- Cơ chế lãi suất thỏa thuận mở ra đã tháo những nút thắt lưu thông tiền tệ. Nhưng mặt bằng lãi suất bị đẩy lên quá cao, thậm chí đến mức 20% chẳng khác gì chiếc vòng kim cô siết chặt yết hầu các doanh nghiệp (DN).
>>> “Luật” mới cho lãi suất huy động? / Được vay vốn với lãi suất thỏa thuận từ 26/2
Như vậy, mức lãi suất hiện tại đã xấp xỉ thời điểm 2008- năm có lạm phát mạnh. Chỉ có điều, năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp để bình ổn, còn thời điểm này đó là một thực tế mà thị trường phải chấp nhận.
18% chuyện không mới
Ông Nguyễn Thanh Tân – Giám đốc một công ty xuất khẩu đá xây dựng tại Ninh Bình cho biết, ông mới tất toán trước hạn một hợp đồng vay vốn theo đề xuất của ngân hàng để thực hiện một hợp đồng vay mới. Lãi suất thỏa thuận cho hợp đồng vay mới DN phải "gánh chịu" là 18%.
Ông Tân nói, đây là một mức lãi suất khá cao, rất khó cho DN kinh doanh có lãi, ít nhất là đối với các DN kinh doanh khai thác xuất khẩu đá xây dựng. Tuy nhiên, ông Tân cho biết, thực chất con số 18% này lại không có gì mới, vì trong hợp đồng trước đây, lãi suất chính thức chỉ là 12% nhưng cộng cả các khoản phí thì cũng lên đến gần 18%. Ký lại hợp đồng là vì các ngân hàng yêu cầu làm lại hợp đồng cho khỏi phạm luật, còn lãi suất cao không phải là điều mới.
DN kêu lãi suất cao như thời lạm phát 2008. (Ảnh; VNN) |
Trong khi đó, ông Quang Bình Giám đốc một DN kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội cho biết, tháng trước, khi ông đặt vấn đề vay vốn, nhân viên ngân hàng lắc đầu không cho vay dù tính toán lại thì chi phí vốn cũng lên đến 17% với lãi suất chính thức 12% cộng với các khoản phí khác. Bây giờ cũng nhân viên đó đang đến mời ông vay vốn với lãi suất 18%.
Ông Bình nói, thực tế, trước khi có lãi suất thỏa thuận, thì hầu như không có bất cứ một DN nào vay được vốn với lãi suất theo đúng quy định. Các ngân hàng đã áp dụng nhiều cách như thu phí, tăng giá dịch vụ để đẩy lãi suất lên cao hơn. Mức lãi suất phổ biến là 16–18%. Lãi suất cao nhưng vẫn khó vay, vì ngân hàng rất dè dặt với cách làm phạm luật này.
Ngay sau khi được cho vay theo lãi suất thỏa thuận, hàng loạt ngân hàng đã mở rộng việc cho vay vốn. Lãi suất được hợp pháp hóa và đẩy lên một chút, vào khoảng 18-19%/năm. Tuy nhiên, bây giờ ngân hàng dễ cho vay hơn nên DN cũng dễ tiếp cận vốn hơn. Hóa ra, quyết định của Ngân hàng Nhà nước dù được nhìn nhận là một sự thay đổi lớn về chính sách nhưng trên thực tế chỉ giúp hợp thức hóa chuyện “lách luật” của ngân hàng.
Trao đổi gần đây, nhân viên kinh doanh SHB cho biết, tại SHB, mức lãi suất cho vay thỏa thuận trung và dài hạn hiện chủ yếu từ 15%-16%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp, từ 16%-18%/năm đối với cho vay cá nhân tiêu dùng. Đây cũng là mức lãi suất phổ biến được các ngân hàng khác như Seabank, An Bình cho biết khi áp dụng với các DN hiện nay.
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh hiện nay ở mức 12%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn theo cơ chế thỏa thuận khoảng 14-15%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, khoảng 15-17%/năm đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, cá biệt có một số ngân hàng quy mô nhỏ cho vay với lãi suất khá cao, khoảng 18-20%/năm.
Vượt 20% không hiếm
Anh Nguyễn Thanh Hoàng – Hà Nội cho biết, anh có nhu cầu vay một khoản tiền 300 triệu trong khi sổ tiết kiệm chưa đến kỳ rút. Cách nhanh nhất được các ngân hàng tư vấn là thế chấp sổ tiết kiệm để được vay khoản tiền đó theo cách vay tiêu dùng thông qua tài khoản thẻ.
Thấy nhanh gọn, anh Hoàng đồng ý nhưng đến khi nhìn vào lãi suất đề xuất anh giật mình khi nó lên đến 22%/năm. Từ chối vay, anh được nhân viên ngân hàng cho biết, đây là mức phổ biến ở tất cả ngân hàng hiện nay.
Tuy nhiên, mức lãi suất này chưa phải là “khủng nhất”, bởi vì, khi đặt vấn đề vay tiêu dùng qua thẻ thì hầu hết các ngân hàng cổ phần cho biết, mức 22% là mức phổ biến của cho vay tiêu dùng cá nhân.
Thậm chí, mới đây, một số ngân hàng không ngần ngại tuyên bố, lãi suất cao nhất của họ trong cho vay tiêu dùng lên đến 30%. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít. Và chính các ngân hàng cũng rất ngại cho vay những khoản này vì các khoản vay này luôn bị liệt vào diện rủi ro cao.
Tuy nhiên, mức lãi suất trên 20% này không chỉ áp dụng cho các cá nhân mà rất nhiều DN hiện nay đang phải gánh chịu lãi suất cao khủng khiếp này cho chính các hợp đồng vay vốn kinh doanh.
Lãi suất trên 20%, DN dám không vay vì không còn lãi. (Ảnh: VNN) |
Theo ông Hoàng Minh, Giám đốc Công ty dịch vụ Bất động sản Đức Minh (Hà Nội), công ty ông không đủ sức làm các dự án lớn nên thường chỉ tham gia góp vốn làm cùng các chủ đầu tư khác. Mới đây, khi đã phải thế chấp hết nhà cửa và tài sản để vay thêm 12 tỷ đồng để góp vốn kinh doanh một dự án bất động sản ở Hà Tây (cũ), DN của ông đã phải cắn răng chịu mức lãi suất 21%.
Xót ruột, ông Minh nói, trước đây, khi nói đến lãi suất 21% thì tưởng như chỉ xảy ra ở thời kỳ khủng hoảng thanh khoản ngân hàng năm 2008, nhưng bây giờ nó là phổ biến. Rất nhiều DN nhỏ, kinh doanh dịch vụ, nhất là trong các lĩnh vực được ngân hàng cho là “nhạy cảm” thì lãi suất trên 20% là điều dường như phải chấp nhận. Các ngân hàng có đủ lý do để giải thích, DN nào cần phải cắn răng vay rồi tìm cách trả sớm để thoát nợ.
Siết cổ DN
Với tình hình lãi suất hiện nay, chính sách lãi suất mới có thể giúp tháo gỡ nút thắt khó tiếp cận vốn của DN nhưng lại đẩy DN vào khó khăn mới là lãi suất cao, kinh doanh không có lãi.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từng nhận định, thay vì Ngân hàng Nhà nước có quyết định nâng lãi suất cơ bản lại đưa ra quyết định cho vay theo lãi suất thoả thuận. Hiện tại, với mức lãi suất 17 đến 18% là có nhiều doanh nghiệp đã không thể kinh doanh nổi. Vì trước đó, đang ở mức lãi suất 6,5% rồi tăng bất ngờ lên 12% đã là một mức quá cao. Trong khi, các DN không còn được hưởng gói hỗ trợ lãi suất 4% năm của Nhà nước nữa. Đây sẽ là khó khăn lớn cho nhiều DN trong năm 2010.
Nếu vay mà hoạt động không có kết quả thì không vay, đồng nghĩa với sa thải nhân viên, sản xuất cầm chừng hoặc đình trệ, trong kinh tế gọi là suy trần. Tức là không có tăng trưởng, nền kinh tế không phát triển được. Mặt khác, khi vay vốn tăng dẫn tới đầu vào sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng… sẽ là con đường đưa tới lạm phát.
Thực tế này đang đặt DN trước nhiều vấn đề đau đầu, năm 2010, hầu hết các ưu đãi đã cắt bỏ, lãi suất lại tăng lên... tức là cùng một lúc chịu hai sức ép tăng chí phí. Đó chưa kể đến việc giá nguyên liệu đầu vào tăng lên.
Thậm chí, ông Hồ Minh Sơn – Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Minh – Hà Nội than thở, Nhà nước nói chưa đáng lo lạm phát nên lãi suất cơ bản chưa tăng. Sắp tới lạm phát tăng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản. Dù theo lãi suất thỏa thuận nhưng các ngân hàng chắc chắn sẽ lấy cớ đó để tăng lãi suất lên nữa. Lãi suất hiện nay đã là khó lắm rồi, nếu lên nữa đúng là siết cổ doanh nghiệp.
Theo Vietnamnet
Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình là điều dễ xảy ra đối với Việt Nam hiện nay, làm thể nào để vượt qua thách thức này là nội dung chính của cuộc Hội thảo khoa học quốc tế "Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam" vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng (18/3).
Vụ việc hàng loạt các hãng xe ôtô ở nhiều nước phải triệu hồi xe (recall) để khắc phục, sửa chữa thời gian gần đây, khiến người tiêu dùng tại VN đặc biệt lo ngại.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, quy mô kiểm toán trong năm 2010 tăng không quá 10% so với năm trước; với việc tập trung đánh giá hiệu quả gói kích cầu, chống suy giảm kinh tế.
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND về Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2010 – 2015 tỉnh Hoà Bình. Đây không những là cơ chế quan trọng giúp người chăn nuôi giảm bớt áp lực tài chính trong quá trình đầu tư mà còn là định hướng mũi nhọn của tỉnh ta trong chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp.
(HBĐT) - Trong tháng 2, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức sôi động với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng phục vục cho dịp Tết Nguyên đán.
Hoạt động huy động vốn đang có nhiều thay đổi, trong đó ngân hàng (NH) khuyến khích người dân gửi dài hạn nhưng lại thoải mái cho rút trước hạn.