Năm 2025 là năm về đích trong việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025 cũng như tạo động lực cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo.
Nghị quyết 25 tạo bệ phóng cho tăng trưởng
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa qua đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên, qua đó tạo nền tảng, bệ phóng cho nền kinh tế hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số của cả giai đoạn tiếp theo. Nhằm thực hiện mục tiêu này, trong những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP, trong đó lần đầu tiên, 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương đều được giao một con số mục tiêu hết sức cụ thể.
Hầu hết các chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho các bộ ngành đều cao hơn so với kết quả thực hiện năm 2024 như: Tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi ngân sách nhà nước dưới 60%, Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 9,5%, Khách du lịch quốc tế đạt 22-23 triệu lượt khách.
Điểm mới của nghị quyết lần này là Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương căn cứ vào thế mạnh, tiềm năng sẵn có. 18/63 tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số, mức tăng trưởng thấp nhất là 8% được giao cho 26 tỉnh, thành phố. Những địa phương năm trước chỉ tăng 3-5% như: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông… thì năm nay cũng phải đạt tối thiểu 8%.
Chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Ảnh: VGP
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong năm 2025, chúng ta phải làm rất nhiều việc, trong đó phải tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% để phải tạo đà, tạo thế, tạo lực cho những năm tới tăng trưởng 2 con số. Thủ tướng khẳng định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
"Muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, chứ không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó", Thủ tướng nói.
Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng biểu dương một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cao, trong đó Quảng Ninh đặt mục tiêu 16%, cao hơn cả chỉ tiêu Chính phủ giao (12%).
"Kim chỉ nam" của từng ngành, từng địa phương
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8,5%, cao hơn mức 7,17% của năm 2024. Để đạt được con số này, thành phố sẽ phải lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đặc biệt trong lĩnh vực logistics và tài chính.
Trung tâm logistics đầu tiên của thành phố dự kiến khởi công vào tháng 4/2025, nằm trong kế hoạch xây dựng 8 trung tâm logistics đến năm 2030. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: "TP Hồ Chí Minh đang nghiên cứu xem cơ chế đầu tư mang tính công – tư trong việc phát triển hạ tầng số cũng như cơ chế thu hút nguồn lực xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, không chỉ là đầu tư từ phía Nhà nước… Về mặt thể chế, thành phố sẽ tập trung thực hiện cải cách hành chính để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp".
Thành phố cũng đã giải quyết vướng mắc cho hàng chục dự án bất động sản, góp phần giúp nguồn thu từ đất đai đạt hơn 25.300 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 46% so với năm trước đó.
Trong khi đó, Bắc Giang được giao ở mức cao nhất cả nước là 13,6%. Thực tế, Bắc Giang đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua nhờ tập trung phát triển công nghiệp, trong đó minh chứng là sự hiện diện của tập đoàn điện tử Foxconn suốt gần 2 thập kỷ. Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm tới 60% trong GRDP của tỉnh, so với mức trung bình 30% của cả nước. Điều này lý giải vì sao Bắc Giang liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, thậm chí năm 2022 từng đạt 19,8%.
Nhà máy của Foxconn đặt tại tỉnh Bắc Giang. Ảnh Foxconn
Ông Phạm Văn Thịnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: "Nếu các cơ quan quản lý thực sự đồng hành và là người bạn với doanh nghiệp thì chúng ta sẽ lắng nghe và giành được niềm tin của các nhà đầu tư, lan tỏa hình ảnh về môi trường đầu tư cho địa phương. Chúng tôi duy trì kết nối qua Zalo rất nhanh gọn với đại diện từng nhà đầu tư trong tỉnh. Các nhà đầu tư có thể phản ánh thông tin tới cấp lãnh đạo của tỉnh một cách nhanh nhất". Chính tinh thần cầu thị, hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ đã giúp Bắc Giang trở thành điểm sáng về đầu tư và công nghiệp hóa.
Tỉnh Bắc Ninh lại chọn chiến lược thúc đẩy tăng trưởng thông qua đầu tư công. Tỉnh này được giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP ở mức 8%, dựa trên việc đẩy nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Dự án đường Vành đai 4 – vùng thủ đô đi qua Bắc Ninh là một trong những công trình chiến lược, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025, sớm hơn kế hoạch một năm. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ kết nối các khu công nghiệp và đô thị trong tỉnh, mở ra không gian phát triển mới. Ngoài ra, Bắc Ninh còn đặt kỳ vọng vào sân bay Gia Bình với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng, kỳ vọng tạo cú hích lớn cho tăng trưởng kinh tế khu vực.
Không chỉ có các địa phương, các ngành, lĩnh vực được giao mục tiêu cụ thể. Trong đó tốc độ tăng tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống phải đạt từ 12,5 - 13%. Điện năng đóng vai trò cốt lõi trong sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội.
Đây cũng là lý do nước ta tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thủ tướng nhấn mạnh, đây vấn đề lớn, quốc gia đại sự, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Xây dựng lộ trình, mục tiêu cụ thể không chỉ là phương châm, là kinh nghiệm thành công của các dự án trọng điểm quốc gia, mà còn là "kim chỉ nam" trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng địa phương. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Nghị quyết số 25 không chỉ đặt ra mục tiêu mà còn mở đường cho các chính sách điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tiễn từng ngành, địa phương. Nếu tận dụng tốt cơ hội và thực hiện quyết liệt các biện pháp thì mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ hoàn toàn khả thi, mở ra triển vọng vươn tới mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn phát triển mới của dân tộc.
Theo VTV.VN
Năm 2018, thành phố Hoà Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, năm 2019, sau khi huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM cho các xã thuộc huyện Kỳ Sơn trước đây chưa đạt chuẩn. Tháng 12/2024, thành phố Hoà Bình đã hoàn thành nhiệm vụ này với 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt NTM nâng cao.
Chiều 21/2, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên (còn gọi dự án đường dây 500kV Tây Bắc) với sự tham gia của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng lãnh đạo UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
Hàng loạt các dự án bất động sản (BĐS) ra hàng thị trường từ đầu năm 2025 định hình phân khúc nhà ở, văn phòng, BĐS công nghiệp, mặt bằng bán lẻ… đang mang lại triển vọng tích cực, chứng minh sức bền và dư địa phát triển của thị trường còn lớn.
Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục miễn thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm trong dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế).
Dự án Nhà máy xi măng Xuân Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng đang được triển khai trên diện tích hơn 40ha tại xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy. Đây là 1 trong 14 dự án trọng điểm của tỉnh hứa hẹn tạo đột phá cho kinh tế của địa phương.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong tháng 1/2025, đơn vị đã giải ngân vốn vay đối với 11 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, cho vay vốn đối với hộ nghèo là chương trình có doanh số cho vay cao thứ 3, với hơn 17 tỷ đồng, cho trên 250 hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến hết tháng 1/2025, tổng dư nợ chương trình tín dụng này đạt 813,7 tỷ đồng/16.044 hộ dân còn dư nợ.