Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp về thăm vùng bưởi đỏ Tân Lạc vào thời điểm thu hoạch rộ. Đến các vườn bưởi chỉ nghe bà con nói chuyện tiêu thụ sản phẩm. Câu chuyện được nói nhiều nhất là lô bưởi đỏ Tân Lạc của huyện vừa được thu hoạch, chuẩn bị xuất khẩu.


Lãnh đạo xã Đông Lai (Tân Lạc) thăm mô hình trồng bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, xóm Đồng Tâm.

Tuy không phải là năm đầu tiên huyện có sản phẩm bưởi đỏ xuất khẩu nhưng bà con vẫn hào hứng, phấn khởi. Từ năm 2022, huyện đã xuất khẩu sang thị trường Anh quốc 4.500 quả bưởi đỏ. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần RYB, trụ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã đặt hàng huyện Tân Lạc 9.000 quả bưởi đỏ, tương đương 9 tấn để xuất khẩu. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đòi hỏi đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt từ trồng, chăm sóc và thu hái. Mỗi quả bưởi có trọng lượng từ 0,9 - 1,2 kg với các chỉ số theo quy chuẩn. Quả bưởi đỏ Tân Lạc đã đảm bảo các quy định khắt khe, sẵn sàng sàng lọc tại công ty để xuất khẩu sang các nước. Được biết, công ty mua với giá trung bình 19.000 đồng/kg. Hiện nay, các hộ tiếp tục chọn bưởi đỏ đảm bảo chất lượng, cung cấp số lượng còn lại cho công ty. Việc xuất khẩu bưởi đỏ ra các thị trường ngoài nước đã góp phần nâng tầm chất lượng cho sản phẩm bưởi đỏ của huyện Tân Lạc.

Cùng lãnh đạo UBND xã Đông Lai chúng tôi đến thăm vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, xóm Đồng Tâm. Những cây bưởi đỏ đã được gia đình thu hoạch từ đầu tháng 9 đến tháng 11, vườn bưởi Diễn sai trĩu đang chờ ngày xuất bán. Anh Dũng chia sẻ: Gia đình tôi trồng bưởi từ năm 2007 và làm giàu nhờ cây bưởi. Đến nay, gia đình đã phát triển diện tích 3ha, trong đó có 2 ha bưởi Diễn, 1 ha bưởi đỏ. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng bưởi giảm hơn so với mọi năm, giá bán cũng không được cao. Nhưng là hộ trồng bưởi uy tín lâu năm, sản phẩm thu hoạch đến đâu tư thương từ Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, cả ở TP Hồ Chí Minh thu mua đến đó với giá bán cao hơn mặt bằng chung của thị trường. Năm nay gia đình dự kiến thu về khoảng 200 triệu đồng (đã trừ chi phí).

Trên địa bàn xã Đông Lai có trên 200 ha cây có múi, trong đó có 196 ha bưởi đỏ, bưởi Diễn với trên 400 hộ trồng. So với trước đây, diện tích bưởi trên địa bàn xã đã giảm do người dân phá đi những cây lâu năm, già cỗi để cải tạo đất. Mỗi ha bưởi cho thu nhập bình quân khoảng 150 triệu đồng.

Đồng chí Bùi Đức Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Huyện xác định bưởi là giống cây trồng chủ lực trong những năm gần đây và những năm tiếp theo. Hiện, diện tích bưởi của huyện có 1.100 ha, trong đó bưởi đỏ khoảng 900 ha. Để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, huyện đã ban hành nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác sản xuất. Năm 2023, bà con tập trung đầu tư thâm canh. Tuy nhiên, do thời tiết và năng lực tài chính của một số hộ hạn chế nên có vườn bưởi không đảm bảo về chất lượng. Sản lượng toàn huyện dự kiến đạt 16.000 tấn. So với các năm trước, giá bưởi đỏ xuống thấp do thị trường, nhưng đối với các gia đình đầu tư bài bản, tâm huyết, giá bán vẫn đạt từ 13.000 - 15.000 đồng/quả, đảm bảo thu nhập cho các hộ sản xuất bưởi.

Theo đồng chí Trưởng phòng NN& PTNT huyện, để nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc, huyện đã ban hành đề án tầm nhìn đến năm 2030 với các nhóm giải pháp cụ thể. Huyện tiếp tục phối hợp Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, người dân sản xuất bưởi về kỹ thuật thâm canh, phân bón. Bên cạnh đó, quan tâm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm bằng cách phối hợp tổ chức cho các HTX, tổ hợp tác, hộ trồng bưởi tham gia các hội chợ để giới thiệu sản phẩm, hướng đến phát triển bền vững sản phẩm bưởi Tân Lạc.


Hương Lan

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục