Thời gian qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được Hội CCB xã Thành Sơn, huyện Mai Châu quan tâm đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Thông qua phong trào tạo động lực cho hội viên tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng.
Mô hình chăn nuôi gà của cựu chiến binh Hà Văn Hoàn, xóm Hợp Thành, xã Thành Sơn (Mai Châu) cho hiệu quả kinh tế cao.
Hội CCB xã Thành Sơn có 395 hội viên, sinh hoạt tại 11 chi hội. Đến nay, Hội có 10 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ.
Điển hình là mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bò giống và gà thả vườn của gia đình CCB Hà Văn Hoàn tại xóm Hợp Thành. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình còn tạo việc làm cho 4 lao động là con em CCB ở địa phương với thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ông Hà Văn Hoàn cho biết: "Khi mới thực hiện mô hình gia đình gặp nhiều khó khăn như số vốn ít, kỹ thuật chăn nuôi chưa nhiều, chi phí mua con giống cao. Hội CCB xã đã tạo điều kiện giúp tôi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trừ các loại bệnh trên vật nuôi. Từ đó tôi rút kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để có hiệu quả cao nhất”.
Hàng năm, Hội CCB xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ, đưa các loại cây màu có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Cùng với đó, Hội phối hợp các ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội tích cực phối hợp với ngân hàng giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nhiều hội viên xây dựng được mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như CCB Vì Văn Cai ở xóm Nàng với mô hình chăn nuôi bò thịt, lợn sinh sản, bán hàng tạp hóa; dịch vụ rửa xe, tắm giặt của CCB Hà Văn Hùng, xóm Thung Khe; dịch vụ homestay của CCB Khà Văn Bình, xóm Nà Phặt… Từ những mô hình phát triển kinh tế đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều CCB, con em CCB, cựu quân nhân và người dân trong xã. Đến nay, toàn Hội có 168 hộ CCB khá, giàu, đạt 48,5%; 99 hộ hội viên thuộc diện hộ nghèo, chiếm 28,6%.
Đồng chí Hà Văn Du, Chủ tịch Hội CCB xã Thành Sơn cho biết: Để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB xã đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên về chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng sản xuất như: cây ăn quả, nuôi con giống, vườn rừng… Cùng với đó, Hội phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác qua 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với 132 hộ vay, 162 suất vay, tổng dư nợ do Hội CCB nhận ủy thác trên 4.953 triệu đồng, tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên CCB vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương.
Phong trào thi đua "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã khơi dậy tình đồng chí, đồng đội, phát huy ý chí và tiềm năng đa dạng của các thế hệ CCB, đồng thời huy động được nhiều nguồn lực tham gia phát triển kinh tế. Thời gian tới, Hội CCB xã Thành Sơn tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào với nhiều cách làm hiệu quả, khẳng định vai trò của Hội CCB góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Anh
(Thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu)
Năm 2015, khi diện tích, sản lượng cây sả tại địa bàn một số phường, xã của thành phố Hòa Bình vượt mức cầu của thị trường, nhiều hộ đã phải thu hoạch rồi đốt bỏ. Bằng tư duy nhạy bén, cùng tinh thần ham học hỏi, bà Nguyễn Thị Bình, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã tìm ra lời giải "bài toán" đầu ra cho cây sả. HTX Nông nghiệp bản Dao - Thống Nhất được thành lập, mở hướng thoát nghèo cho nhiều người dân nơi đây.
Nguồn vốn vẫn là một trong những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Theo khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), có hơn 70% doanh nghiệp bất động sản phản ánh các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác dụng tới hoạt động của doanh nghiệp. Cả 3 dòng tiền chính của doanh nghiệp bất động sản là từ khách hàng, phát hành trái phiếu và vốn tín dụng ngân hàng đều đang vướng.
Nhằm đánh giá, thúc đẩy xuất khẩu các loại nông sản chủ lực của tỉnh thông qua công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày 1/12, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tổ chức đoàn công tác làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm xuất khẩu năm 2023.
Nâng cao chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) được Ban Quản lý các KCN tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng, là cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Trên địa bàn tỉnh đã có 8 KCN với tổng diện tích quy hoạch trên 1.507 ha; trong đó 2 KCN đã được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; một số KCN có tỷ lệ lấp đầy khá, như: KCN Lương Sơn đạt 100%; KCN Bờ trái sông Đà 91,53%; KCN Nam Lương Sơn 60,08%...
Những ngày này, người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) hối hả thu hoạch dong riềng. Giá dong riềng được tư thương thu mua với giá 17 nghìn đồng/10 kg, cao gần gấp đôi so với vụ năm ngoái.
Theo số liệu báo cáo, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2023 ước thực hiện 1.083.752 triệu đồng, so với tháng 10 tăng 30.712 triệu đồng (tăng 2,92%), so với cùng kỳ năm trước giảm 2,33%.