Ông Nguyễn Văn Trường, xóm Dệ, xã Bắc Phong (Cao Phong) thường xuyên thăm, chăm sóc vườn cam của gia đình.
Gia đình ông Nguyễn Văn Trường, xóm Dệ, xã Bắc Phong là một trong số ít chủ vườn của huyện còn sở hữu được vườn cam 17 năm tuổi. Gần 1 ha được gia đình ông trồng, chăm sóc đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất cam sạch. Gia đình đã dành kinh phí hơn 600 triệu đồng để đầu tư nguồn nước, cải tạo đất sạch, chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất sạch, bền vững. Chất lượng cam từ đó không ngừng được nâng lên. Đánh giá cảm quan cho thấy, cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có vị ngọt, thơm mát và quan trọng là an toàn tuyệt đối khi sử dụng. Mặc dù năng suất không bằng trồng cam theo cách truyền thống nhưng đây là sự lựa chọn của nhiều hộ trồng cam trên địa bàn huyện để duy trì, giữ gìn và phát triển thương hiệu cam của địa phương.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cam sạch cũng được nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì thực hiện. HTX 3TFarm là một trong nhiều đơn vị đi đầu trong việc áp dụng quy chuẩn này trong trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hiện, toàn bộ hơn 20 ha diện tích trồng cam của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX 3TFarm luôn cam kết cung cấp ra thị trường sản phẩm cam sạch, an toàn với người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Hiện, toàn huyện Cao Phong có 715,21 ha cam các loại, trong đó chủ yếu là diện tích cây thời kỳ kinh doanh với gần 674 ha. Vụ cam năm nay, toàn huyện dự kiến năng suất đạt 302 tạ/ha, sản lượng đạt 20.348 tấn.
Mặc dù số lượng cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của địa phương còn hiệu lực chỉ có 172 ha, tuy nhiên, 100% diện tích trồng cam tại huyện đều được sử dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, kết nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái. Qua đó, tạo ra sản phẩm sạch, thu hút đông khách mua hàng.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng, thời gian qua, địa phương chú trọng tới công tác bảo vệ, phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Theo đó, huyện chú trọng sản xuất các loại giống có chất lượng được chọn lựa, bình tuyển từ các cây đầu dòng. Quản lý tốt quy trình sản xuất, chăm sóc, dán tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì, nhãn mác đưa sản phẩm cam có thương hiệu đến tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch, giữ vững và phát triển thương hiệu cam Cao Phong. Trong đó, huyện luôn đề cao trách nhiệm của người sản xuất cũng như người kinh doanh.
Cùng với quản lý tốt quy trình sản xuất, chăm sóc cây từ phân bón đến phòng trừ sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng hộ, huyện đang từng bước đặt mục tiêu phấn đấu sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Để đảm bảo giữ vững thương hiệu, chính quyền và người dân huyện Cao Phong đã triển khai thực hiện dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung; thực hiện hỗ trợ các địa phương trong chứng nhận an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho những diện tích cây có múi trong chu kỳ kinh doanh.
Minh Tuấn
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Cao Phong)
Sở NN&PTNT vừa có Công văn số 4032/SNN-CNTY gửi UBND các huyện, thành phố về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm (CGC) ở động vật.