Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là vào lĩnh vực hạ tầng có tác động nhất định đến khả năng phục hồi của thị trường bất động sản.


Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Thực tế, khi đầu tư công được đẩy mạnh và với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai thì những khu vực này đều thu hút sự quan tâm và dòng tiền của nhà đầu tư. Thị trường bất động sản khu vực đó sẽ được hưởng lợi lớn, giá tăng lên, thanh khoản sản phẩm dễ dàng hơn.

Ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở CBRE (Công ty Đầu tư và Dịch vụ bất động sản thương mại của Mỹ) tại Việt Nam nhận xét: Hạ tầng là yếu tố tác động lớn đến thị trường bất động sản. Đơn cử như kế hoạch đầu tư công của Chính phủ vào khu vực phía Nam rất nhiều từ sân bay, tuyến đường vành đai, cao tốc cùng dự án cao tốc ở miền Tây…. Điều dễ dàng nhận thấy, ở khu vực phía Nam, các tuyến đường vành đai, cao tốc sẽ tạo ra xu hướng xây dựng đô thị ly tâm phát triển, bởi hiện nay chi phí cao, quỹ đất khu vực trung tâm không còn nhiều. Từ đó, mở ra cơ hội cho tỉnh Bình Dương, Long An hay các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi của Tp. Hồ Chí Minh.

"Hay như hệ thống tuyến metro đã tạo nên diện mạo chung của cả khu Đông Tp. Hồ Chí Minh. Các dự án mọc theo metro đã có mức tăng giá rất cao, từ 50 - 70%.  Cá biệt, có dự án tăng gần 150%", ông Kiệt dẫn chứng.

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển bày tỏ quan điểm: Thị trường bất động sản phía Nam lấy trung tâm là Tp. Hồ Chí Minh và bán kính xung quanh 100 km. Vì vậy, những người đầu cơ bất động sản hãy quên đi những nơi "đất lành chim đậu mà phải tìm tới những nơi đất có thóc để chim ăn" .

Theo phân tích của ông Hiển, vùng đất "có thóc" phụ thuộc vào yếu tố thương mại dịch vụ. Các khu công nghiệp mọc ra ở những nơi có hạ tầng tốt, đường sá giao thông thông thoáng và đặc biệt có cảng biển sẽ là những nơi thu hút "chim tới ăn".

Thời gian tới, hạ tầng khu vực phía Nam sau nhiều năm trì trệ sẽ có những bước tiến mới. Năm 2025, khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3… hoàn thành sẽ tạo bước đột phá cho nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Bởi vậy, dư địa và động lực phát triển dành cho bất động sản khu vực này sẽ có sức bật.

Tương tự, tại khu vực phía Bắc, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chỉ rõ: Thị trường bất động sản hiện vẫn còn nhiều khu vực giàu tiềm năng nhờ tốc độ tăng trưởng về giá khá tốt. Trong thời gian tới, phía Bắc và nhất là phía Đông Hà Nội sẽ là được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi, các khu vực này tập trung ở vùng ven với các dự án khu đô thị lớn, được đầu tư bài bản.

Khảo sát của Batdongsan.com.vn tại khu vực phía Bắc cũng cho thấy, có 31,7% môi giới bất động sản tham gia cho rằng, phía Bắc Hà Nội mà cụ thể là các huyện Đông Anh, Mê Linh sẽ là nơi "đón sóng” bất động sản với sự tăng trưởng nguồn cung, giao dịch trong thời gian tới. Tiếp đó phía Đông là huyện Gia Lâm (29,8%); phía Nam là quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì (14,9%) và phía Tây là huyện Hoài Đức, Đan Phượng (12,5%).

Trong số đó, phía Đông Hà Nội có lợi thế quỹ đất lớn và nguồn cung bất động sản đa dạng. Tại đây có hạ tầng giao thông mở rộng như đường Vành đai 2, Vành đai 3, cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy... Hiện quy hoạch dự kiến tuyến metro 1, metro 8 sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa với kỳ vọng kết nối phía Đông với trung tâm thành phố Hà Nội.

Phía Bắc Hà Nội được hưởng lợi từ hệ thống đường Vành đai 2, Vành đai 3 và có nhiều cầu lớn như cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và sắp tới là cầu Tứ Liên... Đây cũng là nơi quy hoạch tập trung nhiều dự án của các khu đô thị lớn như: Sóc Sơn được dự kiến là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội...

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội, sức hấp dẫn về giá, cùng với mạng lướt hạ tầng ngày càng được đẩy mạnh và hoàn thiện sẽ giúp những khu vực này còn nhiều tiềm năng phát triển và gia tăng về giá trong 3-5 năm tới.

Ngoài ra, các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng chuẩn bị lên quận trong giai đoạn 2023-2025 cũng là nhân tố khiến bất động sản khu vực vùng ven bùng nổ và có nhiều triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới.

Có thể thấy, việc thúc đẩy đầu tư công được kỳ vọng sẽ vực dậy thị trường bất động sản. Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét: Để giải quyết các nút thắt làm suy giảm thị trường bất động sản hiện nay cần đẩy mạnh đầu tư công; trong đó, đặc biệt tập trung đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng còn dở dang.

"Trong bối cảnh đặc biệt thì cần có giải pháp đặc biệt; trong đó cần thay đổi các quy định về đầu tư công; có các chính sách như đặt hàng tư nhân, tập đoàn kinh tế lớn thay vì để cơ quan nhà nước triển khai theo quy trình truyền thống thì mới có thể đẩy nhanh tốc độ, đạt hiệu quả như mong muốn” – ông Cường nhấn mạnh.

Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Thị trường này đang dần hồi phục nhờ "trợ lực” từ các yếu tố về chính sách và động lực giải ngân vốn đầu tư công. Bởi vậy, việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án hạ tầng sẽ giúp thúc đẩy bất động sản phát triển; đồng thời tạo lực đỡ và nền tảng tốt cho thị trường những năm tiếp theo, từ đó giúp hồi phục nền kinh tế.



Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Sức vươn vùng đất Yên Thủy

Từng được biết đến là vùng đất không thuận lợi về điều kiện tự nhiên, chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Song huyện Yên Thủy đã có nhiều thay đổi trong tư duy, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân thực hiện các mục tiêu KT-XH, xây dựng quê hương đổi mới.

Ngành nông nghiệp tạo đà bứt phá

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng những giải pháp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khẳng định vai trò là "trụ đỡ" của nền kinh tế với nhiều thành quả đáng mừng.

Lương Sơn - điểm sáng thu hút đầu tư

Huyện Lương Sơn tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận lợi. Huyện hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu

Mặc dù đã có bứt phá trong những tháng cuối năm, tuy nhiên, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) của tỉnh trong năm 2023 chưa đạt kế hoạch đề ra. Ngoài nguyên nhân do quá trình phục hồi sản xuất - kinh doanh (SX-KD) trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, tình hình thế giới và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh.

Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 0,68% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,35%; công nghiệp - xây dựng giảm 3,32%; dịch vụ tăng 3,65%; thuế sản phẩm tăng 0,43%.

Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 318/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 tỉnh Hòa Bình. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục