Việc các ngân hàng thương mại công khai lãi suất cho vay bình quân sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn, cơ hội để tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng ABBANK.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Lãi vay giảm trên diện rộng
Mới đây, hàng loạt các ngân hàng thương mại đã công bố các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi. Đơn cử, Agribank thông báo tiếp tục triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô 8.000 tỷ đồng.
Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ. Đồng thời, với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu đời sống, Agribank cũng dành khoảng 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất,
kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,0%/năm, thấp hơn 2% so với sàn lãi suất cho vay ở lĩnh vực này; và 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống với lãi suất chỉ từ 4%/năm.
Tương tự, Phó Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ ABBANK Đào Minh Tuấn cũng cho biết, ngân hàng này đã dành 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp, mức cho vay bình quân giảm từ 2-3% so với cho vay thông thường; tập trung vào các nhóm ngành trọng tâm như xây dựng, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống, thiết bị y tế, viễn thông, logistics… "Đây là những nhóm có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong giai đoạn tới,” ông Đào Minh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, mức lãi suất thấp còn xuất hiện tại nhiều chương trình cho vay của các ngân hàng trong thời gian gần đây như: Sacombank với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; BAC A BANK với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân chỉ còn 5%/năm;…
Hay tại SHB, ngân hàng này cũng đồng loạt giảm lãi suất các gói vay ưu đãi xuống còn từ 5,79%/năm. Với cá nhân, lãi suất vay được điều chỉnh giảm xuống 6,39%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 5,79%/năm đối với khoản vay trung-dài hạn.
Đồng thời, với gói vay ưu đãi mua nhà, khách hàng được hưởng ưu đãi giải ngân tới 90% giá trị bất động sản mua, thời gian vay lên tới 25 năm, thời gian ưu đãi lãi suất và ân hạn gốc kéo dài tới 24 tháng. Đáng chú ý, với những khách hàng thân thiết, sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của ngân hàng có thể được giảm lãi suất thêm tối đa 1%/năm.
Công khai lãi suất
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần thúc giục, đến nay, phần lớn các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân tháng 3/2024 tại Agribank là 7,47%/năm; chi phí vốn bình quân là 6%/năm; trong đó, lãi suất huy động bình quân là 4,2%/năm, các chi phí khác (bao gồm dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động) là 1,8%/năm.
Với mức lãi suất cho vay và huy động bình quân nói trên, hiện chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động là 1,47%/năm. Đây được coi là mức chênh lệch thấp nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay, trong khi mức chênh lệch tại các ngân hàng thương mại thông thường từ 3-4%.
Trong khi đó, VietinBank hiện đang có lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm. Tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 3 là 6,4%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tại ngân hàng này là 3,4%/năm. Riêng mức chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn tại Vietcombank hiện chỉ còn 1,8%/năm. Còn tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm và chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân-huy động vốn bình quân) là 3,12%/năm.
Ngoài nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng lần lượt công bố lãi suất cho vay bình quân, cụ thể: TPBank (7,76%/năm); Vietbank (7,32%/năm); OCB (7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp); VIB (8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp); ACB (9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp); BVBank (9,4%/năm), Eximbank (8,17%/năm); ABBank (7,42%/năm với khách hàng cá nhân và 6,12%/năm với doanh nghiệp)...
Trước đó, LPBank cũng công bố lãi suất cho vay bình quân cuối tháng 2/2024 dành cho các khoản phát sinh trong tháng, không phân biệt cá nhân hay doanh nghiệp là 8,07%/năm. Lãi suất bình quân đối với tiền gửi tất cả các kỳ hạn là 5,82%/năm. Chênh lệch lãi suất bình quân ở mức 2,25%/năm.
Theo các chuyên gia, với việc các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, minh bạch hơn và dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi trở lại trong thời gian tới. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: Tín dụng đầu năm tăng thấp chủ yếu do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán và khả năng hấp thụ vốn chưa cao, tuy nhiên đã phục hồi trong tháng 3. Tính đến ngày 25/3, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,26% so với cuối năm 2023 (riêng tháng 3 tăng 0,98%).
"Mặc dù triển vọng kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều bất trắc, khó lường, giá hàng hóa thế giới tăng trở lại, rủi ro lạm phát tiềm ẩn, lãi suất USD và tỷ giá USD quốc tế ở mức cao cho nên tạo thách thức lớn cho việc điều hành lãi suất; song Ngân hàng Nhà nước Việt Nam luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra nhận định, môi trường lãi suất huy động thấp như hiện tại là điều kiện tiên quyết cần được duy trì trong 6 tháng tiếp theo khi mà nhu cầu tín dụng vẫn còn yếu. Điều này sẽ tạo động lực cho các ngân hàng hạ lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu tín dụng. Chi phí vốn (COF) theo đó cũng sẽ được neo giữ ở mức thấp. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng có thể gia tăng biên lãi ròng (NIM). "Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay đầu ra nhằm thu hút người đi vay cũng sẽ khiến tỷ suất sinh lợi của tài sản các ngân hàng giảm theo”, các chuyên gia MBS phân tích thêm.
Theo Báo Nhân Dân
Ngày 5/4, UBND huyện Yên Thuỷ tổ chức Lễ công bố xã Phú Lai đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Đến dự có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và huyện Yên Thuỷ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Agribank đã dành 53.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp năm 2024. Từ đầu năm đến nay, Agribank Chi nhánh tỉnh đang tập trung triển khai gói tín dụng này tới các doanh nghiệp trên địa bàn.
Sáng 5/4, Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức họp quý I, phiên họp lần thứ II năm 2024. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện chủ trì phiên họp.
Đến thời điểm này, Hội Nông dân (HND) tỉnh đang quản lý nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) trên 63 tỷ đồng. Trong quý I/2024, Hội đã giải ngân cho 12 dự án với tổng số tiền 4,77 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này ngày càng có nhiều hội viên nông dân (HVND) nỗ lực sản xuất, kinh doanh (SXKD), vươn lên làm giàu, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đại diện Agribank chi nhánh tỉnh Hoà Bình, Agribank đã dành 70.000 tỷ tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân năm 2024, trong đó có các khách hàng trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.