Mới đây, trên 16 tấn bưởi Diễn đầu tiên do 2 hợp tác xã (HTX) và 1 tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Lương Sơn sản xuất đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định thành công, hiệu quả của chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi huyện Lương Sơn năm 2023.




Hộ thành viên chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi huyện Lương Sơn thu hoạch bưởi Diễn.

Cây bưởi Diễn được người dân đưa về trồng trên đất Lương Sơn từ mấy chục năm trước. Đến nay, diện tích trồng bưởi gần 800 ha, chiếm trên 35% diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện; sản lượng hàng năm đạt trên 12.000 tấn. Sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu "Bưởi Lương Sơn” và được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.

Bên cạnh đó, bưởi Diễn do HTX Mỹ Tân, xã Cao Dương đã được chuẩn hóa OCOP 3 sao cấp tỉnh. Tuy vậy, những năm qua, sản phẩm bưởi của các HTX, THT và hộ nông dân trên địa bàn huyện Lương Sơn chủ yếu bán tại thị trường nội địa, một số ít tiêu thụ tại các siêu thị ở Hà Nội, sản lượng thấp, không ổn định. Nguyên nhân do quy trình canh tác chưa đồng bộ khiến quy cách sản phẩm không đồng đều; việc thu hoạch, vận chuyển, đóng gói, bảo quản chưa đúng cách dẫn đến tỷ lệ sản phẩm hư hỏng cao. Bên cạnh đó, người sản xuất còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây bưởi, thu hái, sơ chế, bảo quản sản phẩm.

Xuất phát từ thực trạng đó, đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh kết nối với Công ty cổ phần R.Y.B và huyện Lương Sơn để xây dựng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi huyện Lương Sơn. Diện tích được thực hiện chuỗi liên kết là 51,06 ha, với sự tham gia của 82 hộ là thành viên của 2 HTX và 1 THT trồng bưởi trên địa bàn.

Theo đó, UBND huyện đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bưởi trên địa bàn huyện Lương Sơn với các bên tham gia gồm: Công ty cổ phần R.Y.B; Chi cục TT&BVTV tỉnh; các cơ quan chuyên môn của huyện; HTX Nông nghiệp Mỹ Tân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Thành, xã Cao Dương và THT trồng bưởi Thanh Hà, xã Thanh Sơn (Lương Sơn). Các hộ sản xuất được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, kỹ thuật thu hái và công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm... Các cá nhân, HTX cũng như doanh nghiệp liên quan được tập huấn về các hoạt động thiết lập và cấp mã số vùng trồng; quản lý dịch hại; quản lý vùng trồng...

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hòa, hộ sản xuất thuộc THT trồng bưởi Thanh Hà, xã Thanh Sơn, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bưởi, ông luôn được cán bộ chuyên môn của Chi cục TT&BVTV tỉnh, cán bộ địa phương theo sát trong quá trình chăm sóc cây trồng; được hỗ trợ vật tư thiết yếu nhằm cải thiện phẩm cấp, chất lượng quả như túi bao quả, chế phẩm sinh học, khô dầu đậu tương... Để sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu, gia đình phải tuân thủ các bước sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP. Nhằm quản lý đối tượng ruồi vàng phát sinh gây hại trên cây bưởi, ông cũng được tham gia mô hình quản lý ruồi vàng vùng trồng bưởi.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, THT và sự nỗ lực, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất của người trồng bưởi, bước đầu chuỗi liên kết đã cho thấy hiệu quả. Đến nay, sản lượng trên diện tích tham gia chuỗi ước đạt trên 700 tấn. Qua xét nghiệm kiểm định, các sản phẩm bưởi đã vượt qua 900 chỉ số phân tích, đánh giá dư lượng hoạt chất BVTV, đảm bảo độ Brix. Chất lượng bưởi đã thay đổi rất nhiều về độ ngọt, sản lượng, hình thức quả... đạt với yêu cầu khó tính của thị trường, nhất là yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt, 3 vùng trồng bưởi trong chuỗi đã được cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu; cấp mã cơ sở đóng gói và chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

Đồng chí Bùi Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Các sản phẩm bưởi của chuỗi sản xuất, liên kết tiêu thụ bưởi huyện Lương Sơn được đơn vị thu mua và xuất khẩu - Công ty cổ phần R.Y.B đánh giá cao về chất lượng, độ ngọt và tiềm năng phát triển. Trong năm, công ty sẽ thu mua bưởi Diễn của HTX, THT tham gia chuỗi để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Anh, Cộng hòa Séc với sản lượng khoảng 40 tấn. Ngoài ra, tiếp tục thu mua sản phẩm bưởi Diễn của các vườn tham gia chuỗi không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu để tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Huyện Lương Sơn sẽ tiếp tục rà soát diện tích đủ điều kiện xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bưởi huyện Lương Sơn năm 2024. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ sản phẩm bưởi Diễn trong và ngoài nước.

Thu Hằng


Các tin khác


Nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án trọng điểm ở huyện Kim Bôi

Hiện nay, huyện Kim Bôi phối hợp triển khai 2 dự án trọng điểm của tỉnh là dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) và dự án quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ. Cả 2 dự án đang được huyện gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, những khó khăn về thủ tục thu hồi đất cũng như công tác bồi thường, hỗ trợ khiến dự án còn nhiều vướng mắc.

Hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng các mô hình sản xuất

Năm 2023, nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng hội viên nông dân thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo, chỉnh trang nhà ở, ao, vườn. Bên cạnh đó, Hội hướng dẫn thành lập các mô hình kinh tế, các tổ hợp tác, hợp tác xã, các nhóm đồng sở thích, duy trì hoạt động của liên nhóm sản xuất; tiếp tục vận động nông dân tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, môi trường đầu tư Việt Nam ngày càng hấp dẫn, thu hút nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Tăng thu nhập nhờ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mở ra cơ hội gia tăng giá trị hạt gạo, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Giải bài toán ngân hàng "thừa" tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so cùng kỳ các năm và cách khá xa so với mục tiêu tăng 14-15% của cả năm. Dù toàn ngành đã nỗ lực tìm mọi giải pháp khơi thông, song bài toán tăng trưởng tín dụng vẫn còn khá gian nan khi ngân hàng thì "thừa” tiền, nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế yếu.

Tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến sự cạnh tranh môi trường đầu tư kinh doanh và Việt Nam cần có giải pháp kịp thời để giữ chân doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục