Sản phẩm mật ong rừng Hợp Tiến của HTX Green Life (xã Hợp Tiến, huyện Kim Bôi) được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi xuất khẩu sang thị trường Anh quốc.
Hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại được thiết lập nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước dự đoán, nhận diện, đối phó với các rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế. Các biện pháp này bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và tự vệ. Việc sớm phát hiện các mối đe dọa từ thị trường nước ngoài giúp doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu và bảo vệ quyền lợi trước nguy cơ bị áp dụng các biện pháp hạn chế. Tại Hoà Bình, hệ thống này không chỉ giúp giám sát thị trường mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nâng cao nhận thức và năng lực cạnh tranh.
Ngay sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành các kế hoạch thực hiện, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chung là: xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm. Đồng thời chỉ đạo sát sao việc nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện các chính sách liên quan đến phòng vệ thương mại. Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2019 đến nay, Hoà Bình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương rà soát và góp ý vào hơn 2.300 dự thảo văn bản pháp luật; định kỳ kiểm tra và hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.
Đồng chí Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Căn cứ chức trách, nhiệm vụ được giao, cũng trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật phòng vệ thương mại. Hơn 500 học viên từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu. Các nội dung đào tạo tập trung vào quy định pháp luật, quy trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế và cách nhận diện các rủi ro thương mại. Qua đó, giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh tránh được thiệt hại đáng kể từ các biện pháp chống bán phá giá và trợ cấp. Cụ thể, việc sớm nhận diện các rủi ro đã giúp doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Với cách làm đó, từ năm 2019 đến nay, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã có nhiều đợt xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khó tính trên thế giới, tuy nhiên không có mặt hàng nào bị điều tra chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và tự vệ.
Hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm mang lại rất tích cực nhưng thực tế hiện nay, năng lực sử dụng hệ thống của một số doanh nghiệp còn hạn chế. Cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa khai thác triệt để các chức năng của hệ thống. Mạng lưới chuyên gia về phòng vệ thương mại tại địa phương còn thiếu…
Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Sở Công Thương, để nâng cao hiệu quả của Hệ thống cảnh báo sớm trong phòng vệ thương mại, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra phòng vệ thương mại nước ngoài để cập nhật kịp thời các vụ việc liên quan; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để xử lý hiệu quả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại; hỗ trợ kinh phí triển khai công tác đào tạo, tuyên truyền và xúc tiến thương mại tại địa phương.
Việc triển khai Đề án 316 tại Hòa Bình trong 5 năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ lợi ích kinh tế của địa phương và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của Hệ thống cảnh báo sớm, cần có sự nỗ lực phối hợp từ nhiều phía, cùng với việc tăng cường đầu tư và nâng cao nhận thức cộng đồng doanh nghiệp. Đây là yếu tố then chốt giúp Hòa Bình phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Hải Yến