Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân xung quanh câu chuyện “Làm thế nào để khuyến khích người VN ưu tiên dùng hàng VN?” trong cuộc trò chuyện với nhà báo Kim Hạnh. Tuổi Trẻ xin giới thiệu với bạn đọc.
Người dân miền núi Lạng Sơn nghe hướng dẫn sử dụng bếp gas mini của Namilux (ảnh chụp tại chương trình Bán hàng nông thôn từ 22 đến 25-4 tại Lạng Sơn) - Ảnh: Q.Chương |
Theo tôi, đến ba tác nhân có tính chất quyết định là: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong thể chế thị trường, người tiêu dùng có quyền quyết định chọn mua hàng gì, mẫu mã ra sao, giá cả thế nào; còn doanh nghiệp phải tìm cách đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ. Tuy nhiên, khởi đầu mọi chuyện lại là Nhà nước.
Xác định lại cơ cấu thị trường
Khâu đầu tiên trong vai trò Nhà nước là chọn lựa mô hình phát triển, trong đó có chuyện chọn thị trường ưu tiên. Gần 30 năm qua kể từ ngày phát động công cuộc đổi mới, Nhà nước ta đã dành ưu tiên cao cho lĩnh vực xuất khẩu.
Điều này cũng dễ hiểu vì tuy dân số, tức dung lượng thị trường trong nước, khá lớn song thu nhập của các tầng lớp dân cư còn quá thấp nên muốn đẩy mạnh sản xuất thì phải vươn ra thị trường thế giới.
Thể theo chủ trương đó, mọi chính sách vĩ mô về thuế suất, lãi suất, tỉ giá... đều dành ưu ái cho mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu. Trong hoàn cảnh ấy các doanh nghiệp lao vào lĩnh vực xuất khẩu, bỏ trống thị trường trong nước là lẽ đương nhiên. Nay muốn khuyến khích dân ta ưu tiên dùng hàng của ta thì khâu đầu tiên là xác định lại cơ cấu thị trường.
Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy thị trường bên ngoài khá đỏng đảnh; sau cơn suy thoái, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng ở mọi quốc gia, nhiều nước điều chỉnh thị trường, quay về thị trường trong nước.
Trong bối cảnh ấy cần điều chỉnh lại cơ cấu thị trường, giảm bớt sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường bên ngoài, chú trọng hơn tới thị trường trong nước. Điều đó không có nghĩa là chúng ta quay về chính sách đóng cửa, tự cung tự cấp, bài ngoại... mà chỉ là tìm ra một mối tương quan hợp lý giữa hai loại thị trường.
Nếu Nhà nước quyết định như vậy thì điều tất yếu là phải điều chỉnh các chính sách thuế, lãi suất, tỉ giá, giá đất... cho phù hợp. Dường như những sự điều chỉnh như vậy chưa rõ nét lắm. Đó là chưa kể những ách tắc về giao thông, thủ tục, lệ phí, kể cả lệ phí cầu đường...còn gây nhiều khó khăn đối với hoạt động nội thương.
Rỉ rả mới hiệu quả
Các doanh nghiệp đương nhiên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chủ trương khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Ai cũng biết trong thể chế thị trường “cầu”, ở đây là người tiêu dùng, quyết định “cung”, nghĩa là người sản xuất kinh doanh.
Để làm ra cái người ta cần thì khâu đầu tiên là phải nghiên cứu xem người ta cần gì. Tôi có cảm giác nhiều doanh nghiệp của ta chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu này.
Không nên nghĩ rằng người tiêu dùng Việt Nam dễ tính, từ đó có thái độ được chăng hay chớ. Cách tiếp cận như vậy chỉ mất khách thôi, vả lại cuộc sống ngày càng khá giả thì nhu cầu của họ cũng ngày càng cao.
Có hàng rồi thì khâu tiếp thị và phân phối có ý nghĩa quyết định. Ta thường quan tâm tới những chiến dịch tiếp thị rầm rộ: những triển lãm, hội chợ hoành tráng, các đoàn xe quảng cáo, tiếp thị ồn ào.
Thú thật tôi không tin vào hiệu quả của cái kiểu “ra quân”, “chiến dịch”, “phong trào”, “tháng nọ, tháng kia” là những phương cách có thể hợp với thời chiến và vận động chính trị, còn trong buôn bán cái rỉ rả, kiên trì, liên tục mới có thể đem lại hiệu quả.
Ở châu Phi, những người tiếp thị Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... gùi hàng trên vai đi sâu vào từng làng, từng bản, từng bộ lạc giới thiệu hàng hóa, làm thổ dân quen dần với hàng hóa của mình mới ăn tiền.
Để bảo hộ hàng trong nước, ở Nhật Bản người ta quy định đồ điện dùng trong nước bao giờ cũng tốt hơn hàng xuất khẩu và chỉ có thể dùng được với điện thế 100V; hệ thống phân phối của họ rất tinh vi, hàng bên ngoài rất khó xâm nhập.
Trong khi đó hệ thống phân phối ở ta quá sơ sài, tự phát, một số doanh nghiệp thậm chí cố níu giữ độc quyền; đó là chưa kể tình trạng “quân ta đánh quân mình" khá phổ biến.
Than vãn chẳng ích gì!
Còn nhân vật quan trọng nhất là người tiêu dùng ở ta thì sao? Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm vì 86 triệu người dân là 86 triệu người tiêu dùng với những nhu cầu và khả năng rất khác nhau.
Hiện nay phổ biến ý kiến cho rằng người Việt ta sính ngoại, chơi ngông, làm ít, tiêu xài sang. Có lẽ điều này chỉ đúng với một bộ phận dân đô thị mới phất lên mà thôi, còn đại đa số người tiêu dùng chỉ cần hàng rẻ, tốt, bắt mắt.
Muốn người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên mua hàng Việt Nam chỉ có ba cách: một là, hàng phải tốt, rẻ, hợp thị hiếu; hai là, có hệ thống tiếp thị, phân phối thuận lợi và ba là, mỗi người dân và toàn xã hội, các phương tiện truyền thông phải khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
Sang Hàn Quốc tôi chẳng thấy ở đâu quảng cáo bằng tiếng Anh cả, rặt tiếng Hàn, nếu có tiếng Anh chỉ ghi chú nhỏ; người Hàn Quốc chỉ dùng hàng Hàn Quốc dù họ sinh sống ở đâu (ở Việt Nam họ vẫn mua và ăn hàng Hàn Quốc, trong các cửa hiệu Hàn Quốc).
Còn ở ta khắp nơi, kể cả nhưng nơi hẻo lánh, cũng trương bảng bằng tiếng Anh, nhiều khi sai chính tả, bất chấp dân địa phương chẳng ai biết tiếng Anh!
Gần đây ở ta lan truyền một câu khá giật gân: “Ta thua ngay trên sân nhà”. Lời ta thán đó phản ánh nỗi lo về sức cạnh tranh yếu kém của mình, song tôi thấy không hoàn toàn đúng và không có lợi. Dù còn không ít yếu kém, khuyết tật song Việt Nam đã trở thành “cường quốc” về gạo, hải sản, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, may mặc đấy chứ có thua đâu?
Bên cạnh đó có đội bóng nào thắng được nếu trước khi ra sân cứ đinh ninh mình sẽ thua.
La lối, than vãn chẳng đem lại điều gì tốt đẹp cả. Cách tốt nhất là Nhà nước, doanh nghiệp và mỗi người dân hãy làm đúng bổn phận của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp, mặt hàng và loại hình dịch vụ!.
Theo Báo Nhandan
(HBĐT) - Trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực xúc tiến ngành nghề thủ công phục vụ phát triển KT-XH ở nông thôn Việt Nam” được triển khai tại tỉnh Hoà Bình từ năm 2008 – 2011 do JICA tài trợ, mô hình chế biến chè Shan tuyết sẽ được thực hiện tại xã Pà Cò, huyện Mai Châu với tổng kinh phí gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ từ JICA trên 1,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của địa phương trên 264 triệu đồng, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp khoảng 500 triệu đồng.
(HBĐT) - Mấy ngày gần đây, thay vì nói về giá vàng, giá đất... người dân quan tâm nhiều đến lịch cắt điện luân phiên. Có lẽ do điện đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện nay nhất là trong khi thời tiết đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Chính sách hỗ trợ mua sắm máy móc, vật tư nông nghiệp, xây nhà đã được ban hành, nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận vốn.
Ba ngày nay, tỷ giá thị trường tự do rục rịch tăng giá và tiếp đó là xuất hiện dự báo cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ phá giá VND thêm 4% trên một hãng tin nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ phát triển đất.
(HBĐT) - Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 17 dự án ODA đang thực hiện với tổng mức đầu tư 792,64 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 394,829 tỷ đồng, vốn ODA viện trợ là 253,164 tỷ đồng, vốn đối ứng của Trung ương và địa phương là 144,647 tỷ đồng.