Người dân xã Thành Sơn, huyện Mai Châu tra cứu thông tin và quy trình thực hiện thủ tục hành chính qua bảng máy tính điện tử.
Năm 2021, xã Nam Thượng (Kim Bôi) bắt đầu triển khai chuyển đổi số cấp xã. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới đòi hỏi sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân. Sau hơn 3 năm triển khai, Nam Thượng đã xây dựng chính quyền số một cách hiệu quả. Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa, "một cửa liên thông" có 156 thủ tục thuộc 15 lĩnh vực được niêm yết công khai và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua phần mềm một cửa đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ nộp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4 đạt 100%. Cùng với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số cũng được xã đặc biệt quan tâm. Qua đó tạo động lực và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, được sự hỗ trợ của VietPost, các sản phẩm bí xanh, dưa chuột, lặc lày của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp và sản xuất rau an toàn nông thôn Bãi Xe (thôn Nam Bãi) được đưa lên sàn thương mại Voso.vn. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được quảng bá rộng rãi, tăng sản lượng tiêu thụ, giá bán ổn định.
Ứng dụng CNTT để thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản cũng là xu hướng của nhiều hộ dân, đặc biệt là đối với những đặc sản của vùng đồng bào DTTS. Cơ sở chế biến thịt lợn gác bếp của gia đình anh Bùi Văn Tình, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc là một ví dụ điển hình. Livestream giới thiệu sản phẩm và chia sẻ quy trình sản xuất là cách anh Tình thực hiện thường xuyên để bán các mặt hàng nông sản khô của cơ sở, gồm thịt sấy, lạp xưởng… Hiện nay, fanpage, facebook, zalo cá nhân chuyên bán hàng của gia đình anh có hàng nghìn lượt theo dõi, kết nối với hơn 25 nghìn cộng tác viên bán hàng trên khắp cả nước. Anh Tình cho biết: Từ ngày sử dụng hình thức livestream bán hàng, sản lượng xuất bán của cơ sở tăng vọt. Mỗi phiên livestream bán hàng, có thể bán từ 150 - 200 kg thịt khô các loại.
Tương tự, HTX Tuyết Nhi (thôn Đồng Bon, xã Cao Dương, Lương Sơn) nổi tiếng với các sản phẩm dược liệu, gồm cao cà gai leo, cao xạ đen đều đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Trước đây, HTX chủ yếu bán hàng theo cách truyền thống nên sản lượng bán ra thấp, chưa được nhiều người biết đến. Sau khi được tập huấn, HTX đã sử dụng đa dạng nền tảng mạng xã hội để bán hàng nên đã thu hút được lượng lớn khách hàng quan tâm đặt mua. Chị Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc HTX Tuyết Nhi chia sẻ: Việc bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đã giúp lượng khách hàng của HTX tăng lên rất lớn. Không chỉ ở miền Bắc mà sản phẩm của mình đã được đưa vào miền Trung, miền Nam.
Thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng DTTS, tỉnh Hòa Bình đã tích cực thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý và phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh triển khai nhiều phần mềm tích hợp và xây dựng nhiều trang thông tin điện tử phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân. Theo đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn (Ban Dân tộc tỉnh), mặc dù ứng dụng CNTT chưa trở thành thói quen thường xuyên của người dân vùng DTTS nhưng nhờ vào CNTT, quá trình sản xuất và phát triển kinh tế ngày càng trở nên dễ dàng hơn. Qua đó góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đây sinh kế của đồng bào DTTS ngày càng đa dạng, thu nhập nâng lên, đời sống không ngừng được cải thiện.
Để tiếp tục mở rộng kiến thức, kỹ năng cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN, hiện nay, tỉnh tiếp tục triển khai nội dung "hỗ trợ thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào DTTS ứng dụng CNTT tại xã để phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự”. Cùng với đó là mô hình "hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào DTTS&MN”.
Đinh Hòa