Tại các tỉnh miền núi, các dự án đầu tư ngoài ngân sách của cộng đồng doanh nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thách thức hơn so với các địa phương khác. Nhiều khó khăn trong thời gian qua đã ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn kiểm tra dự án chế biến kim loại màu của Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn. (Ảnh THU TRANG)
Mặc dù vậy, với nỗ lực, quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, tại ba địa phương nêu trên, nhiều vướng mắc đã được giải quyết kịp thời, giúp nhiều dự án sớm đi vào sản xuất, vận hành, đem lại hiệu quả tích cực.
Chủ động lắng nghe
Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn đang làm chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Thanh Thịnh tại huyện Chợ Mới, có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng với mục tiêu phục vụ cho Dự án chế biến khoáng sản điện phân chì, kẽm, đồng của công ty tại đây.
Khi đi vào hoạt động, dự án nhà máy chế biến khoáng sản của công ty sẽ là một trong những dự án lớn nhất của Bắc Kạn từ trước tới nay với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng và cũng là dự án chế biến khoáng sản đầu tiên của địa phương được đầu tư có quy mô cấp vùng, tính toán tới tiêu thụ nguyên liệu trong cả vùng đông bắc.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bắc Kạn về thành lập cụm công nghiệp Thanh Thịnh, việc thi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp này triển khai từ quý I/2023, hoàn thành vào quý I/2024 với tổng diện tích đất phải thu hồi để thực hiện là 50 ha. Tuy nhiên, cho đến tháng 9/2023, Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn vẫn chưa thể bắt tay vào thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Gần đây nhờ sự lắng nghe, vào cuộc của UBND tỉnh, tiến độ dự án đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Đinh Văn Hiến, sau khi công ty phản ánh những khó khăn, vướng mắc tới lãnh đạo tỉnh, đến thời điểm đầu tháng 10/2023, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt. Nhờ đó, công ty đã phối hợp với huyện Chợ Mới giải phóng mặt bằng xong giai đoạn 1 với diện tích hơn 11 ha, đủ điều kiện để doanh nghiệp có thể khởi công trong thời gian tới.
Trong những năm qua, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, tất cả các địa phương, sở, ngành của tỉnh Thái Nguyên đều tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG Nguyễn Văn Thời cho biết, các cuộc đối thoại đều được chuẩn bị chu đáo. Hầu hết kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp đều được các địa phương, sở, ngành và tỉnh lắng nghe, giải đáp, giải quyết khá kịp thời. Những vấn đề vượt thẩm quyền được tỉnh tiếp thu, kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ xem xét quyết định.
Mặc dù vậy, một số nơi vẫn còn tình trạng chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp và hợp tác xã chưa được giải quyết thỏa đáng. Các cơ quan chưa chủ động thông báo tiến trình giải quyết vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp trông ngóng với tâm lý hoang mang.
Theo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển nông nghiệp và tư vấn môi trường Trần Văn Hiếu, công ty đang xúc tiến xây dựng ba nhà máy chế biến nông sản. Tuy nhiên, một nhà máy dự định xây dựng tại huyện Hà Quảng đã hai năm qua chưa có mặt bằng. Công ty đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục quyết liệt tháo gỡ, giải quyết khó khăn về đất đai để công ty thực hiện tốt lộ trình, kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng Hoàng Mạnh Ngọc thẳng thắn chia sẻ, tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy xảy ra ở một số đơn vị, địa phương, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp. Một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức "sợ sai", đến mức thiếu trách nhiệm. Trong trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, một bộ phận sở, ngành, địa phương viện dẫn văn bản là chính, chứ chưa đi sâu tìm giải pháp và hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp. Mặt khác, một số kiến nghị nhỏ, dễ giải quyết, nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời, quyết liệt, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Tích cực tháo gỡ
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn Trần Công Hòa, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở đã hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đầu tư bằng văn bản đối với tám doanh nghiệp; hướng dẫn trực tiếp 93 doanh nghiệp. Đồng thời, để liên tục theo dõi các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã, sở đã phát hành phiếu tiếp nhận thông tin gửi đến tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, cũng như tiếp nhận các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp qua phản ánh trực tiếp tại các hội nghị, buổi làm việc...
Từ đầu năm 2023 đến nay, sở đã tiếp nhận 32 kiến nghị, đề xuất và chuyển đến các sở, ngành, địa phương có liên quan để giải quyết, trả lời cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Đến nay, 14 đề xuất, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời bằng văn bản.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết vướng mắc của các dự án đầu tư ngoài ngân sách do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng. Tổ công tác đã giao ngành chức năng rà soát tất cả dự án đầu tư ngoài ngân sách để phân nhóm thành các dự án cần hỗ trợ về thủ tục, dự án còn tồn tại khó khăn, vướng mắc... từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Còn tại Thái Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng kiến nghị, tỉnh cần căn cứ vào điều kiện cụ thể, tính chất của từng công trình, gói thầu để lựa chọn hình thức hợp đồng trọn gói hay hợp đồng theo đơn giá cố định.
Trên thực tế, đơn giá vật liệu xây dựng không sát thực tế, thường xuyên biến động lớn mà không được điều chỉnh kịp thời, thậm chí, một số thời điểm, đơn giá nhân công thấp hơn từ 30% đến 50% so với thực tế; hay việc đưa đất san lấp ra khỏi danh mục khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cũng đang gây trở ngại cho các doanh nghiệp... Hiện nay, các sở: Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh Thái Nguyên đã tiếp thu và tích cực tham mưu UBND để có những giải pháp phù hợp xử lý những vấn đề này.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên Hà Văn Dương cho biết, để giải quyết kiến nghị của các nhà đầu tư về việc giao đất cho các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/7/2014 mà không qua đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng đến nay chưa được giao đất, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án. Tổ công tác sẽ ưu tiên rà soát trước, cụ thể từng dự án loại này và tham mưu tháo gỡ từng bước cho các doanh nghiệp.
Một vấn đề gây nhiều băn khoăn cho cộng đồng của doanh nghiệp tại ba tỉnh là việc tình trạng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra. Điều này dẫn tới tình trạng có doanh nghiệp phải tiếp, làm việc nhiều đoàn thanh tra mỗi năm.
Để giải quyết vấn đề này, ba tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện, thành phố thực hiện rà soát kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm của các đơn vị. Nếu cuộc thanh tra, kiểm tra nào nội dung thanh tra chưa thật sự cần thiết thì kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiệu quả hơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Nguyễn Văn Thời chia sẻ: "Chúng tôi đề nghị địa phương cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, thậm chí những đơn vị, cá nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp cần công khai nhận trách nhiệm; đồng thời cần công phá tâm lý sợ sai, đùn đẩy, né tránh không dám làm của một bộ phận cán bộ trong giải quyết công việc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp".
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, tỉnh đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị, "nói thẳng, nói thật" với chính quyền và hiến kế xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, phát triển. Các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm, đồng hành, nâng cao hiệu quả giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững trước biến động thị trường.
Theo báo Nhân Dân