Sản xuất giấy in báo ở Công ty Cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tác động tích cực đến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, nhưng dường như với ngành giấy, cuộc vận động này chưa mang lại kết quả mong muốn. Làm thế nào để người tiêu dùng mặn mà với sản phẩm giấy sản xuất trong nước? Ðó là bài toán mà ngành giấy cần tập trung tìm ra lời giải.
Năng lực hạn chế, chất lượng chưa cao
Có thể nói, so với các ngành công nghiệp khác, ngành giấy có tốc độ phát triển khá chậm. Cả nước chỉ có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất giấy, trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp có công suất từ 10.000 tấn trở lên. Số doanh nghiệp có công suất hơn 50.000 tấn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì thế, năng lực sản xuất của ngành giấy Việt Nam hạn chế, chi phí sản xuất cao, hiệu quả kinh tế thấp, giá thành sản phẩm thiếu sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Năm 2009, tổng sản lượng giấy các loại đạt 1.138.000 tấn, đáp ứng được 56% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Mặt hàng thiếu nhiều nhất là giấy in báo (70%), kế đến là giấy bao bì (43%), giấy in viết (33%). Khả quan nhất là loại giấy Tissue (khăn giấy, giấy vệ sinh), không những thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu với khối lượng đáng kể. Nhìn chung, khoảng cách giữa năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng ngày càng cách biệt. Ðặc biệt đối với giấy viết, khoảng cách này tăng khá nhanh. Nếu như năm 2006, nhu cầu tiêu dùng và sản lượng giấy tăng tương đối đồng đều (14% /12%) thì đến năm 2009, tỷ lệ này đã lên đến 20% /3%. Ðó là nguyên nhân dẫn đến lượng giấy nhập khẩu tăng từ 28% lên 49%. Hơn nữa, hầu hết các dây chuyền sản xuất giấy trong nước sử dụng thiết bị, công nghệ từ những năm 70 hoặc đầu những năm 80 của thế kỷ trước, vừa thiếu đồng bộ vừa lạc hậu. Vì thế, mặc dù một số doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc cải tiến kỹ thuật, nhưng đến nay, theo nhận xét của một số nhà tiêu thụ giấy, phần lớn sản phẩm giấy trong nước chất lượng không hơn gì các mặt hàng được chính các doanh nghiệp đó sản xuất ra cách đây bốn, năm năm về trước. Mặt khác, về nguyên liệu giấy và hóa chất, ngành giấy phụ thuộc khoảng 50% vào nước ngoài. Vì thế bất cứ sự trồi sụt nào của bột giấy và giấy trên thị trường thế giới đều có ảnh hưởng đến sự thăng trầm của ngành giấy Việt Nam. Rõ nét nhất là vào quý I - 2008, khi giá nguyên liệu nhập khẩu giảm đã kéo theo giá giấy trong nước xuống thấp hơn nhiều so với giá giấy nhập khẩu. Nhiều nhà tiêu dùng lúc này quay sang tìm mua giấy Việt Nam, dẫn đến tình trạng khan hiếm giấy sản xuất trong nước, đặc biệt là giấy in báo. Ðể điều tiết thị trường, Nhà nước giảm thuế nhập khẩu giấy viết từ 5% xuống 0% và giấy in từ 5% xuống 3%. Nhưng bắt đầu từ tháng 9-2008, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều nhà sản xuất giấy trên thế giới mở tung các kho hàng, "bán tống bán tháo" giấy để thu hồi vốn. Ðược kích thích từ việc giảm thuế nhập khẩu, nhiều nhà nhập khẩu tranh thủ nhập giấy của nước ngoài tích trữ để tung ra bán kiếm lời khi khan hiếm giấy. Nhưng không ngờ mấy tháng sau, giá giấy trên thị trường thế giới tiếp tục giảm. Lúc này, các "đại gia" tung giấy nhập khẩu ra bán với giá rẻ hơn nhiều so với giấy sản xuất trong nước. Trước thực trạng này, người tiêu dùng trong nước khó có thể đưa ra sự lựa chọn nào khác là sử dụng giấy ngoại. Ðây có thể coi như một "tai họa" đối với ngành giấy Việt Nam: nhiều doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất và sản xuất cầm chừng, một số khác đứng trên bờ phá sản.
Bước sang năm 2009, thị trường giấy trong nước và nhập khẩu bắt đầu bình ổn trở lại. Các doanh nghiệp đã qua cơn "bĩ cực". Nhưng nhìn chung, khả năng tiêu thụ giấy sản xuất trong nước còn chậm, thậm chí có lúc chỉ đạt khoảng 40% sản lượng giấy sản xuất ra, lúc cao nhất mới đạt tới 80%.
Ðầu tư công nghệ tiên tiến và chủ động tạo nguồn nguyên liệu
Về lâu dài, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm giấy ở nước ta sẽ tiếp tục tăng nhưng phải là những sản phẩm chất lượng cao. Trước yêu cầu này, ngành giấy phải tìm ra giải pháp để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Việc cấp thiết hàng đầu là các doanh nghiệp giấy phải mạnh dạn đầu tư các nhà máy sản xuất giấy quy mô tương đối lớn (có công suất ít nhất phải từ 50.000 tấn/năm trở lên), với máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến mới mong mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mặc dù đầu tư cho ngành giấy rất tốn kém và lâu thu hồi vốn, nhưng đây là con đường duy nhất để tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Ðáng mừng là gần đây, xuất hiện một số nhà máy giấy có công nghệ hiện đại, có hệ thống xử lý chất thải tiên tiến bậc nhất trong khu vực. Ðó là nhà máy của Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước III, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chuyên sản xuất mặt hàng giấy làm bao bì các - tông, với sản lượng 220.000 tấn/năm. Nhà máy thứ hai của Công ty TNHH Pulppy Corelex (Việt Nam) tại KCN Phố Nối A, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, chuyên sản xuất giấy Tissue cuốn (khăn giấy, giấy vệ sinh) cao cấp có sản lượng 30.000 tấn/năm, đứng đầu cả nước về mặt hàng này. Mặc dù mới đưa vào vận hành hơn sáu tháng, nhưng cả hai nhà máy này đã khai thác đến 80% công suất thiết kế và tiêu thụ hết sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Ðáng chú ý hơn cả là Công ty CP Tập đoàn giấy Tân Mai, nhà sản xuất giấy in báo duy nhất ở Việt Nam đã mạnh dạn mua lại toàn bộ nhà máy sản xuất bột giấy và giấy, gồm bốn dây chuyền từ Ca-na-đa để xây mới bốn nhà máy tại các địa phương: Ðồng Nai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Lâm Ðồng nhằm đưa sản lượng bột giấy từ 60.000 tấn/năm lên 450.000 tấn/năm và giấy các loại từ 140.000 tấn/năm lên 550.000 tấn/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu giấy trong nước. Tuy nhiên, ở mặt hàng giấy viết, chưa có nhiều dự án đầu tư lớn. Ngoài Tổng công ty giấy Việt Nam có công suất 110.000 tấn/năm (chiếm 30% năng lực trong cả nước), các đơn vị khác như: Việt Thắng, Bãi Bằng, Trường Xuân, Vạn Ðiểm, Tân Mai đều có quy mô từ 70.000 tấn/năm trở xuống. Ðây là điều đáng lo ngại cho ngành giấy Việt Nam. Ðặc biệt, ở mặt hàng giấy phấn trắng, trong khi nhu cầu sử dụng loại giấy này ngày càng tăng, thì trên thực tế sản phẩm nội địa hầu như vắng bóng. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chưa hội đủ các điều kiện về kỹ thuật, trình độ tay nghề..., mặc dù có một số cơ sở như: Bình An (của Tân Mai), Việt Trì, Tập đoàn HAPACO (Hải Phòng) có thiết bị sản xuất mặt hàng này. Ngoài ra, ở nước ta chưa có nhà máy nào sản xuất các mặt hàng giấy dùng trong công nghiệp như: giấy cuốn thuốc lá, giấy hai lớp làm hóa đơn, giấy làm bao bì đựng các chất lỏng...
Một trong những khâu quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của ngành giấy là nguyên liệu. Hiện nay, nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng hơn 50% nhu cầu của các nhà máy. Vấn đề đặt ra là phải có quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để vừa có nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy vừa bảo vệ rừng không bị xâm hại. Ông Trần Ðức Thịnh, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giấy Tân Mai cho biết: Hiện nay, Tân Mai đã quy hoạch khoảng 150.000 ha đất và rừng tại các khu vực Kon Tum, Quảng Ngãi, Lâm Ðồng, Ðác Lắc, và Ðông Nam Bộ làm vùng trồng cây nguyên liệu. Riêng với Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai - Kon Tum (đặt tại huyện Ðác Tô, tỉnh Kon Tum vừa được khởi công ngày 17-1 vừa qua), sẽ có nguồn nguyên liệu khá dồi dào từ 17.000 ha do Tổng công ty giấy Việt Nam quản lý. Một nguồn nguyên liệu khác giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất là giấy đã qua sử dụng (giấy loại). Trong cơ cấu nguyên liệu dùng cho các nhà sản xuất giấy Việt Nam, nguyên liệu này chiếm tới 66%, trong đó hơn một nửa phải nhập khẩu. Ðiều đáng quan tâm là chỉ có một phần tư tổng số giấy đã qua sử dụng được thu gọn làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy; ba phần tư còn lại bị vứt bỏ lẫn vào bãi rác hoặt đốt cháy. Vì thế, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam, cần phát động một phong trào rộng rãi thu gom giấy loại, nhất là trong đối tượng các em học sinh, thiếu nhi để nâng tỷ lệ thu hồi giấy lên ít nhất 50%. Mặt khác, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích sử dụng loại nguyên liệu này, không nên đánh thuế vào các hoạt động thu gom, cung cấp, tái chế giấy loại.
Với ý thức của người dân ưu tiên dùng hàng nội, cộng với sự nỗ lực của ngành giấy, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, ngành giấy Việt Nam sẽ từng bước vươn lên ngang tầm khu vực, tiếp cận trình độ các nước công nghiệp phát triển trên thế giới đặc biệt là chiếm lĩnh được thị trường trong nước.
Theo ND
(HBĐT) - Ngày 26/1, tại Sở Xây dựng đã diễn ra Đại hội Kiến trúc sư tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ V ( 2010-2015).
(HBĐT) - Năm 2009, các điểm du lịch trên địa bàn huyện Kim Bôi đã đón 93.836 lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế là 637 lượt người, khách nội địa là 93.119 lượt người. Tổng doanh thu đạt 18.767,2 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước là 3.753,4 triệu đồng
(HBĐT) - Năm 2009, huyện Lạc Thủy có mức tăng trưởng kinh tế đạt 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,5 triệu đồng/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,92%.
Đáp ứng nhu cầu của bà con Việt Kiều đón Tết nguyên đán Canh Dần với những hương vị quê nhà, thời gian qua, Công ty TNHH TM – DV Nhật Phan (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) tổ chức xuất khẩu xí muội gừng, me, chanh, tắc mang thương hiệu Ngon sang Hoa Kỳ và Australia. Bình quân, hai tấn/tháng.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý đưa dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào danh mục vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) kế hoạch 2010 - 2011.
Sự chưa rõ ràng về chính sách tiền tệ đã khiến cả cung và cầu đều yếu. Đây là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán ảm đạm, giá trị giao dịch trên sàn HOSE sáng 25/1 xuống mức thấp nhất 6 tháng qua.