(HBĐT) - Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN), những tháng cuối năm 2023, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh (SXKD), đẩy nhanh giải quyết các thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất.


Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương, đóng góp cho ngân sách nhà nước.  

Năm 2023, dự toán thu NSNN của tỉnh được Chính phủ giao 5.305 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Cụ thể, thu xuất nhập khẩu được Chính phủ và HĐND tỉnh giao 385 tỷ đồng; thu nội địa Chính phủ giao 4.920 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 6.900 tỷ đồng. Mặc dù đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để đảm bảo thu ngân sách, Ban chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách tỉnh định kỳ họp giao ban hàng tháng nắm bắt tình hình, đôn đốc các mặt công tác, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc…, tuy nhiên thu NSNN vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 9, thu NSNN trên địa bàn ước đạt 2.829 tỷ đồng, đạt 53% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 39% Nghị quyết HĐND tỉnh giao, bằng 75% so với thực hiện cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 2.608 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 38% Nghị quyết HĐND tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu ước thực hiện 21,8 tỷ đồng, tăng 55% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và Nghị quyết HĐND tỉnh giao, bằng 82% so với thực hiện cùng kỳ. Bên cạnh các khoản thu đạt còn một số khoản thu đạt tỷ lệ thấp như: thu thuế bảo vệ môi trường đạt 45%; thu từ doanh nghiệp nhà nước do T.Ư quản lý đạt 64%; đặc biệt thu tiền sử dụng đất mới đạt 8%. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh tại cuộc họp thường kỳ thảo luận tình hình KT-XH 9 tháng năm nay, nguyên nhân khiến thu ngân sách trong 9 tháng gặp nhiều khó khăn là do tình hình SXKD của khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thuận lợi, thị trường bất động sản trầm lắng, các hoạt động giao dịch chuyển nhượng phát sinh rất ít; một số dự án mới đầu tư, đầu tư mở rộng chậm tiến độ hoặc không triển khai; nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 167 của Chính phủ nhưng tỷ lệ đấu giá thành công thấp. 

Là địa phương đóng góp tỷ lệ khá cao vào ngân sách tỉnh, năm 2023, UBND huyện Lương Sơn đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng nguồn thu, đặc biệt là thu từ đất, tuy nhiên đến thời điểm này, huyện xác định thu ngân sách là 1 trong 3 chỉ tiêu khó đạt. Cụ thể, đến tháng 9, thu NSNN trên địa bàn huyện ước thực hiện trên 212 tỷ đồng, đạt 18,3% dự toán tỉnh giao, đạt 8,2% dự toán huyện giao, nguồn thu vẫn chủ yếu là thuế, phí. Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Năm 2023, thu ngân sách của huyện chủ yếu trông chờ vào dự án đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, dự án sông Bùi 2 đã đền bù giải phóng mặt bằng và đã tiến hành đấu giá 3 lần nhưng không đạt, còn 1 dự án đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xác định lại giá đất đối với dự án này, đảm bảo điều kiện pháp lý để UBND huyện tiếp tục tiến hành đấu giá, thu ngân sách cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các bước tiếp theo đối với những dự án đã trình các sở, ngành, UBND tỉnh. 

Chậm giải quyết các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đã đấu giá nhưng không thành công là thực tế của nhiều địa phương ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu từ đất. Bên cạnh những khó khăn từ thị trường bất động sản thì biến đổi khí hậu đã làm cho hạn hán kéo dài trong tháng 6, tháng 7, ảnh hưởng đến công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình - lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP ngành công nghiệp của tỉnh. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, thu ngân sách là một trong những chỉ tiêu khó đạt trong nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 của tỉnh. Để về đích dự toán thu ngân sách năm nay cũng như những năm tiếp theo, tỉnh cần phải nỗ lực rất lớn. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Thu ngân sách năm 2023 gặp nhiều khó khăn, các khoản thu từ thuế, phí đã giảm theo một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thu từ thủy điện không đạt. Chính vì vậy, tỉnh cần đẩy nhanh các biện pháp, giải pháp bù thu từ tiền sử dụng đất. Đối với các dự án, UBND tỉnh đã rà soát và chỉ đạo cụ thể, các sở, ngành cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thúc đẩy nghĩa vụ tài chính các dự án có thu hồi đất. Khẩn trương tiến hành đấu giá đất, đấu giá tài sản theo Nghị định số 167. 

UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành Thuế tập trung kiểm tra, rà soát các trường hợp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân SXKD chưa thực hiện việc nộp hồ sơ khai thuế, tình trạng hoạt động không rõ ràng để có biện pháp thu thuế theo quy định. Chú trọng nắm bắt những phương thức SXKD mới để quản lý, tăng nguồn thu. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu để tham mưu, triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả.


Đinh Hòa

Các tin khác


Giá nhiều mặt hàng nông sản đồng loạt giảm mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.

Phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình từ 3 - 7/10: "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao"

(HBĐT) - Phiên chợ vùng cao tỉnh Hoà Bình năm 2023 với chủ đề "Chợ phiên - Nét đẹp vùng cao".

Tạo sinh kế để người dân bảo vệ rừng

(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lâm nghiệp. Trong những năm qua, nhằm nâng cao giá trị của rừng, Hòa Bình đã ban hành nghị quyết, xây dựng đề án hỗ trợ phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được người dân khoanh nuôi bảo vệ chiếm tỷ lệ lớn, trong khi phí khoán bảo vệ và phí dịch vụ môi trường rừng được chi trả thấp khiến nhiều hộ dân chưa thực sự sống được nhờ rừng. Đây là vấn đề đặt ra không chỉ đối với Hòa Bình mà còn là bài toán chung của nhiều tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc hiện nay.

Khó khăn vẫn đeo bám người chăn nuôi

(HBĐT) - Chi phí chăn nuôi tăng, trong khi giá bán vẫn ở mức thấp khiến nhiều người chăn nuôi trâu, bò trong tỉnh gặp khó khăn. Với mức giá hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng các nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí, tránh thua lỗ.

Huyện Lương Sơn: Giá trị xuất khẩu ước đạt 457 triệu USD

(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Lương Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư vào khảo sát, nghiên cứu đề xuất đầu tư. Đến nay, huyện đã thu hút 23 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 307 triệu USD, chiếm 58,9% về dự án và chiếm 49,8% về vốn đăng ký so với toàn tỉnh.

Sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 9,21 nghìn tấn

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao, hồ theo định hướng tái cơ cấu ngành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục