(HBĐT) - Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Bao La (Mai Châu) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác tối đa lợi ích từ rừng, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập.


Mô hình nông, lâm kết hợp của gia đình anh Hà Xuân Hải, xóm Văn, xã Bao La (Mai Châu) cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm.

Đồng chí Hà Công Thuần, Chủ tịch UBND xã Bao La cho biết: "Phát triển kinh tế đồi rừng là một trong những thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, xã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, đường vào khu sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp".

Hiện tại, cây keo có đầu mối liên kết tiêu thụ, đầu ra ổn định. Ở các xóm Văn, Quyết Thắng, Báo… hầu như hộ nào cũng trồng ít nhất 1 - 2 ha keo, nhiều thì 7 - 8 ha. Mỗi năm, tổng sản lượng khai thác toàn xã đạt trên 35.000 m3 gỗ, đem về doanh thu hàng tỷ đồng. Anh Hà Xuân Hải, xóm Văn là chủ đồi keo hơn 2 ha. Anh Hải cho biết: "Tôi phát triển kinh tế đồi rừng từ nhiều năm nay, vốn đầu tư không nhiều nhưng cho thu nhập ổn định. Trồng keo không tốn nhiều công chăm sóc nên có thời gian chăn nuôi thêm lợn, gà giúp tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, tôi bán từ 250 - 300 m3 gỗ keo lai nguyên liệu, chu kỳ sản xuất 3 - 4 năm, cùng với chăn thả vật nuôi ngay tại đồi đã đem lại thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm".

Đất trống, đồi trọc tại xã Bao La được phủ xanh bằng những vạt keo ngút ngàn. Hàng năm, xã thực hiện đạt kế hoạch trồng rừng đề ra. Hiện, tổng diện tích rừng sản xuất toàn xã đạt 1.172 ha, chủ yếu là keo lai. Từ đầu năm đến nay trồng mới 13 ha. Nhiều diện tích vườn tạp, đất trống đã phủ màu xanh của cây keo với tỷ lệ che phủ rừng toàn xã đạt 68%. Bên cạnh đó, người dân dần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, sử dụng giống chất lượng, trồng rừng đúng thời vụ để đạt hiệu quả cao, nâng cao chu kỳ sản xuất. Nhiều vùng đất trống cỏ mọc hoang, không có giá trị kinh tế được phủ bằng các loại cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao. Nhờ trồng rừng, người dân có thu nhập ổn định, đời sống ấm no. Năng suất bình quân rừng trồng đạt 60 - 70 m3/ ha/chu kỳ, có thời điểm đạt 100 - 120 m3/ha/chu kỳ (chu kỳ khoảng 5 - 6 năm). Mỗi chu kỳ đem lại thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/ha. Nhiều hộ kết hợp nuôi gà, dê, lợn thả đồi cho thu nhập ổn định. Phát triển kinh tế rừng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái.

Cùng với đó, xã duy trì tốt công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Hiện, toàn xã có 10 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ từ 3 - 5 thành viên, thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi chặt phá, xâm hại diện tích rừng cấm khai thác. Tại các cuộc họp thôn, xóm, người dân được tuyên truyền, tổ chức ký cam kết, đưa vào quy ước, hương ước khu dân cư về việc bảo vệ rừng. Các đơn vị nhận giao khoán được nhận tiền hỗ trợ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Nhờ đó, người dân trên địa bàn nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng rừng, giúp nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Qua những buổi tuyên truyền, tập huấn cùng với sự tham gia của các cơ quan chức năng, người dân được tiếp thu kỹ thuật trồng rừng, phòng bệnh cho keo, dọn thực bì, đốt nương đúng cách, tuân thủ các biện pháp phòng, chống cháy rừng...

Đồng chí Hà Công Thuần, Chủ tịch UBND xã Bao La cho biết thêm: "Việc phát triển mô hình nông, lâm nghiệp kết hợp được người dân thực hiện, giúp khai thác tối đa tiềm năng kinh tế từ rừng. Hiện, toàn xã trên 640 con trâu, gần 660 con bò, 200 con dê, trên 2.300 con lợn, 23.000 con gia cầm, trong đó nhiều hộ có mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động bà con đẩy mạnh trồng rừng, nhân rộng mô hình nông, lâm kết hợp, giúp cải thiện thu nhập, tạo việc làm, góp phần phát triển KT-XH. Hiện, thu nhập bình quân toàn xã đạt 38,5 triệu đồng/người/năm".


Hoàng Anh


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục