Lực lượng kiểm lâm tỉnh và cán bộ cơ sở tham gia tuần tra rừng, kiểm tra biến động của rừng tại xã Thanh Hối (Tân Lạc).
Tại cuộc họp của Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Vùng trung du và miền núi phía Bắc là "lá phổi” của Tổ quốc, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng trong phòng, chống lũ lụt, bảo đảm an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng trũng trong phát triển và là lõi nghèo của cả nước. Một trong những nguyên nhân là các tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, trong đó có lợi thế về rừng, người dân chưa sống được nhờ rừng.
Bảo vệ rừng - cốt lõi là sự vào cuộc của người dân
Theo báo cáo, tỉnh Hòa Bình có trên 467 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó, phần lớn diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh là các khu bảo tồn thiên nhiên và rừng phòng hộ, có vị trí quan trọng giữ gìn môi trường và là nguồn sinh thủy cho Thủy điện Hòa Bình. Hàng năm, tỉnh đưa vào kế hoạch bảo vệ 75.000 ha rừng tự nhiên và rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh khoảng 2.500 ha, chăm sóc rừng trồng gần 13.000 ha, trồng mới từ 7.000 - 8.000 ha rừng kinh tế. Diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp 298 nghìn ha, chiếm 64,66%. Diện tích quy hoạch rừng sản xuất trên 149 nghìn ha, chiếm 51,70% tổng diện tích quy hoạch lâm nghiệp, bao gồm: rừng tự nhiên hơn 28 nghìn ha, rừng trồng trên 69 nghìn ha, đất trống gần 52 nghìn ha, độ che phủ rừng tăng hàng năm và hiện đạt trên 50%.
Hòa Bình đã thực hiện việc giao đất, giao rừng đến từng hộ dân. Từ nhiều năm nay, diện tích rừng tự nhiên không có nhiều biến động, độ che phủ rừng tăng cho thấy công tác bảo vệ rừng của tỉnh đã được quan tâm, chú trọng. Để đạt được điều đó, ngoài sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm còn là sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong công tác bảo vệ rừng. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh khá mỏng, quản lý diện tích rừng lớn, chính vì vậy, với việc giao đất, giao rừng cho các hộ, người dân trở thành "cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
Đồng chí Đinh Hoàng Long, Phó Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết: Toàn huyện có khoảng 47.538 ha đất có rừng, trong đó 28.749 ha rừng tự nhiên, 18.789 ha rừng trồng, 21.556 ha rừng sản xuất. Rừng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường tại huyện vùng cao Đà Bắc. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm huyện lại mỏng, vì vậy, có cán bộ phải phụ trách 2 - 3 địa bàn xã. Để có thể giữ rừng, lực lượng kiểm lâm huyện đã phát huy vai trò nòng cốt của người dân trong việc bảo vệ, giám sát và phòng chống khai thác rừng trái phép thông qua thành lập các tổ quần chúng bảo vệ rừng. Hiện nay, toàn huyện có 122 tổ quần chúng bảo vệ rừng với hơn 750 người tham gia. Đây là lực lượng cùng với kiểm lâm tham gia tuần rừng, bảo vệ rừng tại cơ sở.
Giao rừng đến tận hộ, quy chủ rừng, thành lập các tổ quần chúng bảo vệ rừng cũng là hướng đi tại nhiềuđịa phương trong tỉnh nhằm bảo vệ rừng. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), tổ tuần rừng đã hoạt động rất hiệu quả. Ngoài việc tham gia vào các buổi tuần tra cùng lực lượng kiểm lâm, các thành viên của tổ quần chúng bảo vệ rừng có trách nhiệm chủ động theo dõi, bám sát địa bàn, tham gia xây dựng các đường băng cản lửa. Hàng năm, tổ triển khai ký cam kết đến từng hộ trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng và tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định.
Người dân chưa sống được nhờ rừng
Diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sông Đà của tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu trong các Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh, Ngọc Lâu - Ngổ Luông, Thượng Tiến… Những khu rừng đặc dụng nằm xen kẽ với các thôn, bản và nhiều diện tích đã được các đơn vị quản lý giao khoán cho người dân bảo vệ với mức kinh phí 150 nghìn đồng/ ha/năm. Tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ cây, con giống, tập huấn khoa học kỹ thuật và hỗ trợ mỗi thôn, bản vùngđệm để xây dựng đường, cầu cống, nhà văn hóa... Tuy vậy, những khoản hỗ trợ này khá thấp, bởi cư dân sinh sống trong vùng rừng được bảo vệ nghiêm ngặt không được phép khai thác lâm sản phụ hay khai khẩn nương rẫy, giao thông cách trở nên đời sống rất khó khăn.
Anh Lường Văn Vinh, Trưởng xóm, thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng xóm Trung Tằm, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc cho biết: Xóm Trung Tằm có 2 tổ quần chúng bảo vệ rừng. Hàng tuần, tổ tuần tra kiểm soát rừng trên địa bàn, sau đó qua các kỳ giao ban báo cáo cụ thể tình hình công tác bảo vệ rừng. Mỗi lần đi tuần rừng, chúng tôi đi bộ vào sâu 6 - 7 km trong vùng lõi khu bảo tồn. Người dân ở đây không có đất sản xuất, chủ yếu bảo vệ rừng. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn có thể tăng thêm phí bảo vệ môi trường rừng để bà con bớt khó khăn”.
Mong muốn nâng phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng có lẽ cũng là nguyện vọng chung của nhiều hộ dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Nguyễn Minh Anh, Phó Phòng NN& PTNT huyện Kim Bôi: "Với mức hỗ trợ như hiện nay, người dân trong các vùng đệm không sống được từ rừng. Vì vậy, thực tế rất nhiều hộ kiến nghị điều chỉnh, nâng mức hỗ trợ sao cho hợp lý vì bà con vùng lõi, vùng đệm đều có cuộc sống khó khăn”.
Tạo sinh kế cho người bảo vệ rừng
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, giám sát về thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ theo các nội dung quy định cụ thể của các hộ gia đình, cộng đồng, thôn bản đối với việc nhận khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, nhờ đó đã hạn chế được chặt phá rừng trái phép. Tuy nhiên, mức sống của các hộ nhận khoán bảo vệ rừng vẫn là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương. Để bảo vệ rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân, hạn chế tình trạng khai thác và buôn bán nguồn tài nguyên dược liệu quá mức, Sở NN&PTNT phối hợp với cơ quan chức năng và các địa phương trong tỉnh chú trọng phát triển các dự án về trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng mới, cải tạo và thâm canh cây ăn quả đặc sản phù hợp với địa phương. Trong đó, tại các huyện Kim Bôi, Mai Châu, người dân đã phát triển một số loại dược liệu quý dưới tán rừng và một số loại đặc sản như nấm linh chi, giảo cổ lam, nấm hương… Thực hiện giải pháp trên, người dân tại các xã vùng lõi, vùng đệm đã thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng và chế biến dược liệu. Bà con không chỉ khai thác mà còn đưa dược liệu về trồng trong vườn nhà. Từ lợi ích thu được, người dân càng có ý thức, đồng lòng bảo vệ rừng và khai thác hiệu quả phụ phẩm từ rừng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát quy hoạch rừng sản xuất. Sau khi rà soát sẽ xác định những diện tích phù hợp để đưa vào rừng sản xuất. Nâng cao hiệu quả thông qua Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hàng năm, trung bình có 3.000 ha rừng trồng gỗ nhỏ được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn, 6.000 ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; có 50% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (25 triệu đồng/ha/năm). Giá trị sản xuất lâm nghiệp đóng góp 16% vào tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.
Đồng chí Nguyễn Minh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chính sách, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, nhân dân. Tổ chức bình tuyển cây đầu dòng, hỗ trợ sản xuất cây giống nuôi cấy mô; hỗ trợ giống chất lượng cao và phân bón. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng và kéo dài chu kỳ sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn. Chuyển hóa sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang sản xuất, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn. Đào tạo, nâng cao năng lực cho người trồng rừng. Thu hút đầu tư liên kết trồng rừng, khai thác rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp chế biến với hợp tác xã và chủ rừng; tạo vùng nguyên liệu ổn định gắn với quy hoạch chế biến gỗ. Đẩy mạnh trồng rừng, phát triển rừng sản xuất gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí khai thác du lịch sinh thái theo quy định, sản xuất tín chỉ cacbon.
Đã có những hướng đi cụ thể, tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để mang lại hiệu quả và thực sự nâng cao mức sống người dân vùng khoanh nuôi bảo vệ rừng rất cần mức hỗ trợ tương xứng để có thể sống được từ rừng. Ngoài ra, việc có thêm các chính sách hỗ trợ sinh kế kịp thời, hiệu quả cũng sẽ là những giải pháp quan trọng để người dân an tâm bảo vệ, chăm sóc rừng.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về bảo vệ rừng Bùi Văn Dán Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong Trong công tác bảo vệ rừng, người dân đóng vai trò rất quan trọng. Huyện Cao Phong có diện tích rừng và đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Trước đây, tình trạng người dân khai thác đất lâm nghiệp để chuyển đổi sang trồng cây có múi và một số cây màu khác khá phổ biến do diện tích đất canh tác ít. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ rừng, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm bám sát địa bàn. Đồng thời, phòng tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, lồng ghép trong các cuộc họp xóm, sinh hoạt chi bộ, hội nghị tại cơ sở để tuyên truyền cho bà con về Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan của Trung ương, địa phương; thường xuyên trao đổi, động viên nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ rừng. |
Nâng mức khoán bảo vệ và phí dịch vụ môi trường rừng Đinh Văn Mẹo Xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc Mặc dù huyện Đà Bắc có tỷ lệ che phủ rừng cao nhưng thực tế tôi thấy rằng, người dân chưa sống được nhờ rừng. Ngay tại xã Cao Sơn, mỗi hộ nhận khoanh nuôi bảo vệ khoảng 20 ha thì mức hỗ trợ chỉ được trên dưới 8 triệu đồng/năm, tùy vào từng địa bàn. Trong khi đó, người dân ở vùng này kinh tế còn rất khó khăn, nhiều hộ phải đi làm ăn xa. Vì vậy, mặc dù đã nhận khoán nhưng không phải hộ nào cũng có trách nhiệm bảo vệ rừng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước nghiên cứu nâng mức khoán bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân trong vùng khoanh nuôi bảo vệ rừng để cuộc sống bớt khó khăn hơn. |
Đinh Hòa