Dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn thành phố Hòa Bình đến ngày 30/11 giải ngân khoảng 36% kế hoạch vốn, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công để tăng mạnh tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/1/2025.
Đến cuối năm, kết quả giải ngân không đạt tiến độ đề ra
Năm 2024, kế hoạch VĐTC của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng; số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng. Tổng hợp kết quả giải ngân đến ngày 30/11, toàn tỉnh giải ngân 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh đạt 64%; giải ngân vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) đạt 49%; giải ngân vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 56%; giải ngân vốn nước ngoài đạt 93%.
Theo Sở KH&ĐT, kết quả giải ngân tính đến hết tháng 11/2024 của tỉnh đạt cao hơn so với trung bình cả nước (số liệu giải ngân trung bình tháng 11/2024 của cả nước ước đạt 60,43%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân 64% không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy đã giao là 90%. Qua tổng hợp kết quả thực hiện của 30 chủ đầu tư (CĐT) được giao sử dụng kế hoạch VĐTC năm 2024 cho thấy: Đến ngày 30/11, có 3 CĐT đạt tỷ lệ giải ngân trên 90% gồm: Ban Quản lý dự án khu vực tỉnh (91%); Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (100%); Sở Thông tin và Truyền thông (96%). 16 CĐT có tỷ lệ giải ngân không đạt 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao nhưng cao hơn so với trung bình cả nước (60%). Còn lại, 11 CĐT có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với trung bình cả nước.
Bên cạnh đó, kết quả giải ngân VĐTC được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 cũng không đạt tiến độ đề ra: Đến ngày 30/11 mới giải ngân đạt 16% kế hoạch vốn giao. Trong đó, vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân đạt 58%; vốn thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giải ngân đạt 15%. Riêng về kết quả thực hiện các công trình sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để hỗ trợ các đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trên địa bàn tỉnh, kết quả giải ngân đến ngày 30/11 cũng chỉ đạt khoảng 36% kế hoạch vốn giao.
Áp lực "chạy nước rút” đến ngày 30/1/2025
Xác định giải ngân VĐTC là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm 2024, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề quý I với chủ đề "Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân VĐTC năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, mục tiêu đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; đến ngày 30/01/2025 phải giải ngân hết nguồn vốn đã được phân bổ năm 2024.
Chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ giải ngân VĐTC với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đặc biệt, năm nay, tỷ lệ giải ngân VĐTC được đưa vào tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đó là những biện pháp mạnh, cho thấy quyết tâm chính trị rất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với nhiệm vụ giải ngân VĐTC năm 2024.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến ngày 30/11 không đạt tiến độ đề ra. Trung tuần tháng 12 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe CĐT báo cáo tình hình thực hiện từng dự án, rà soát từng "nút thắt” làm chậm tiến độ giải ngân để thống nhất giải pháp tháo gỡ. Trước đó, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh kế hoạch VĐTC năm 2024 với tổng số vốn 524,7 tỷ đồng, qua đó, kịp thời gỡ vướng cho các dự án gặp khó khăn chưa thể triển khai thực hiện giải ngân ngay và một số dự án đã hoàn thành không sử dụng hết kế hoạch vốn được giao.
Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, rất nhiều thách thức đặt ra đối với các CĐT để phấn đấu tăng tỷ lệ giải ngân. Thời gian từ nay đến ngày 30/1/2025 không còn nhiều, khối lượng công việc lớn, áp lực rất cao vì có những khó khăn chưa được tháo gỡ. Để phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân, yêu cầu các CĐT có tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu cần nghiêm túc nhìn nhận những lý do khách quan, chủ quan, những hạn chế, yếu kém, khẩn trương rút kinh nghiệm để tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo sát sao các đơn vị liên quan. Trong đó, chú trọng tháo gỡ các vướng mắc về đất đắp, giải phóng mặt bằng, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp… Thời gian không còn nhiều, yêu cầu cấp thiết là tăng tỷ lệ giải ngân VĐTC, đảm bảo nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả.