Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 21 (ALMM) và các hội nghị trù bị vừa diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, do Việt Nam, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN năm 2010 đăng cai tổ chức, phóng viên Báo Nhân Dân đã gặp gỡ một số đại biểu quốc tế để tìm hiểu những kinh nghiệm của các nước ASEAN và đối tác trong hoạt động xuất khẩu lao động, khai thác nhân lực lao động để vượt qua suy thoái kinh tế. Sau đây là một số ý kiến của các đại biểu.
Bộ trưởng Nhân lực Xin-ga-po Gan Kim Dâng:
Xin-ga-po khuyến khích tuyển dụng những lao động có trình độ cao
Ðây là một hội nghị hết sức quan trọng, là nơi để các lãnh đạo ASEAN bàn về những khó khăn của vấn đề lao động cũng như tìm cách giúp nhau nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động và môi trường lao động, hiểu được sự đa dạng về lao động của mỗi nước cũng như biết các mối quan tâm của họ trong lĩnh vực này. Tôi tin tưởng, Hội nghị sẽ giúp nâng cao năng lực cho lực lượng lao động ASEAN.
Xin-ga-po khuyến khích tuyển dụng lao động có trình độ cao từ các nước khác đến làm việc. Chúng tôi có chiến lược khuyến khích những sinh viên nước ngoài đến Xin-ga-po học tập và chúng tôi đào tạo họ thành những lao động có tay nghề cao làm việc cho Xin-ga-po. Cho đến nay, chất lượng lao động của sinh viên Việt Nam ra trường và làm việc tại Xin-ga-po là rất tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược đào tạo học sinh, sinh viên Việt Nam trở thành những lao động trí thức, có tay nghề cao.
Nền kinh tế khu vực đang dần hồi phục và phát triển. Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh khả năng sản xuất cũng như trình độ của lực lượng lao động. Chúng tôi đưa ra những biện pháp khuyến khích các công ty đầu tư sản xuất, phát triển những sản phẩm, dịch vụ mới nhằm tăng giá trị gia tăng, giúp nền kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.
Thứ trưởng Lao động và Nguồn nhân lực Phi-li-pin N. Ðe-va-na-de-ra:
Phi-li-pin ưu tiên đào tạo tiếng Anh và kỹ năng cho người lao động
Phi-li-pin hiện có tám triệu lao động đang làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ giải quyết được lượng lao động dư thừa ở trong nước, lực lượng này còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Phi-li-pin khi mỗi năm mang về khoảng 14 tỷ USD. Nhiều quốc gia đánh giá cao lao động Phi-li-pin vì họ có khả năng giao tiếp tốt. Chúng tôi ưu tiên hàng đầu việc đào tạo tiếng Anh, tiếp đến là kỹ năng cho lao động trước khi đưa họ ra nước ngoài làm việc để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng giáo dục người lao động, giúp họ thấy rằng chất lượng lao động luôn là yếu tố quan trọng nhất và được đánh giá cao nhất. Người lao động cần có khả năng thích ứng tốt đối với các môi trường làm việc khác nhau.
Người lao động Phi-li-pin ra nước ngoài làm việc ở mọi lĩnh vực từ ngành đòi hỏi trình độ cao tới các loại hình lao động giản đơn. Làm thế nào để có thể xuất khẩu một đội ngũ lao động có kiến thức và trình độ đa dạng như vậy? Trong lĩnh vực dễ bị tổn thương mà phụ nữ và các lao động không có tay nghề thường làm việc, chúng tôi đều tổ chức các khóa đào tạo. Các học viên tham gia khóa học này phải đạt trình độ nhất định mới được ra nước ngoài làm việc. Chúng tôi có chương trình dài hạn và ngắn hạn hướng dẫn họ cách hoàn thành các công việc của mình, đồng thời, đề cập các vấn đề mà người sử dụng lao động trông đợi từ người lao động. Mạng lưới các cơ quan quản lý lao động xuất khẩu của chúng tôi ở nước ngoài được tổ chức chặt chẽ, nhiệt tình tìm công việc mới cho người lao động cũng như quảng bá về chất lượng lao động của chúng tôi.
Bộ trưởng Lao động Ma-lai-xi-a X. Xu-bra-ma-ni-a:
Lao động Việt Nam làm việc hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Ma-lai-xi-a
Hợp tác lao động giữa Ma-lai-xi-a và Việt Nam rất tốt đẹp. Hiện có 74 nghìn người Việt Nam lao động tại nhiều công ty ở Ma-lai-xi-a. Họ làm việc rất hiệu quả, đóng góp nhiều trong việc phát triển kinh tế cho Ma-lai-xi-a. Vì vậy, Chính phủ Ma-lai-xi-a luôn bảo đảm quyền lợi, bảo vệ và tạo môi trường làm việc tốt cho họ. Chúng tôi hy vọng hợp tác lao động giữa Ma-lai-xi-a và Việt Nam tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Nhu cầu về nhân lực tại Ma-lai-xi-a phụ thuộc vào nguồn cung, nhu cầu và tình hình kinh tế. Ma-lai-xi-a hiện có 1,8 triệu lao động đến từ nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là từ các nước ASEAN. Việt Nam là một trong những nước có nguồn cung cấp nhân lực lao động dồi dào và vẫn giữ được vị thế đó. Do đó, khi những công ty tại Ma-lai-xi-a yêu cầu được cung cấp người lao động, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyển người lao động Việt Nam. Thời gian tới, Ma-lai-xi-a hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam trong việc trao đổi lao động tay nghề cao, quản lý lao động chặt chẽ hơn.
Tại Hội nghị ALMM-21 Ma-lai-xi-a đưa ra sáng kiến giúp nâng cao kỹ năng cho người lao động. Chúng tôi tìm hiểu các cơ hội hợp tác nhằm phát triển năng lực cho người lao động, cũng như quản lý lao động nói chung, khi mà ASEAN tiến tới hình thành một cộng đồng chung vào năm 2015. Nâng cao chất lượng lao động là một ý tưởng hay, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế. Các nước ASEAN đã bàn bạc những chương trình hợp tác thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng nhân lực lao động để có thể vượt qua khó khăn.
Thứ trưởng Lao động Hàn Quốc Li Chê Pin:
Lao động Việt Nam được ưa chuộng ở Hàn Quốc
Hợp tác lao động giữa các nước ASEAN là một quá trình lâu dài. Tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN và các đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản lần này, Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm về hướng nghiệp và đào tạo cho lực lượng lao động với các nước thành viên ASEAN. Ðây là những kinh nghiệm về nguồn nhân lực mà nhờ đó chúng tôi đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Tôi có thể nói rằng, đó là tính sáng tạo, mọi người tự nguyện tham dự hoạt động này. Thêm vào đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng có nhiều biện pháp khuyến khích lao động.
Người lao động Việt Nam chăm chỉ và có trình độ cao, vì thế những người sử dụng lao động tại Hàn Quốc thích tuyển dụng người lao động Việt Nam. Hiện có nhiều người Việt Nam làm việc ở Hàn Quốc. Tôi hy vọng, Việt Nam tiếp tục duy trì được chất lượng lao động cao trong tương lai. Mặc dù Quốc hội Hàn Quốc đang triển khai việc giảm lượng lao động nước ngoài, song do người lao động Việt Nam làm việc tốt, cho nên vẫn duy trì số lượng lớn tại Hàn Quốc.
Theo Báo Nhandan
Chỉ có 3 trên tổng số 39 thanh tra chuyên về dược phẩm tại TPHCM có bằng dược sĩNgày 25-5, đoàn giám sát Ban Văn hóa Xã hội HĐND TPHCM đã làm việc với Sở Y tế TP nhằm tìm giải pháp hữu hiệu giải quyết sự bất ổn thị trường dược phẩm, những bất cập của ngành y tế hiện nay.
(HBĐT) - Trung tâm Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh) được thành lập từ tháng 3/2004. Sau đó, để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế và nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho hội viên nông dân thông qua công tác dạy nghề, từ tháng 4/2008, Trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (TT DN&HTND).
(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi cục thuế huyện Lạc Thuỷ, đến giữa tháng 5/2010, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt trên 10,2 tỉ đồng, đạt 66% so với dự toán pháp lệnh, đạt 60,5% so với dự toán phấn đấu, đạt 50,9% so với dự toán HĐND huyện giao và đạt 233,5% so với cùng kỳ năm 2009.
(HBĐT) - Từ một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi, những năm gần đây, diện mạo của Trung Sơn (Lương Sơn) đã có nhiều khởi sắc. Sản xuất CN-TTCN và hoạt động dịch vụ từng bước được mở mang không chỉ tạo bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp mà còn giúp người dân từng bước thay đổi thói quen, tập tục và định hướng ngành nghề trước mắt cũng như lâu dài.
Không kể "cơn sốt" thổi bùng giá USD nhanh chóng bị dập tắt vào đầu tháng 5/2010 thì tiền đồng (VND) có vẻ đang lên giá. Nhưng đó khó có thể là xu thế khi USD tăng giá không những là sức ép khách quan mà còn là ý muốn chủ quan trong điều hành để hỗ trợ xuất khẩu.
So với tháng 4/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2010 vẫn tăng nhẹ, với mức tăng là 0,27%, Tổng cục Thống kê vừa công bố chiều 24/5.