Từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, thành phố Hòa Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên để trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hiệu quả, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Sản phẩm mật ong bản Dao của Hợp tác xã nông nghiệp bản Dao Thống Nhất (phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình) được công nhận OCOP 3 sao.
Triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 9/9/2021 (Đề án số 03) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố Hòa Bình đã có văn bản triển khai thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Đề án số 03.
Theo đó, đối với trồng trọt, các xã, phường tập trung trồng các loại cây ăn quả thế mạnh, có giá trị kinh tế cao như: bưởi, cam, thanh long, ổi, chuối... Nhiều diện tích trồng màu, vườn tạp kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chuyển 21,37 ha đất kém hiệu quả sang trồng dong giềng (xã Thịnh Minh); chuyển đổi gần 10ha đất đồi rừng, vườn tạp sang trồng gai xanh, cà gai leo (xã Hòa Bình, Thịnh Minh); trên 20ha trồng bí xanh, bí đỏ (xã Độc Lập). Anh Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Độc Lập, xã Độc Lập cho biết: Để đảm bảo đầu ra sản phẩm và thu nhập của người dân tham gia chuỗi liên kết, HTX có phương án đầu tư sản xuất chuyên sâu, tạo ra sản phẩm sau thu hoạch. Từ các loại cây trồng mướp đắng, bí xanh, mướp... HTX có thể sản xuất ra các sản phẩm xà phòng hữu cơ, trà túi lọc bí đao, bông tăm xơ mướp, xà phòng than tre…
Nhằm nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các mô hình sản xuất hàng hóa áp dụng kỹ thuật tiên tiến, chuỗi liên kết sản xuất theo hướng chuyên sâu cũng được duy trì và nhân rộng. Đến nay, trên địa bàn thành phố có một số sản phẩm được chế biến sâu như: ruốc cá trắm đen, ruốc cá lăng đen, ruốc cá lăng vàng của Công ty TNHH Hải Đăng; sản phẩm cá sông Đà phi lê của Công ty TNHH Cường Thịnh; cao cà gai leo của Công ty TNHH Thương Hảo; tinh dầu sả chanh của HTX nông nghiệp bản Dao Thống Nhất...
Song song với đó, thành phố chú trọng hỗ trợ cấp mã số vùng trồng và tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chất lượng, có tiềm năng tiêu thụ lớn trong nước và xuất khẩu. Đến nay đã có 25ha trồng chuối, 14ha trồng bưởi được cấp mã số vùng trồng. Công tác tiêu chuẩn hóa và hỗ trợ xây dựng thương hiệu cũng được quan tâm. Toàn thành phố có 31 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, trong đó một số sản phẩm như: ruốc cá sông Đà, tinh dầu sả, trà thảo dược... đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn, sàn thương mại điện tử (TMĐT) và xuất khẩu. Với các sản phẩm đã có thương hiệu, số lượng bán ra thị trường tăng khoảng 30% so với thời kỳ đầu; mẫu mã, chất lượng từng bước được khẳng định.
Hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực được đẩy mạnh thông qua việc phối hợp, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung vào thị trường thành phố Hà Nội và các vùng lân cận. Hơn 4 năm qua, thành phố đã tổ chức tập huấn hỗ trợ cho 160 hội viên nông dân, hộ sản xuất - kinh doanh cá thể, HTX, tổ hợp tác... đăng ký tham gia các sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia sàn TMĐT Postmart.vn, Shoppe.vn, Voso.vn, sàn giao dịch TMĐT tỉnh Hòa Bình (hoabinhtrade.gov.vn)...
Những nỗ lực phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và gắn với xuất khẩu đã góp phần nâng giá trị thu được trên 1ha canh tác đạt 130 triệu đồng. Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 100,98 triệu đồng/năm.
Đồng chí Đỗ Việt Triều, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình nhận định: Sau hơn 4 năm thực hiện Đề án số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025", nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hòa Bình thay đổi rõ nét, nhất là thay đổi lớn về tư duy và phương thức sản xuất trong nông nghiệp. Qua đó đời sống của người dân khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho người lao động. Cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng.
Hải Đăng
Theo các chuyên gia, hiện Hoa Kỳ đã tạm hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam, nhưng nguy cơ vẫn "treo lơ lửng" trên đầu.
Với đà phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2024, quý I/2025, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình ước đạt 12,67%, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Theo đánh giá, chỉ số tăng trưởng quý I là kết quả của quá trình kiến tạo nhiều năm. Đây cũng là bước đà quan trọng để tỉnh tiếp tục thực hiện các kịch bản tăng trưởng từng quý, hướng tới hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt trên 10%.
Giá xăng đã có kỳ điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp trong kỳ điều hành vào chiều nay (17/4).
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ phải đối mặt với mức thuế quan lên đến 245%, giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh đẩy giá vàng trong nước lên mốc 118 triệu đồng/lượng, liên tục lập đỉnh mới.
Đồng hành, tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Thời gian qua, Huyện Đoàn Mai Châu phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện triển khai các hoạt động nhận ủy thác vốn vay chính sách. Qua đó giúp thanh niên Mai Châu có thêm điều kiện phát triển toàn diện, đóng góp tích cực vào thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Trong 5 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân 7.058 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho trên 172 nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần duy trì và mở rộng việc làm cho trên 31,4 nghìn lao động; hỗ trợ xây mới, cải tạo trên 97 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 1.090 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 436 căn nhà cho các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ.