Triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung, từng bước thay thế gạch đất sét nung, cần có những bước đột phá, về đầu tư công nghệ thiết bị, nhất là trong khâu tiếp cận các công trình xây dựng và thay đổi thói quen sử dụng vật liệu nung thông thường.
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, được Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 đến 25% vào năm 2015, và đạt 30 đến 40% vào năm 2020; hằng năm sử dụng khoảng 15 đến 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) để sản xuất VLXKN, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Chính phủ cũng yêu cầu tăng dần sử dụng VLXKN cụ thể: Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sử dụng tối thiểu 30% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây, đồng thời khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng VLXKN khác có độ rỗng lớn hơn 30% và VLXKN loại nhẹ. Ngoài ra, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN nhẹ và sản xuất gạch xi-măng - cốt liệu công suất từ bảy triệu viên quy chuẩn/năm trở lên còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc Chương trình Cơ khí trọng điểm...
Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển lĩnh vực sản xuất VLXKN. Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc cho biết, các doanh nghiệp (DN) sản xuất VLXKN hoặc chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất VLXKN sẽ được hưởng ưu đãi về thuế như: Ðược áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, miễn thuế thuê đất bốn năm, ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu, hỗ trợ vay vốn, mặt bằng đầu tư. Bộ Xây dựng cũng có kế hoạch hỗ trợ DN đầu tư sản xuất VLXKN bằng các giải pháp hoàn thiện công nghệ sản xuất trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Ðồng thời cam kết rà soát, xem xét hoàn chỉnh và sớm ban hành đồng bộ các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình, quy phạm hướng dẫn thi công và các định mức kinh tế - kỹ thuật có liên quan đến sản xuất và ứng dụng VLXKN.
Theo số liệu thống kê của Vụ Kiến trúc, quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng), tốc độ đô thị hóa của Việt Nam sẽ tăng từ 25,8% năm 2004 đến hơn 45% năm 2025. Ðiều này đồng nghĩa với nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng nói chung và gạch xây nói riêng, dự báo đến năm 2020 sẽ vào khoảng 42 tỷ viên/năm, cao gấp đôi mức tiêu thụ hiện nay. Nếu quy đổi số lượng gạch xây này thành gạch đất sét nung thì sẽ xâm phạm vào nguồn đất canh tác, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và thải ra một lượng lớn khí thải độc hại. Trước thực tế này, việc phát triển vật liệu không nung là cần thiết nhằm từng bước thay thế gạch đất sét nung, hướng tới quy hoạch tổng thể ngành vật liệu xây dựng phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các DN trong nước hiện chưa bắt nhịp được với xu thế mới này bởi nhiều nguyên nhân, trong đó việc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Các công trình trong nước ít sử dụng loại vật liệu này vì phụ thuộc nhiều quy định phức tạp, thiếu những quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật dẫn tới khó khăn cho hoạt động thanh toán, quyết toán. Trong khi đó, các công trình lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân như: Keangnam Hanoi Landmark Tower, Hà Nội Hotel Plaza, Làng Việt kiều châu Âu - Hà Ðông, Habico tower, Khách sạn Horison... lại luôn ưu tiên sử dụng gạch không nung. Hơn nữa, tâm lý e dè trong việc đầu tư sản xuất VLXKN vẫn còn. Phần lớn DN trong nước vừa sản xuất vừa chuyển giao công nghệ nên xảy ra hiện tượng chồng chéo trong chiến lược phát triển cũng như quy mô sản xuất. Chỉ một số ít DN do đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư nước ngoài, tư nhân mới mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện nay, một số công ty đang tích cực đầu tư xây dựng các dây chuyền sản xuất gạch bê-tông khí chưng áp (AAC) như: nhà máy ở Long An của Công ty CP gạch khối Tân Kỷ Nguyên, và hàng loạt dự án của Công ty Sông Ðà 12 và Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera). Tổng Giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Viglacera chủ trương đầu tư một nhà máy sản xuất bê-tông khí để ứng dụng vào các công trình xây dựng của Tổng công ty cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Gạch khối Tân Kỷ Nguyên Phan Hoài Thanh cho biết công ty vừa lắp đặt xong dây chuyền sản xuất gạch bê-tông khí chưng áp và bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm dưới tên gọi E-Block vào cuối tháng 5 với công suất khoảng 100.000 m3/năm, đồng thời chuẩn bị kế hoạch lắp đặt tiếp dây chuyền thứ hai, công suất 350.000 m3/năm trong năm 2011.
Với những ưu điểm đã được kiểm chứng của VLXKN như: nhẹ, chống ẩm, chống âm tốt..., hiện nay, phần lớn VLXKN đang được sử dụng tại các công trình cao tầng, trong khi đó tỷ lệ sử dụng trong nhà ở dân cư còn thấp. Các DN tại các địa phương muốn đầu tư sản xuất VLXKN cần tính toán quy mô sản xuất hợp lý, đồng thời nghiên cứu kỹ đối tượng khách hàng kết hợp với công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Ðiều quan trọng nữa là từng bước xóa bỏ hoàn toàn những lò gạch thủ công cũng cần có lộ trình cụ thể, tạo việc làm mới cho một bộ phận người dân nông thôn thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung đã có từ lâu đời.
Trên thế giới, tỷ lệ sử dụng VLXKN chiếm khoảng 70% thị phần trong khi tỷ lệ này tại nước ta rất thấp, chỉ khoảng 8 - 10%. Với nguồn nguyên liệu sẵn có cũng như những cơ chế chính sách ưu đãi ngành sản xuất VLXKN Việt Nam có điều kiện phát triển. Tính đến nay, cả nước có hơn 800 cơ sở sản xuất VLXKN, tuy nhiên đa số dây chuyền mới chỉ dừng ở mức độ nhỏ, vừa, manh mún. Các sản phẩm nhập khẩu hiện có giá bán quá cao. Vì vậy, việc đẩy nhanh sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm VLXKN là rất cần thiết, vừa đón đầu xu thế phát triển chung của thị trường vật liệu xây dựng, đồng thời tạo thêm một ngành công nghiệp mới đầy tiềm năng.
Theo ND
Hệ thống đèn chiếu sáng, đèn quảng cáo, trang trí của nhiều cơ sở dịch vụ, cửa hàng, trung tâm thương mại… vẫn thoải mái phô sức nóng suốt đêm.
Liên quan đến quá trình hậu đấu giá chọn nhà đầu tư tại khu đất hình tam giác rộng hơn 13.000m2 nằm tại vị trí đắc địa thuộc khu vực trung tâm, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xem xét khoản hỗ trợ 1.500 tỷ đồng cho ngân sách của đại diện Liên danh Khánh Gia.
Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm nếu Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền, mạnh tay xử lý ngân hàng thương mại làm rối thị trường
Ngày 2-6, ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng ban Nhôm - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) cho biết, TKV đang làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về lựa chọn hướng tuyến đường bộ phục vụ vận tải công nghiệp nhôm.
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc thừa ủy quyền Thủ tướng đã trình Quốc hội dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 ngày 29-6-2006 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
(HBĐT) - Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp tập trung với quy mô lớn theo hình thức trang trại, cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Đồng thời khi làm kinh tế trang trại, người nông dân cũng sẽ phải nhạy bén hơn với thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Đó chính là tiền đề và động lực của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Và là cơ sở để tỉnh ta xây dựng đề án phát triển kinh tế trang trại đến năm 2015 theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với nền kinh tế hội nhập.