Người dân xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) tích cực trồng cây xanh, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.
Công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế được xem là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng NTM. Để không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích, động viên người dân tích cực lao động, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phát huy thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo. Nhờ vậy năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,82%; hộ cận nghèo còn 4,14%.
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, người dân xã Ngọc Mỹ luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Song song với đó là đoàn kết, chung sức xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong cộng đồng. Việc triển khai, đăng ký và bình xét danh hiệu gia đình văn hóa đúng quy định, đảm bảo khách quan. Năm qua, toàn xã có gần 86% hộ được công nhận gia đình văn hóa; trên 1.100 hộ được công nhận gia đình văn hóa 3 năm liên tục; 12/13 xóm đạt khu dân cư văn hóa.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) luôn diễn ra sôi nổi, lan tỏa mạnh mẽ đến từng xóm. Đa dạng các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ ở cơ sở đã tạo sân chơi bổ ích, tiếp thêm nguồn năng lượng lạc quan trong nhân dân. Hiện nay, câu lạc bộ (CLB) hát thường rang, bộ mẹng và CLB chiêng Mường duy trì hoạt động hiệu quả đã gìn giữ, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại, trang phục truyền thống dân tộc Mường đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã ra sức bảo tồn bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Điển hình là trong năm học 2024 - 2025 này, học sinh Trường TH&THCS Ngọc Mỹ sẽ thực hiện mặc trang phục truyền thống của dân tộc vào một số buổi học trong tuần. Việc này giúp thế hệ trẻ thêm hiểu biết, tự hào, nhận thức vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, hưởng ứng Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phong trào TDTT quần chúng của xã ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. 13/13 xóm có đội bóng chuyền nam, nữ giao lưu và tập luyện thường xuyên. Sân tập luyện TDTT của các xóm cơ bản đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân. Hàng năm, xã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao. Riêng trong năm 2023, xã đã thành lập được 5 CLB TDTT. Đến nay, toàn xã có gần 2.000 người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên và trên 400 gia đình thể thao.
Tân Lạc là một trong những địa phương còn lưu giữ được khá nhiều trò chơi dân gian gắn liền với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, tại xã Ngọc Mỹ, ấn tượng nhất phải kể đến chị em góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn trò chơi dân gian bóng ngựa. Đồng chí Bùi Thị Thao, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: Không chỉ riêng trò chơi bóng ngựa, chúng tôi gìn giữ nhiều trò chơi dân gian đặc sắc khác của dân tộc Mường, như: đánh mảng, đánh đu, ném còn...; tổ chức giao lưu, thi đấu vào một số ngày lễ lớn. Qua đó, chúng tôi mong muốn làm sống dậy và dần đưa trò chơi dân gian thành môn thể thao phổ biến trong đời sống cộng đồng.
Đồng chí Bùi Thị Giăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng NTM trên địa bàn xã đã có sức lan tỏa sâu rộng, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Từ phong trào đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương. Người dân nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong xây dựng NTM, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Linh Nhật