Năm 2018, thành phố Hoà Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, năm 2019, sau khi huyện Kỳ Sơn sáp nhập vào theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM cho các xã thuộc huyện Kỳ Sơn trước đây chưa đạt chuẩn. Tháng 12/2024, thành phố Hoà Bình đã hoàn thành nhiệm vụ này với 7/7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt NTM nâng cao.


Đoàn viên thanh niên xóm Khang Đình, xã Yên Mông (thành phố Hoà Bình) dọn vệ sinh môi trường, 
góp phần xây dựng diện mạo sáng- xanh - sạch - đẹp cho địa bàn nông thôn. 

Sự vào cuộc đồng bộ - yếu tố then chốt của thành công

Xây dựng NTM tại thành phố Hòa Bình không chỉ đơn thuần là hoàn thành các tiêu chí, mà còn là quá trình nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Xuất phát từ quan điểm đó, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã xác định: "Xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, toàn diện, cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân”.

Cụ thể hoá, thành phố ban hành nhiều kế hoạch hành động cụ thể, trong đó tập trung vào huy động nguồn lực từ nhiều phía, bao gồm ngân sách nhà nước, vốn xã hội hóa và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân. Đặc biệt, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh. Hàng nghìn buổi họp dân, hội nghị chuyên đề đã được tổ chức, qua đó giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chương trình NTM và chủ động tham gia bằng sức người, sức của.

Người dân xóm Can, xã Độc Lập - xã đặc biệt khó khăn duy nhất của thành phố Hoà Bình chưa quên quãng thời gian dài phải di chuyển trên con đường độc đạo, trơn trượt vào ngày mưa, bụi bặm những ngày nắng. Được tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM, 30 hộ dân của xóm đã tự nguyện hiến đất để mở rộng con đường từ 2m lên 5m, tạo thuận lợi cho đi lại và phát triển kinh tế địa phương. Ông Đinh Văn Bảy, một trong những người đi đầu hiến đất làm đường chia sẻ: "Có con đường mới to, đẹp, nhà tôi đã mở cửa hàng tạp hóa, tăng thu nhập. Nông thôn đổi mới, đường, trường, trạm, nhà văn hóa xóm đều được đầu tư khang trang, sạch đẹp, bà con rất phấn khởi."

Trong hơn 10 năm (2011-2024), thành phố Hòa Bình ghi nhận hàng nghìn trường hợp người dân tự nguyện đóng góp công sức và tài chính, với tổng giá trị quy đổi xấp xỉ 110 tỷ đồng. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Xuân Giao ở xã Yên Mông đã hiến 2.232 m² đất; hộ ông Nguyễn Đức Chính ở xã Hòa Bình hiến 1.100 m² đất và góp 70 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; hộ ông Đinh Văn Hoàn hiến 828 m² đất và 45 triệu đồng...

Ngoài góp sức xây dựng cơ sở hạ tầng, người dân thành phố còn tích cực tham gia các mô hình bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, như "Ngày thứ Bảy xanh - sạch - đẹp", "Tuyến đường nông dân tự quản", "Tuyến đường sáng - an toàn", "Phân loại rác thải tại hộ", "Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh" và lắp đặt "Camera an ninh" góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong xây dựng NTM tại địa bàn các xã. Đồng thời, người dân đã chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn của Hợp tác xã Độc Lập, nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống… Qua đó, người dân từng bước cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp xây dựng thành phố hoàn thành các tiêu chí NTM. 

Những thành tựu nổi bật trên hành trình xây dựng nông thôn mới

Kết quả đạt được của thành phố Hòa Bình không chỉ phản ánh qua những con số ấn tượng, mà còn qua những đổi thay rõ nét trong đời sống người dân. Tính đến thời điểm hoàn thành chương trình, toàn bộ các xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn NTM, trong đó có những xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện với gần 95% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, thuận lợi cho đi lại và lưu thông hàng hóa. Các công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 7,8% (năm 2015) xuống còn dưới 1,5% vào cuối năm 2024.

Xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở phát triển kinh tế, mà còn hướng đến xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú. Các phong trào như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” hay "Chủ nhật xanh” được triển khai rộng khắp, thu hút sự tham gia của người dân. Nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp, giúp tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng cao.

Đồng chí Phạm Anh Quý, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: Hành trình xây dựng NTM của thành phố Hòa Bình đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó yếu tố tiên quyết là "lấy dân làm trung tâm, dựa vào sức dân”. Sự đồng lòng của người dân là "chìa khóa" dẫn đến thành công. Thông qua công tác tuyên truyền hiệu quả, nhân dân không chỉ tham gia bằng nguồn lực mà còn bằng sự sáng tạo, góp phần cải thiện chất lượng các tiêu chí. Song song với đó là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền được thể hiện rõ nét trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương. Sự sâu sát, quyết tâm của đội ngũ cán bộ đã tạo niềm tin, động lực lớn cho toàn dân. Đồng thời, phải kể đến việc kết hợp hài hòa giữa ngân sách nhà nước và sự đóng góp của xã hội hóa giúp thành phố tối ưu hóa các nguồn lực, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM là dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển của địa phương. Đây vừa là chạm đích, vừa là khởi đầu của một chặng đường nỗ lực không ngừng nghỉ, để thành phố tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế trong thời kỳ mới.


Minh Vũ

Các tin khác


Giải ngân trên 17 tỷ đồng vốn ưu đãi cho hộ cận nghèo

Theo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong tháng 1/2025, đơn vị đã giải ngân vốn vay đối với 11 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, cho vay vốn đối với hộ nghèo là chương trình có doanh số cho vay cao thứ 3, với hơn 17 tỷ đồng, cho trên 250 hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đến hết tháng 1/2025, tổng dư nợ chương trình tín dụng này đạt 813,7 tỷ đồng/16.044 hộ dân còn dư nợ.

Góp sức phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam” (gọi tắt là Đề án 61), Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần XDNTM" giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án 01). Các cấp HND trong tỉnh đã nỗ lực phối hợp các ngành, đơn vị và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần khẳng định vị thế, vai trò của các cấp HND, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhân rộng nhân tố, mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp

Đến nay, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Lạc Sơn. Năm 2024, cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều nhân tố, mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Động lực cho hợp tác xã phát triển

Hiện toàn tỉnh có 694 tổ chức kinh tế tập thể (KTTT) hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh ổn định, trong đó có 525 hợp tác xã (HTX), 3 quỹ tín dụng nhân dân, 166 tổ hợp tác đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực. Trong năm 2024 thành lập mới 63 HTX, thu hút 16,3 nghìn thành viên và trên 29 nghìn lao động. Doanh thu bình quân ước đạt 1,58 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 174 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,67 triệu đồng/người/tháng. Đến nay có 15 sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên và 103 sản phẩm OCOP 3 sao của tổ chức KTTT; khoảng 32% HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ. KTTT đóng góp ngày càng quan trọng đối với phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chiều 20/2: Giá xăng tăng, còn giá dầu giảm

Từ 15 giờ ngày 20/2, xăng E5RON92 và xăng RON95-III đồng loạt tăng thêm 257 đồng/lít, đưa giá xăng lên mức 21.331 đồng/lít.

Giá cao, người có nhu cầu mua nhà ở rất khó khăn

Các chuyên gia nhận xét, tại thị trường Hà Nội, phân khúc căn hộ để bán đã ghi nhận được nhiều tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục