Nông dân xã Quy Hậu sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH đầu tư thâm canh cây lúa.
(HBĐT) - Từ khi Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Lạc ra đời, người nghèo đã bớt đi gánh nặng về vốn. Nhờ triển khai huy động vốn và cho vay có hiệu quả, hoạt động của ngân hàng đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn, hàng ngàn hộ đã thoát nghèo, tổ chức sản xuất - kinh doanh, từng bước nâng cao cuộc sống, hoà nhập cộng đồng.
Cung ứng vốn đến tận tay người nghèo
Theo chân cán bộ tín dụng, chúng tôi đến xóm Bái Trang 2, xã Đông Lai. Rót chén nước mời khách, chị Bùi Thị Yển tâm sự: Gia đình chị có 6 khẩu, trước đây là hộ nghèo trong xóm, do đông con, diện tích ruộng ít lại hay ốm đau nên cái nghèo đói mãi đeo bám gia đình chị. Từ năm 2006, gia đình chị vay 6 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư vào 4.000 m2 vừa trồng lúa, vừa trồng sắn và đào ao thả cá. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị đã dần thoát nghèo, có của ăn của để. Năm 2007, gia đình chị vay tiếp 19 triệu đồng cho con trai lớn đi xuất khẩu lao động ở Malaixia làm nghề cơ khí. Mấy tháng gần đây, con trai chị đã gửi tiền về được khoảng hơn 30 triệu đồng. Gia đình chị thực hiện trả lãi đều đặn, đến tháng 7 này là hết hạn sẽ trả hết gốc và vay tiếp để lo cho con trai thứ đi xuất khẩu lao động. Anh Bùi Văn Niên, Tổ trưởng tổ vay vốn cho biết: Tổ Bái Trang 2 có 43 hộ vay vốn của NHCSXH với dư nợ là 358.600.000 đồng trên 5 kênh hộ nghèo, học sinh, sinh viên, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường và hộ sản xuất vùng khó khăn. Các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện trả lãi đúng kì hạn, cá biệt có một số hộ đặc biệt khó khăn, nhiều lần tổ trưởng phải đứng ra trả lãi hộ hoặc gia hạn nợ.
Anh Đỗ Xuân Trường, cán bộ tín dụng tâm sự: Có đi mới thấy được người nghèo cần vốn đến thế nào. Thời gian đầu, bình quân mỗi hộ được vay 300 - 500 nghìn đồng, sau đó mức cho vay đã được nâng lên 3 triệu đồng/hộ. Trong quá trình đó, nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của việc cho vay vốn với suy nghĩ: liệu việc đưa một lượng vốn quá ít ỏi cho hộ nghèo có giúp họ thoát nghèo hay chỉ là "Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống"? Thực tế đã cho thấy, với số tiền được vay, cùng với số tiền tích cóp từ trước, một số hộ ở các xã đã tậu được bò về nuôi. Nhờ đó, cuộc sống của người nghèo dần được nâng lên, mức sinh hoạt dần được cải thiện.
Thực hiện dân chủ, công khai trong công tác triển khai cho vay vốn, thời gian qua, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã đến đúng đối tượng được vay. Đến cuối năm 2009, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo là 71.564 triệu đồng, với 10.555 hộ dư nợ. Có được kết quả ấy là nhờ ngân hàng đã triển khai tốt công tác giải ngân. Phần lớn vốn được chuyển đến hộ nghèo bằng việc cho vay uỷ thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Cả huyện có 304 tổ tiết kiệm và vay vốn với 615 thành viên tham gia. Việc cho vay uỷ thác qua các tổ chức, đoàn thể không những tạo thêm kênh dẫn vốn đến với người nghèo mà còn tận dụng được nguồn nhân lực và mạng lưới hoạt động rộng khắp của các đoàn thể. Cán bộ hội là người hiểu rõ nhất về người vay, có điều kiện giám sát chặt chẽ, bảo đảm nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Nâng cao việc sử dụng vốn vay cho người nghèo
Hết quí I/2010, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Tân Lạc đạt 94.284 triệu đồng. Song song với hoạt động cho vay hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Tân Lạc đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhằm thực hiện tốt Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm không được để bất kỳ học sinh, sinh viên nào bỏ học vì lý do thiếu tiền. Trong đó dư nợ cho vay học sinh sinh viên đạt 15.669 triệu đồng, có hơn 2.000 học sinh sinh viên được làm thẻ miến phí. Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm cũng có nhiều tiến bộ. Dư nợ cho vay đạt 3.739 triệu đồng. Hiện đang có 850 dự án chương trình sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm cho 2.000 lao động. Nguồn vốn từ chi nhánh đã giúp bà con tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều hộ gia đình, giúp họ thoát khói đói nghèo, hướng tới cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu.
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo cho vay vốn xuất khẩu lao động với quan điểm là phấn đấu không để người lao động thuộc đối tượng chính sách không đi xuất khẩu được vì thiếu vốn. Chương trình tín dụng cho vay vùng khó khăn đặc biệt được quan tâm với dư nợ trên 20 tỉ đồng. Dư nợ cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt trên 6 tỉ đồng...
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Tân Lạc cho biết: Trong thời gian tới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho người nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội Tân Lạc sẽ nỗ lực hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới cơ chế nghiệp vụ cho vay, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách về phương thức sản xuất, mở rộng ngành nghề, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với những người nghèo, ngân hàng thực sự là nơi nâng đỡ cho những kế hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Mấy ngày gần đây, thay vì nói về giá vàng, giá đất... người dân quan tâm nhiều đến lịch cắt điện luân phiên. Có lẽ do điện đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện nay nhất là trong khi thời tiết đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp, xây nhà đã được ban hành, nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận vốn.
Ba ngày nay, tỷ giá thị trường tự do rục rịch tăng giá và tiếp đó là xuất hiện dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phá giá VND thêm 4% trên một hãng tin nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất.
(HBĐT) - Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án ODA đang thực hiện với tổng mức đầu tư 792,64 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 394,829 tỷ đồng, vốn ODA viện trợ là 253,164 tỷ đồng, vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 144,647 tỷ đồng.
(HBĐT) - Đó là mong muốn chung của gần 300 hộ dân ở các xóm Vín Thượng, Vín Hạ, xóm Hương Hoà và chính quyền xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn trước tình hình hạn hán kéo dài do ảnh hưởng từ việc xây dựng, nâng cấp hồ chứa nước tại xóm Vín Thượng.