Chiều 21/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (còn gọi dự án đường dây 500kV Tây Bắc) với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Dự án Đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên là Dự án rất quan trọng trong việc truyền tải điện mua từ Trung Quốc, giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và phục vụ phụ tải tăng cao các năm tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo.
Đây là Dự án được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khởi công trong tháng 2/2025, hoàn thành Dự án trong 6 tháng kể từ khi khởi công (chậm nhất đến tháng 9/2025 phải hoàn thành).
Bộ trưởng nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ trước 30/8/2025 đòi hỏi chủ đầu tư các bộ ngành, địa phương cần làm rốt ráo hơn, chi tiết hơn tiếp tục triển khai hoàn thành Dự án Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên đúng tiến độ.
Ông Đặng Hoàng An- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN cho biết), dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên có vai trò rất quan trọng trong việc giải tỏa công suất các nhà máy thủy điện khu vực Tây Bắc và truyền tải điện mua từ Trung Quốc phục vụ phụ tải tăng cao các năm tiếp theo.
Trước đó, ngày 3/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 (Chỉ thị 01); trong đó, giao EVN khẩn trương khởi công, phấn đấu hoàn thành Dự án trong 6 tháng (chậm nhất đến tháng 9/2025 phải hoàn thành).
Dự án được EVN giao Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) thực hiện quản lý dự án, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỷ đồng, điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5km đi qua địa phận 4 tỉnh và 12 huyện (Lào Cai 2 huyện; Yên Bái 2 huyện; Phú Thọ 3 huyện; Vĩnh Phúc 5 huyện), tổng cộng có 468 vị trí móng cột điện (Lào Cai 100 vị trí; Yên Bái 173 vị trí; Phú Thọ 94 vị trí; Vĩnh Phúc 101 vị trí), tổng diện tích chiếm đất bởi chân móng cột điện là 63,03ha, ảnh hưởng đến 2.189 hộ dân; trong đó, có 248 hộ phải tái định cư.
Theo ông Đặng Hoàng An, dự án có tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng là 51,58ha (4,92ha rừng tự nhiên và 46,67ha rừng trồng), thuộc thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng của các tỉnh, cụ thể: Lào Cai (13,93ha rừng trồng); Yên Bái (2,74ha rừng tự nhiên và 17,32ha rừng trồng); Phú Thọ (7,88ha rừng trồng) và Vĩnh Phúc (2,18ha rừng tự nhiên và 7,54ha rừng trồng).
Báo cáo về việc lựa chọn nhà thầu của EVN nêu rõ, Tập đoàn đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của Dự án tại Quyết định số 24/QĐ-HĐTV ngày 16/1/2025. Đến nay đã hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị (nhất thứ, nhị thứ, dây dẫn, cáp quang, cách điện, phụ kiện).
Trong số đó các gói thầu xây lắp mở thầu ngày 23/2/2025, dự kiến hoàn thành đánh giá hồ sơ mời thầu, ký kết hợp đồng trước ngày 5/3/2025. Đây là dự án quan trọng, cấp bách, thời gian triển khai rất gấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo hoàn thành thắng lợi dự án đòi hỏi phải có sự quyết tâm về ý chí chính trị, sự đồng hành của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân.
Tuy nhiên, việc bồi thường giải phóng mặt bằng của Dự án hiện nay đang gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng của các huyện nếu phải triển khai thực hiện thủ tục, trình tự bồi thường giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của UBND các tỉnh sẽ mất nhiều thời gian (thời gian xác định giá đất cụ thể từ 2 - 3 tháng, thời gian niêm yết công khai phương án bồi thường 30 ngày, thời gian bổ sung, hoàn thiện phương án bồi thường 60 ngày).
Hơn nữa, nguy cơ không đáp ứng được tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 2/2025, cũng như có mặt bằng để triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến ngay sau khi ký kết hợp đồng các gói thầu xây lắp.
Đến nay, việc kiểm đếm của phần móng cột qua địa bàn các tỉnh đã gần như hoàn thành. Thế nhưng, do chưa có huyện nào hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể nên chưa thể áp giá và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm cơ sở chi trả tiền cho người dân để bàn giao mặt bằng cho Dự án.
Hiện tại, mới có 2 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên của tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự toán phương án án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án tạm tính), đã chi trả tiền cho người dân; huyện Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt phương án án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án tạm tính); các huyện còn lại (Yên Bái 2 huyện; Phú Thọ 3 huyện; Vĩnh Phúc 4 huyện) đang lập phương án.
Bên cạnh đó, hành lang tuyến: quá trình quy chủ, thống kê kiểm đếm hành lang gặp vướng mắc tại một số khoảng cột (chủ sử dụng trên bản đồ địa chính và chủ sử dụng thực tế khác nhau; tọa độ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác với vị trí sử dụng).
Nhiều hộ dân có ý kiến về đơn giá hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất thấp và đề nghị có cơ chế hỗ trợ thêm (một số vị trí trên đỉnh đồi không tiếp tục được trồng cây lâu năm mà phải chuyển sang trồng cây hàng năm để đảm bảo khoảng cách an toàn). Việc lập phương án tái định cư cho các hộ có đất ở, nhà ở trong hành lang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm vị trí để tái định cư xen ghép hoặc tập trung. Vị trí bãi đổ thải còn 5/12 huyện chưa thỏa thuận vị trí bãi đổ thải (huyện Lục Yên - Yên Bái; huyện Đoan Hùng và Thanh Ba - Phú Thọ; huyện Tam Đảo, Lập Thạch - Vĩnh Phúc).
Trước đó, tại cuộc họp ngày 6/11/2024 về tình hình triển khai các dự án lưới điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên trong việc đảm bảo giải toả công suất các nhà máy điện; vừa truyền tải đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo EVN và các địa phương nhanh chóng chuẩn bị các thủ tục cần thiết theo quy định, phấn đấu khởi công sớm và hoàn thành thi công trong 6 tháng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Theo Baotintuc.vn
Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam” (gọi tắt là Đề án 61), Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần XDNTM" giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án 01). Các cấp HND trong tỉnh đã nỗ lực phối hợp các ngành, đơn vị và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của các cấp HND, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Lạc Sơn. Năm 2024, cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Hiện toàn tỉnh có 694 tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh ổn định, trong đó có 525 hợp tác xã (HTX), 3 quỹ tín dụng nhân dân, 166 tổ hợp tác đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Trong năm 2024 thành lập mới 63 HTX, thu hút 16,3 nghìn thành viên và trên 29 nghìn lao động. Doanh thu bình quân ước đạt 1,58 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 174 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng. Đến nay có 15 sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên và 103 sản phẩm OCOP 3 sao của tổ chức KTTT; khoảng 32% HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ. KTTT đóng góp ngày càng quan trọng đối với phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Từ 15 giờ ngày 20/2, xăng E5RON92 và xăng RON95-III đồng loạt tăng thêm 257 đồng/lít, đưa giá xăng lên mức 21.331 đồng/lít.
Các chuyên gia nhận xét, tại thị trường Hà Nội, phân khúc căn hộ để bán đã ghi nhận được nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua.
Sẵn sàng cung ứng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) là ưu tiên hàng đầu của ngành Ngân hàng khi triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cùng với quyết tâm chung của hệ thống toàn quốc, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xác định sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân và các thành phần kinh tế thông qua việc đáp ứng nhu cầu vay vốn để SXKD, từ đó tiếp thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế.