Năm 2024, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh, thiên tai, thời tiết cực đoan, giá vật tư nông nghiệp tiếp tục ở mức cao... Tuy vậy, với nỗ lực vượt khó của ngành nông nghiệp và người dân, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Hoà Bình đã đạt được những kết quả quan trọng.
Sản phẩm bưởi da xanh Tân Lạc được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc trước khi xuất khẩu sang châu Âu.
Những tháng cuối năm, các chuyến hàng xuất khẩu lên đường theo đơn đặt hàng phục vụ người tiêu dùng ở thị trường quốc tế. Năm 2024 đã có sự góp mặt của một số sản phẩm mới như: mật ong rừng Hợp Tiến, bưởi da xanh Tân Lạc, hành tăm muối Yên Thủy.
Lần đầu tiên sản phẩm hành tăm muối Yên Thủy được xuất khẩu, đây là dấu mốc quan trọng đối với đơn vị sản xuất nói riêng và huyện Yên Thủy nói chung. Đồng chí Bùi Thị Xanh, Phó phòng NN&PTNT huyện cho biết: Đối với sản xuất hành tăm muối đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, huyện đã phối hợp các cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn cho các hộ sản xuất hành tại xã Phú Lai theo quy trình VietGAP. Để từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ các hộ sản xuất, Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lai về quy trình kỹ thuật, chăm sóc... theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhằm đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khác chứ không riêng thị trường Anh.
Năm 2024, vượt qua yếu tố bất thuận của thời tiết, những thiệt hại do mưa bão, giông lốc, dịch bệnh trên gia súc gây ra, các chỉ tiêu của ngành nông nghiệp đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,25%; giá trị sản xuất (GRDP) ước đạt 13,9 nghìn tỷ đồng. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, tập trung cho các nhóm sản phẩm chủ lực và đặc sản của địa phương gắn với lợi thế của từng vùng sản xuất và nhu cầu thị trường. Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm từ 37 - 50% tại các địa phương triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1.738 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác. Các địa phương mở rộng diện tích trồng loại cây có thế mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền như: nhãn, na, chuối duy trì từ 3.000 - 5.000 ha; cây có củ (sắn, dong riềng, khoai sọ...) trên 13.000 ha và cây công nghiệp hàng năm... Tổng sản lượng xuất khẩu nông sản đạt 23.190 tấn, với tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 253,576 tỷ đồng.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với cùng kỳ, trong đó, diện tích cây lương thực có hạt 69,03 nghìn ha, tăng 2,97% so với kế hoạch và tăng 0,45% so với cùng kỳ; tổng đàn bò hiện có 92,6 nghìn con, đạt 104% so với kế hoạch; tổng đàn lợn 539 nghìn con, đạt 109% so với kế hoạch; sản lượng thủy sản ước đạt 12.550 tấn, đạt 105% kế hoạch. Giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá so sánh ước đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Điểm nhấn trong "bức tranh" nông nghiệp là Chương trình xây dựng NTM được tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ. Hết năm 2024 toàn tỉnh dự kiến có 86/129 xã đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí NTM đạt 16,3 tiêu chí/xã; có 30 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu, 75 khu dân cư kiểu mẫu và 258 vườn mẫu. Toàn tỉnh dự kiến có thêm 18 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Năm qua, Sở NN&PTNT cùng các địa phương đã chủ động thực hiện các chương trình, đề án và kế hoạch hành động cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các chương trình mục tiêu phát triển ngành; tham mưu thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất. Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành năm 2024 đều đạt và vượt so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Tiêu thụ sản phẩm có chuyển biến rõ rệt, một số sản phẩm chủ lực như mía, nhãn, chuối đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đặc biệt, các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ có tính đột phá dự kiến hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2025, Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao hướng đến xuất khẩu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 4,0%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khoảng 15,39 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa đạt từ 3 sao trở lên...
Thu Hằng
Sở Tài chính tỉnh Hoà Bình đã ban hành Công văn số 4840/STC-QLG&CS, ngày 26/12/2024 về việc triển khai Quyết định số 65/2024/QĐ-UBND, ngày 20/12/2024 của UBND tỉnh quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Ngày 31/12, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.
Ngày 31/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; lãnh đạo Tổng cục QLTT.
Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024, chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng hơn 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân trong cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.
Đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2024 của toàn tỉnh đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này tuy cao hơn so với trung bình cả nước (60,43%) nhưng không đạt mức 90% như yêu cầu nhiệm vụ mà Tỉnh ủy đã giao. Sau mốc thời gian 30/11/2024, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến ngày 30/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ đầy áp lực trong bối cảnh có nhiều khó khăn chi phối tình hình giải ngân VĐTC.