Nhiều năm qua, Chi cục Thủy sản chủ động phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản. Qua đó không chỉ góp phần giữ cân bằng hệ sinh thái mà còn tạo sinh kế, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.


Theo dõi mực nước, môi trường, diễn biến thời tiết... là một trong những giải pháp Chi cục Thủy sản chú trọng nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Vùng hồ Hòa Bình có diện tích mặt nước khoảng 8.900 ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cũng như nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Thực tế những năm qua, nghề đánh bắt, NTTS đã đem lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân vùng hồ. Tuy nhiên, thời gian trước, nếu ngược lòng hồ từ xã Thung Nai đến Vầy Nưa, Tiền Phong, không khó để bắt gặp những chiếc vó đèn của người dân đặt trên mặt hồ. Rất nhiều vó đèn sử dụng mắt lưới rất nhỏ đánh bắt hầu hết các loại cá bé. Bên cạnh đó, người dân còn sử dụng các ngư cụ đánh bắt trái phép khác như kích điện, lưới bát quái… Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng cá tự nhiên bị khai thác tận diệt.

Vầy Nưa là xã thuộc huyện vùng cao Đà Bắc, có trên 1.600 ha mặt nước, với 6/8 xóm tiếp giáp lòng hồ sông Đà. Phần lớn hộ dân nơi đây lấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản trên vùng hồ làm sinh kế. Tuy nhiên, có thời điểm, hầu hết các xóm giáp vùng hồ đều có người sử dụng kích điện để đánh bắt cá. Với thực tế đó, không chỉ là vấn đề khai thác mang tính hủy diệt, các vụ tai nạn chết người do điện giật cũng khó tránh khỏi.

Theo đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, ngoài ý thức chấp hành quy định của một số người dân chưa tốt, còn sử dụng các loại ngư cụ bị cấm thì công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn gặp một số khó khăn như địa bàn rộng, nhiều thuyền khai thác vãng lai, việc đánh bắt thường diễn ra vào ban đêm rất khó kiểm soát…

Trước thực tế đó, nhằm thúc đẩy phát triển NTTS trên hồ Hòa Bình, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 13/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND, ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 1354/QĐ-UBND, ngày 5/7/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg, ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình...

Cụ thể hóa, các địa phương đã đẩy mạnh phát triển cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy sản đặc sản trên ao, hồ theo định hướng cơ cấu lại ngành thủy sản. Toàn tỉnh hiện có gần 2.700 ha NTTS; số lồng bè nuôi cá trên hồ thủy điện Hòa Bình phát triển nhanh, từ 1.700 lồng (năm 2014) đến nay tăng lên gần 5.000 lồng. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt trên 6.000 tấn. Các cơ sở, hộ dân sản xuất và ương dưỡng trên 100 triệu con giống thủy sản, đạt 66,66% kế hoạch đề ra.

Song song với đó, ngành đã tham mưu, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về quản lý nuôi, phòng chống dịch bệnh; theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước ao, hồ, sông suối, nhất là trên vùng hồ sông Đà, cập nhập thông tin từ Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc, từ đó khuyến cáo người dân kịp thời thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng, chống bệnh cho thủy sản nuôi. Tăng cường quản lý nuôi lồng bè trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp cùng các địa phương, ngành chức năng tiếp tục theo dõi tổ chức nắm bắt tình hình hoạt động khai thác thủy sản (KTTS), tổ chức quản lý hoạt động KTTS theo hướng giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng… Đặc biệt, ngành tập trung làm tốt công tác kiểm tra hoạt động KTTS trên vùng hồ sông Đà nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, góp phần bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.

Mới đây nhất, trong các ngày 22 - 24/5, Chi cục Thủy sản đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động KTTS trên vùng hồ sông Đà, tập trung vào việc khai thác theo mùa vụ trong năm của các tổ chức, cá nhân; kiểm tra thuyền và ngư cụ khai thác, các sản phẩm khai thác; điều kiện đảm bảo an toàn trong KTTS. Qua kiểm tra cho thấy, các hộ KTTS cơ bản chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác. "Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, đoàn kiến nghị, Sở NN&PTNT khắc phục việc sửa chữa các biển báo cấm KTTS đã bị hư hỏng tại khu vực các bãi cá đẻ; thả cá giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản; trang bị phương tiện chuyên dụng cho Chi cục thủy sản để chủ động thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát trên hồ…”- đồng chí Đặng Thị Duyên cho biết thêm.


Minh Vũ


Các tin khác


Người trồng ớt huyện Yên Thủy lao đao vì đơn vị liên kết chậm thanh toán

Đã là tháng thứ 4 và qua 3 lần hứa, người trồng ớt tại huyện Yên Thủy vẫn chưa được thanh toán tiền ớt thương phẩm của Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 (gọi tắt là Công ty T9) - đơn vị liên kết và bao tiêu sản phẩm. Thực trạng này đã khiến không ít hộ trồng ớt lâm vào tình cảnh khó khăn, nợ nần bởi "ớt vẫn cân mà tiền không được cầm”.

Tổng dư nợ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Hòa Bình đạt trên 18 tỷ đồng

Tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quý II/2024, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh tích cực thông tin, quán triệt các nội dung của Luật HTX năm 2023 tới các HTX, đơn vị thành viên.

Thủ tướng yêu cầu đề xuất cụ thể lộ trình thực hiện điều chỉnh giá điện

Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo trước ngày 30/6/2024.

Mở đường lên vùng cao Đà Bắc

Đà Bắc là huyện vùng cao, độ dốc lớn, địa hình chia cắt, thường phải đối mặt với thiên tai, trượt sạt. Nhiều khu vực điều kiện sản xuất, sinh hoạt còn khó khăn. Chính vì vậy, huyện Đà Bắc luôn tranh thủ các nguồn lực chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là về giao thông, từng bước phá vỡ thế cô lập giữa các xã, xóm bản nhằm cải thiện sinh kế của người dân.

Khai trương Cửa hàng nông sản an toàn Hà Hoàn tại thị trấn Bo

Ngày 21/6, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình phối hợp với Hội Nông dân huyện Kim Bôi và Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức khai trương Cửa hàng nông sản an toàn Hà Hoàn tại khu Mớ Đá, thị trấn Bo (Kim Bôi).

Huyện Lạc Thủy: Nhân rộng mô hình "Dân vận khéo" lĩnh vực kinh tế

Những năm qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Lạc Thủy được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên lĩnh vực phát triển kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục