Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tình hình thực hiện công trình đường liên xã từ xã Hùng Sơn (Kim Bôi) đi xã Cao Sơn (Lương Sơn), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Áp lực cao về tiến độ
Tại huyện Kim Bôi, công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các CTMTQG được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ từ huyện đến cơ sở nhằm đảm bảo nội dung, tiến độ đề ra. Ban Chỉ đạo các CTMTQG huyện làm việc trực tiếp với các xã để nắm bắt tình hình thực tế, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngay từ đầu năm. Riêng đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện đã kịp thời ban hành kế hoạch năm 2025 và các quyết định phân bổ nguồn vốn, tổ chức rà soát các nguồn vốn chưa giải ngân hết trong năm 2024 được phép kéo dài chuyển nguồn sang năm 2025 và đề xuất nhu cầu nguồn vốn sự nghiệp năm 2025. Theo đó, tổng nguồn vốn giao năm 2025 là 108.509 triệu đồng, bao gồm 51.984 triệu đồng nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2024 sang năm 2025; 56.525 triệu đồng nguồn vốn đầu tư kế hoạch giao năm 2025.
Đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đã bám sát các quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện các CTMTQG năm 2025. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, được quán triệt ngay từ đầu năm với quyết tâm chính trị cao nhất, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Tới đây, UBND huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời có chế tài xử lý đối với nhà thầu chậm tiến độ.
Theo Kết luận số 137-KL/TW, ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay kể từ ngày 01/7/2025, sau khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 6/2025, cấp huyện sẽ có khối lượng công việc rất lớn cùng áp lực cao về tiến độ hoàn thành các chương trình, dự án đầu tư công nói chung, trong đó có các CTMTQG năm 2025. Đây là thực tế đòi hỏi hệ thống chính trị cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan phải vào cuộc quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ
Trước yêu cầu cấp bách đặt ra đối với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ các CTMTQG, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác làm việc với các địa phương nhằm nắm bắt tình hình, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện. Qua làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, chương trình, dự án thuộc CTMTQG theo lĩnh vực, địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch. Trong đó, tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời báo cáo kết quả thực hiện để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ.
Năm nay, nhiệm vụ quan trọng được xác định là giải ngân vốn đầu tư công - trong đó có nguồn vốn các CTMTQG. Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các CTMTQG năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025, ngày 24/2/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 275/UBND-KTTH về việc triển khai các CTMTQG năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân số vốn được giao. Quá trình thực hiện, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ. Đặc biệt, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương rà soát, đề xuất điều chuyển vốn giữa các chương trình, dự án đảm bảo đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tăng tỷ lệ giải ngân các CTMTQG năm 2025 đòi hỏi cả hệ thống chính trị và đơn vị liên quan phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác của UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp, triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương rà soát khả năng hấp thụ vốn của từng chương trình, dự án, tiểu dự án; kịp thời xây dựng phương án điều chuyển nguồn vốn phù hợp để đề xuất UBND tỉnh.
Về việc điều chỉnh nguồn vốn để tăng tỷ lệ giải ngân, tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố được giao nguồn vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khẩn trương rà soát lại nhu cầu, đề xuất nội dung thực hiện hoặc đề xuất điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp đã được giao không còn nội dung, đối tượng, địa bàn thực hiện sang cho các nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần khác còn nội dung, đối tượng, địa bàn thực hiện trong cùng CTMTQG. Đối với vốn đầu tư phát triển, chủ đầu tư rà soát số vốn còn dư, không còn nhu cầu sử dụng, tổng hợp đề xuất điều chỉnh cho các công trình, dự án còn thiếu vốn hoặc đề xuất bố trí cho các công trình cấp thiết khác. Đối với vốn sự nghiệp, trên cơ sở thực trạng và nguồn vốn đã thực hiện giai đoạn 2021 - 2024, khẩn trương rà soát nhu cầu, đề xuất nội dung thực hiện chi tiết của từng CTMTQG kế hoạch năm 2025 để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
"Mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo giải ngân hết các nguồn vốn được giao. Quá trình thực hiện cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong triển khai thực hiện các CTMTQG. Quyết tâm không để lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sớm đưa các chương trình, dự án vào sử dụng để người dân sớm được hưởng lợi” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Công Sứ nhấn mạnh.
Khánh An