Nguyễn Văn Toàn 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh làm lễ động thổ tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình),ngày 29/9/2024.

Năm 2024 - năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) XIII của Đảng, NQĐH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động sâu sắc; tình hình kinh tế trong nước bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với sự quyết tâm, quyết liệt, tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Toàn tỉnh đã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt mức cao nhất 5 năm vừa qua; nhiều dự án trọng điểm được khởi công; thu hút đầu tư tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt gần 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng; thu ngân sách của tỉnh đạt trên 7.400 tỷ đồng, bằng 183,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 128,8% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 2 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ, đạt 100,03% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.376,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100,05% kế hoạch năm. Toàn tỉnh đã thành lập mới 496 doanh nghiệp (DN) với tổng số vốn khoảng 8.100 tỷ đồng; có 13 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và 12 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 06 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, có 50 lượt dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tiếp tục xuất khẩu nhiều loại nông sản ra các thị trường lớn như Anh quốc, EU và Mỹ. Trong năm, tỉnh đã khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (km19 - km53) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với tổng vốn đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án giao thông kết nối quan trọng góp phần tạo đột phá cho vùng Tây Bắc phát triển. Trước đó, tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà tỉnh đã khởi công dự án Nhà máy vi mạch điện tử củaTập đoàn Meiko Nhật Bản với tổng diện tích 9,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.660 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD và sẽ nâng lên 500 triệu USD khi xây dựng nhà máy thứ 2.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Đặc biệt, văn hóa đã thực sự trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, với 2 di tích khảo cổ là Mái đá làng Vành và Hang xóm Trại được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt; nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc được phục dựng, qua đó góp phần thu hút khách du lịch đến với tỉnh. Có thể nói, những kết quả KT-XH năm 2024 góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025.


Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đoàn công tác kiểm tra thực tế tại công trình Trung tâm Y tế huyện Lạc Sơn. Ảnh: H.L

Từ thực tiễn cho thấy, đạt được những kết quả nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự đồng hành vào cuộc của HĐND tỉnh và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, có hiệu quả của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng DN. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quán triệt 7 quan điểm phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 đột phá phát triển đề ra trong Quy hoạch (QH) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh về hoàn thành xây dựng QH và thực hiện QH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao 145 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng. Điều hành quản lý khai thác sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chấ, tinh thần của nhân dân. Phát triển khoa học công nghệ (KH-CN), thực hiện tốt các chính sách dân tộc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước (QLNN), siết chặt kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí.

Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc đặc biệt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã xác định là năm tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên tinh thần đổi mới tư duy, cách làm, hành động để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đối với tỉnh ta, để hoàn thành chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng KT-XH giai đoạn tiếp theo, cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để giữ đà, giữ nhịp tăng trưởng. Theo đó, Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 của HĐND tỉnh đề ra chỉ tiêu GRDP đạt trên 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 88 triệu đồng; thu NSNN đạt trên 7 nghìn tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 2.361 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%...

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tập trung thực hiện quyết liệt 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện QH tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN; thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm và tăng năng suất lao động. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng và có giải pháp quyết liệt về xây dựng, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục điểm nghẽn; tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những nội dung mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới nhằm phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Hai là, tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước. Đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tận dụng các lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện Đề án số 07/ĐA-BTV của BTV Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bền vững. Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc, mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao.

Ba là, tăng cường công tác quản lý thu, khai thác hiệu quả nguồn thu, triển khai các biện pháp chống thất thu. Cơ cấu các khoản chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên cho đầu tư phát triển.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển DN, thu hút đầu tư. Triển khai các giải pháp chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện các chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2025.

Năm là, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Sáu là, phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung thực hiện đầy đủ nội dung Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và nền Văn hóa Hòa Bình.

Bảy là, tăng cường hiệu lực hiệu quả QLNN về KH&CN Đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trên địa bàn tỉnh. Tích cực trong hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tám là, tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi. Huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng ĐBDTTS, nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân vùng ĐBDTTS. Tăng cường công tác QLNN về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Chín là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sớm hoàn thành việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mười là, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Xác định nhiệm vụ đặt ra cho năm 2025 là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, có ý nghĩa quan trọng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt tinh thần hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị cùng đồng hành để chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vượt qua thách thức hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2025, thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.


Các tin khác


Triển khai nhiệm vụ quản lý thị trường năm 2025

Ngày 31/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ, giải pháp năm 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; lãnh đạo Tổng cục QLTT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Ngày 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024, chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới". Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo các bộ, ban, ngành cùng hơn 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân trong cả nước. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu.

Tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 - áp lực “chạy nước rút”

Đến ngày 30/11/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) năm 2024 của toàn tỉnh đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả này tuy cao hơn so với trung bình cả nước (60,43%) nhưng không đạt mức 90% như yêu cầu nhiệm vụ mà Tỉnh ủy đã giao. Sau mốc thời gian 30/11/2024, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, đến ngày 30/1/2025, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là nhiệm vụ đầy áp lực trong bối cảnh có nhiều khó khăn chi phối tình hình giải ngân VĐTC.

Trồng hoa Tết trên đất lúa cho thu nhập khá

Với lợi thế gần thành phố, ruộng gần nhà, chị Bùi Thị Bích Liên ở tổ dân phố Chu, phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình luân canh 1.600m2 đất lúa trồng hoa bán dịp Tết Nguyên đán cho thu nhập khá. Chị là gương điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh trên đất trồng lúa.

Triển vọng phát triển sản phẩm OCOP dược liệu ở xã Yên Trị

Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã Yên Trị (Yên Thủy) đẩy mạnh phát triển vùng trồng dược liệu, xây dựng sản phẩm OCOP dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục