Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến thời điểm này, các siêu thị, chợ truyền thống, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung hàng hóa cho thị trường khá dồi dào, giá bình ổn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Sau Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa tiếp tục ổn định, nguồn cung hàng dồi dào, giá cả bình ổn. Sức mua mạnh ở các mặt hàng sữa chua, hải sản đông lạnh, rau xanh… Ảnh chụp tại Siêu thị Vì Hòa Bình.
Theo ghi nhận, tại các chợ truyền thống, một số tiểu thương đã "khai xuân” bán hàng từ mùng 2 Tết; các siêu thị khởi động từ mùng 4 và đến mùng 6 Tết thì hầu hết các chợ, siêu thị đã hoạt động tấp nập trở lại, nguồn hàng phong phú, đa dạng.
Đang chọn mua thực phẩm tại siêu thị Vì Hòa Bình (TP Hòa Bình), chị Nguyễn Thùy Nhung (tổ 1, phường Thịnh Lang) cho biết, những ngày trước Tết do bận việc cơ quan và gia đình nên chị không chuẩn bị được nhiều thực phẩm. Những năm gần đây, tôi không còn trữ nhiều đồ trong tủ lạnh mỗi dịp Tết nữa. Các chợ truyền thống lác đác hoạt động trở lại ngay từ mùng 2, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm tươi sống. Điều tôi lo nhất không phải là khan hiếm hàng mà là tăng giá. Tuy nhiên, giá cả năm nay ổn định, một số ít sản phẩm có tăng nhưng không đáng kể”- chị Nhung chia sẻ.
Trong nhiều giải pháp kiểm soát thị trường thì chương trình bình ổn giá được xem là một giải pháp quan trọng góp phần ổn định giá cả thời điểm Tết Nguyên đán. Năm nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia chương trình gồm: Công ty CP đầu tư Anh Sơn, Công ty CP Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong, Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomere - chi nhánh Hòa Bình và Công ty CP thương mại Tuấn Khánh. Tổng số tiền 5 doanh nghiệp tự bình ổn là 48 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia bình ổn cam kết duy trì giá bán, mặt hàng, điểm bán hàng trong suốt thời gian bình ổn giá từ ngày 3/1 - 29/2/2024. Trong đó chủ yếu là các hàng hóa thiết yếu như: gạo, dầu ăn, mì chính, bánh kẹo, mứt, nước giải khát, xăng dầu…
Bên cạnh đó, hiện nay người dân dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua đến đâu dùng đến đó, không còn tình trạng mua hàng tích trữ mỗi dịp lễ, Tết khiến hàng hoá khan hiếm cục bộ như những năm trước đây.
Theo chị Nguyễn Thị Thành - tiểu thương chợ Tân Thịnh (TP Hòa Bình), hoạt động mua bán đã trở lại bình thường. Các mặt hàng người dân chọn mua chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả tươi và đồ lễ phục vụ nhu cầu đi lễ chùa đầu Xuân của người dân.
Theo khảo sát, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở về mức như giá ngày thường. Cụ thể, thịt bò có giá 250 - 280 nghìn đồng/kg; thịt lợn 100 - 150 nghìn đồng/kg tùy từng loại; cá trắm dao động từ 80 - 100 nghìn đồng/kg; cá rô từ 45 - 55 nghìn đồng/kg; tôm 230 - 300 nghìn đồng/kg; mực 220 nghìn đồng/kg… Các loại rau xanh phổ biến như: su su, su hào có giá 10 - 15 nghìn đồng/kg, súp lơ 10 - 15 nghìn đồng/cây; cải thảo 20 nghìn đồng/kg; cà chua 15 - 20 nghìn đồng/kg… Bên cạnh đó, giá gạo tăng nhẹ từ 2 - 5 nghìn đồng/kg.
Hoa quả, trái cây nhập mới được các tiểu thương nhập về với số lượng lớn, phong phú về chủng loại. Mặt khác, thời điểm này người dân đi lễ chùa khá đông, nhu cầu mua hoa quả, trái cây, bánh kẹo, đồ hàng mã… rất lớn. Do đó nhiều loại trái cây, bánh kẹo vẫn giữ giá so với thời điểm sát Tết.
Cùng với các chợ, siêu thị, từ ngày 15/2, hầu hết hàng quán đã mở cửa trở lại. Khảo sát tại trung tâm thành phố, các huyện trong tỉnh, lượng cửa hàng hoạt động chiếm trên 90%. Đặc biệt tại tuyến phố đi bộ (TP Hòa Bình), 100% hàng quán đã mở cửa, thu hút đông thực khách...
Theo thống kê của ngành Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2/2024 ước đạt 7.389 tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước.
Thực hiện đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, ngay sau Tết, Cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan như: công thương, công an, thuế… tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất có dấu hiệu thiếu minh bạch trong giá cả, nguồn gốc sản phẩm. Kiên quyết xử lý dứt điểm các tình trạng chặt chém du khách, người dân, thiếu minh bạch trong kinh doanh nhằm xây dựng môi trường kinh doanh công khai, lành mạnh.
Theo đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường, trong đợt cao điểm, Ban chỉ đạo 389 toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 110 vụ, tổng số tiền xử phạt, truy thu thuế trên 327,9 triệu đồng; khởi tố 4 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, thu giữ gần 500 quả pháo nổ, 89 ống pháo hoa, 600 viên đạn chì, 3 kg nguyên liệu làm pháo. Riêng lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 91 cuộc, xử lý 68 vụ, tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế trên 194 triệu đồng…
Minh Vũ
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Lạc hiện quản lý 16 chương trình tín dụng chính sách.
Theo NHCSXH tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, toàn chi nhánh đã tập trung giải ngân vốn vay ưu đãi đến hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, từ nguồn vốn uỷ thác ngân sách địa phương (NSĐP) chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải quyết việc làm (GQVL) cho hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh.
Ngày 21/2, UBND huyện Yên Thủy đã công bố dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện tại các xã: Phú Lai, Đoàn Kết, Hữu Lợi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh vừa ký ban hành Công văn số 231/UBND-THNV về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.