Thành viên Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC, xã Quyết Chiến (Tân Lạc) chăm sóc diện tích rau vụ đông.
Tại huyện Kim Bôi, mục tiêu diện tích cây trồng vụ đông năm nay là 1.921 ha, bằng 103,2% so với cùng kỳ. Thời điểm này, nông dân các xã, thị trấn tích cực chăm sóc các diện tích cây trồng. Đồng chí Nguyễn Thị Minh Anh, Phó phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết: Để triển khai gieo trồng các loại cây màu theo đúng khung thời vụ, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch làm đất, cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng chất lượng cho người dân. Đồng thời, thực hiện kiên cố hóa kênh mương, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, gia cố các trạm bơm, cầu cống đáp ứng yêu cầu sản xuất; liên tục theo dõi diễn biến thời tiết, khuyến cáo người dân bám sát lịch thời vụ, xây dựng phương án tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của cây màu; xây dựng kế hoạch tiêu thụ cho từng vùng cụ thể. Đặc biệt, tăng cường chăm sóc, phục hồi các diện tích cây trồng sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi)...
Cũng như huyện Kim Bôi, dưới sự chỉ đạo của ngành NN&PTNT, các địa phương trong tỉnh tăng cường chăm sóc các loại cây trồng vụ đông, đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp chống rét, phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng khi thời tiết lạnh. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, đối với cây có múi, bệnh sẹo tiếp tục gây hại với diện tích nhiễm 13ha tại huyện Lạc Thủy, tăng 3ha so với kỳ trước; bệnh vàng lá, thối rễ gây hại diện tích nhiễm 5ha, giảm so với kỳ trước 2ha; bệnh loét tiếp tục gây hại trên 12ha; ruồi đục quả tiếp tục gây hại trên 21ha; sâu vẽ bùa, bọ trĩ, sâu đục thân, rệp muội, rệp sáp, bệnh greening... gây hại nhẹ rải rác tại các vùng trồng. Bên cạnh đó, sâu keo mùa thu, sâu xám, bệnh đốm lá, sâu đục thân, chuột tiếp tục gây hại trên cây ngô vụ đông. Bệnh giả sương mai, bọ trĩ, rệp... tiếp tục gây hại rải rác trên các vùng trồng rau họ bầu bí với mật độ và tỷ lệ thấp...
Vụ đông năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 9.070ha, tập trung vào một số cây chủ yếu như: ngô, khoai lang, các loại rau họ thập tự; bí xanh (vụ sớm), dưa chuột, bí đỏ; tăng diện tích các loại rau bản địa như tỏi tía, cải mèo.
Để chủ động phòng, chống các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng, bảo vệ an toàn cho sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sinh vật hại gây ra, góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng nông sản, ngành NN&PTNT yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện Công văn số 2654/SNN-TTBVTV, ngày 29/8/2024 của Sở NN&PTNT về đẩy mạnh sản xuất vụ đông năm 2024; Công văn số 117/TTBVTV, ngày 19/3/2024 của Chi cục TT&BVTV về hướng dẫn kỹ thuật canh tác bưởi theo tiêu chuẩn xuất khẩu; Công văn số 1253/SNN-TTBVTV, ngày 16/5/2024 của Sở NN&PTNT về thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, bố trí rải vụ rau xanh hợp lý để tránh dư thừa khi lượng cung quá nhiều. Quản lý chặt chẽ các nguồn nước, hồ chứa, điều tiết nước hợp lý phục vụ sản xuất năm 2024, 2025. Duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ công tác dự tính dự báo dịch hại cây trồng...
Theo đồng chí Vũ Thị Anh Đào, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh, dự báo thời gian tới, các đối tượng, dịch bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại cho các loại cây trồng vụ đông. Do đó, Chi cục đã và đang tích cực phối hợp các địa phương tổ chức thăm đồng điều tra phát hiện sớm đối tượng sâu bệnh, chủ động trong công tác phòng trừ. Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng; tập trung chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối N.P.K đúng thời kỳ sinh trưởng của các cây rau màu... nhằm đạt mục tiêu cả về diện tích, năng suất, sản lượng đề ra trong vụ đông 2024.
Thu Hằng