành NH đang gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số cơ chế, chính sách khiến hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến quy mô SXKD của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; khả năng tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của doanh nghiệp và người dân; xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu do khó khăn của nền kinh tế; kết quả thực hiện các chương trình tín dụng còn thấp…
Đồng chí Ngô Quang Lợi, quyền Giám đốc NHNN tỉnh nhìn nhận: Thời gian qua, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động NH trên địa bàn tỉnh, NHNN tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách; định hướng các NH, TCTD chấp hành quy định về lãi suất, cấp tín dụng; đôn đốc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng trọng tâm... Chúng tôi cũng duy trì thường xuyên hoạt động đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về hoạt động NH; chỉ đạo các NH, TCTD giải quyết kịp thời vướng mắc liên quan đến hoạt động NH; giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH của ngành NH theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh. Đó tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Thu Trang