Mô hình trồng ớt của gia đình anh Hà Văn Thái, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hạ (Mai Châu) được giới thiệu, nhân rộng trong thanh niên trên địa bàn.
Trở lại xã Mai Hạ, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này. Màu xanh của những cánh rừng, vườn cây ăn quả hiện hữu khắp nơi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối bằng phẳng, giàu dinh dưỡng, khí hậu mát mẻ, thích hợp để Mai Hạ phát triển nhiều loại cây trồng.
Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH. Hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã Mai Hạ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình mới, chủ động đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Được hỗ trợ giống, được "cầm tay chỉ việc” từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch và được bao tiêu sản phẩm, hiện nay, mô hình trồng ớt đang mở ra hướng đi mới ở Mai Hạ.
Năm 2023, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 bắt đầu triển khai mô hình liên kết trồng ớt tại Mai Châu. Anh Hà Văn Thái, Phó Bí thư Đoàn xã Mai Hạ là một trong những người đi đầu tham gia mô hình. Anh mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng ớt chỉ thiên và ớt chỉ địa. Với giá ớt chỉ thiên 19 nghìn đồng/kg, ớt chỉ địa 9 nghìn đồng/kg, vụ đầu thu được 5 - 6 tấn quả, trừ chi phí anh thu về khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Anh Thái cho biết: Tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ về kỹ thuật, cán bộ công ty bám sát vùng trồng, đầu tư trả chậm cho người dân 30 - 50% cây giống và phân bón lót. Công ty cũng ký hợp đồng thu mua, đảm bảo thu mua 100% sản phẩm của vùng trồng tạo ra, có giá bảo hiểm thu mua, khi giá thị trường lên công ty mua theo giá thị trường nên tham gia mô hình tôi rất yên tâm.
Theo anh Thái, việc trồng ớt không tốn nhiều công chăm sóc như cây lúa và dưa hấu, chi phí giống, phân bón ít hơn nên có lãi hơn. Do vậy chỉ sau 1 năm, nhiều hộ đã đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Hiện nay, diện tích trồng ớt ở Mai Hạ mở rộng lên 4 ha, với trên 30 hộ tham gia trồng, trong đó diện tích trồng ớt chỉ thiên trên 2ha.
Vụ chiêm xuân 2024, Mai Hạ gieo cấy 88,5 ha lúa; trồng 30,5 ha dưa hấu; 2 ha bầu, bí lấy hạt; 45 ha hoa màu, ớt, rau các loại; 4 ha dưa bở, bầu, bí; 2,3 ha đậu các loại và mướp đắng. Ngoài ra, bà con duy trì 4 ha lạc, 50 ha ngô, 5 ha khoai lang. Trong quý I đã thu hoạch 20 ha rau các loại, năng suất 5,5 tấn/ha, sản lượng đạt 110 tấn.
Có thể thấy, với chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Mai Hạ đã có những bước tiến trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Để giúp người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng thu hút nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; vận động người dân liên kết thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, hiện trên địa bàn có 2 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 49,2 triệu đồng, đạt 101,6% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn xấp xỉ 4%, đạt 100% kế hoạch.
Theo đồng chí Vì Thị Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, trong thời gian tới, Mai Hạ tiếp tục bám sát các đề án của huyện, kế hoạch của Đảng ủy xã trong định hướng phát triển nông nghiệp, nhân rộng mô hình công nghệ cao, mô hình liên kết trồng các loại cây ăn quả, nuôi dúi sinh sản, dúi thương phẩm, chăn nuôi bò... góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững cho người dân. Tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, đưa nhiều mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích canh tác.
Minh Vũ