Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương do chị Hà Thị Tâm, xã Tân Minh (Đà Bắc) làm chủ đi vào hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc.
Nhiều năm trước, chị Hà Thị Tâm, xóm Ênh, xã Tân Minh là một trong những hội viên có mô hình chăn nuôi lợn bản địa hiệu quả. Đến tháng 8/2022, nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội LHPN huyện, từ mô hình chăn nuôi lợn bản địa nhỏ lẻ của gia đình, HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân Minh được thành lập với 17 thành viên. Chị Tâm đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX. Chị Tâm cho biết: Trong quá trình chăn nuôi, các thành viên HTX sử dụng nguồn thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên như cây chuối trộn ngô, sắn. Do đó, thịt lợn bản địa có mùi thơm, ngậy nhưng không béo. Hiện, HTX đang liên kết với khoảng 25 hộ chăn nuôi lợn tại địa phương để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, Hội LHPN huyện, xã, thịt lợn bản địa Tân Minh đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh cuối năm 2022. Từ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng. Các hộ HVPN, hộ gia đình liên kết chăn nuôi, sản xuất cũng được cải thiện đáng kể thu nhập.
Nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động, nhất là trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN huyện Đà Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là phụ nữ để họ hiểu và có cái nhìn đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của bản thân. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Hội. Xây dựng các tiêu chí thi đua để các Hội cơ sở phấn đấu. Cùng với đó, hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, tham gia các mô hình kinh tế tập thể cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội trong huyện.
Từ đầu năm đến nay, để hội viên được bổ sung kiến thức trong sản xuất, các cấp Hội đã phối hợp mở các lớp tập huấn KHKT, dạy nghề cho 840 HVPN; giới thiệu việc làm cho 230 hội viên; 29 hội viên được bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể, HTX.
Để hỗ trợ HVPN phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện Đà Bắc đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác cho hội viên vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ do Hội quản lý đạt 131.024 triệu đồng, cho 2.407 hộ vay với 57 tổ vay vốn. Công tác xây dựng quỹ chi hội giúp chị em vay cũng được các cơ sở Hội thực hiện tốt. Cùng với hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn như: hỗ trợ xây nhà "Mái ấm tình thương"; tặng quà nhân dịp lễ, Tết; phát động xây dựng quỹ "Mái ấm tình thương" nhằm giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân phát triển sản xuất...
Với các hoạt động đồng hành, hỗ trợ đa dạng, thiết thực, năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Đà Bắc đã giúp đỡ được 134 hộ có phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo dưới các hình thức. Trong toàn huyện hiện có 3 HTX, 1 nhóm cùng sở thích thêu, dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch, 10 nhóm sinh kế chăn nuôi lợn, dê do phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia quản lý hoạt động có hiệu quả.
Đồng chí Trần Kiều Oanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đà Bắc cho biết: Nhờ khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay, lựa chọn đào tạo những ngành nghề phù hợp nhu cầu của HVPN cùng với duy trì hoạt động các mô hình kinh tế, các cấp Hội LHPN huyện đã thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Nhiều chị em từ hộ khó khăn từng bước vươn lên làm chủ kinh tế với những mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM tại địa phương; đồng thời nâng tỷ lệ thu hút hội viên của Hội lên 70,79%.
Thu Hằng