Nông dân xã Hòa Sơn, Lương Sơn trồng rau sạch theo chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
(HBĐT) - Chương trình hành động số 15/CT-TU của Tỉnh uỷ Hoà Bình được đánh giá như một luồng gió mới, một cách nhìn toàn diện về vấn đề “tam nông” (nông nghiệp - nông thôn - nông dân) thời hội nhập. Đây được hy vọng sẽ là “cú hích” đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, người nông dân được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, trên cơ sở đó, vươn lên khá - giàu.
Đột phá từ những điểm yếu
Hoà Bình có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông với hiệu quả sản xuất chưa cao. Bình quân mỗi lao động nông nghiệp chỉ tạo ra 5,2 triệu đồng/năm. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp cao gấp 8,45 lần, làm dịch vụ gấp 3,7 lần. Đồng đất Hoà Bình đa số bạc màu, nghèo dinh dưỡng, tuy hệ số sử dụng đất cao, bà con đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng giá trị thu nhập vẫn thấp. Năm 2006, bình quân mỗi hecta chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng. Trước thực trạng này, các ban, ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành Nông nghiệp được giao nhiệm vụ “kích hoạt” các nhân tố tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục làm tốt hơn việc cải tạo giống cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi mùa vụ, chú trọng đầu tư vào hai thế mạnh tiềm năng của địa phương. Đó là làm kinh tế đồi rừng và nhân rộng những cánh đồng thu nhập cao. Trong phát triển kinh tế đồi rừng, tỉnh đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới 8.000 -8.500 ha rừng, nhưng luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Năm 2009, tỉnh ta trồng mới được 9.500 ha rừng. Nhiều hộ nông dân đã tự bỏ vốn trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với các chương trình như 327, 661 hay các dự án do quốc tế tài trợ, đến nay tỉnh ta đã trồng được trên 60.000 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng lên 45,5%, sản lượng khai thác gỗ hàng năm đạt trên 60.000m3 đem lại thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/ha. Đồng thời cải tạo được gần 40% vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế. Mặt khác, tỉnh khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và nhân rộng những cánh đồng cao. Huyện Lạc Thuỷ là điểm sáng trong phát triển kinh tế trang trại với 202 trang trại hoạt động hiệu quả đem lại thu nhập từ 50-100 triệu đồng/trang trại/năm. Huyện Kim Bôi là điển hình về nhân rộng cánh đồng thu nhập cao với 51 cánh đồng cho thu nhập từ 60-100 triệu đồng/ha/năm.
Với những đột phá như vậy, từ năm 2006 đến nay, sản xuất nông nghiệp bình quân mỗi năm tăng 7,1%, lương thực có hạt đạt trên 32 vạn tấn/năm. Riêng năm 2009, tốc độ tăng trưởng nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 4,14%, cơ cấu nông lâm nghiệp thuỷ sản chiếm 36,7%.
Miễn, giảm thuỷ lợi phí - cú hích đầu tiên
Miễn, giảm thuỷ lợi phí là một trong những chính sách được bà con nông dân ủng hộ. Chính vì vậy, trong khi nông dân các tỉnh “hàng xóm” không mặn mà với ruộng đồng thì ở Hoà Bình hầu như không có một diện tích nào bị bỏ hoang, ngay cả khi có những biến động lớn về thời tiết, giá nông sản. Việc giảm thuỷ lợi phí đã mang lại khí thế lao động mới trên các vùng quê, diện tích sản xuất ngày càng được mở rộng. Năm 2008, Hoà Bình thực hiện miễn thuỷ lợi phí cho toàn bộ nông dân; ưu tiên giải quyết nước tưới cho vùng khó khăn, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh thực hiện tưới tiêu cho 35.000 ha lúa và 50.000 ha hoa màu với kinh phí khoảng 20 tỉ đồng/năm. Chị Trịnh Thị Quế, thôn Gò Mu, xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi cho biết: “Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi có chủ trương xoá thuỷ lợi phí. Được bỏ một loại phí cũng có nghĩa là sản phẩm được tăng thêm một giá trị, nên nông dân rất yên tâm”.
Mặc dù việc miễn giảm thuỷ lợi phí sẽ khiến các công ty quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi gặp khó khăn nhưng theo ông Đinh Quang Long, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT, việc miễn giảm thuỷ lợi phí đã giúp 80% dân số sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi. Ông Long cho rằng: Việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bằng cách miễn giảm thuỷ lợi phí là hết sức cần thiết. Bởi thuỷ lợi phí hiện chiếm đến 1/5 giá trị của một sản phẩm nông nghiệp, vì vậy, việc giảm thuỷ lợi phí rất có ý nghĩa đối với nông dân nghèo, giảm bớt các áp lực trong sản xuất nông nghiệp hiện nay...
“Tam nông” thời hội nhập
Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới ở 4 xã điểm trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, điểm yếu của Hoà Bình khi triển khai Nghị quyết "tam nông", đó là việc kiểm tra, theo dõi phong trào thi đua chưa liên tục. Có địa phương chỉ phát động phong trào mà thiếu biện pháp kiểm tra, đôn đốc, chưa có nội dung và tiêu chí cụ thể trong từng quý nên việc thực hiện Nghị quyết mới dừng lại ở chỗ hô hào, lý thuyết. Công tác đào tạo nghề cho nông dân chưa đáp ứng được nhu cầu; việc xây dựng mô hình nông thôn mới còn chậm.
Do vậy, năm 2010 tỉnh tiếp tục đôn đốc các ban, ngành, địa phương thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại; tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Phấn đấu đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản lên 5%, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 75 triệu đồng/ha/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10%.
Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay để phát triển nông nghiệp hàng hoá ở Hoà Bình là vấn đề tích tụ ruộng đất. Ông Nguyễn Trường Phong, Chủ tịch HND tỉnh cho rằng: “Nếu không tích tụ ruộng đất thì không thể thành sản xuất hàng hoá. Vì vậy, Nhà nước phải có những chính sách về đất đai sát hợp, cụ thể. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để có những nông sản chất lượng cao. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nếu không có sự liên kết thì không có sản xuất hàng hoá, điều đó cũng có nghĩa, người nông dân không thể làm giàu từ đồng ruộng. Do đó cần tổng kết xem hiện nay nông dân đang tích tụ ruộng đất theo hình thức nào. Hình thức tích tụ nào là phù hợp với xu thế thì hợp thức hoá và khuyến khích”.
Dù đây mới chỉ là “bước dạo đầu”, nhưng với tinh thần cởi mở, dành đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, trong những năm tới, nông thôn Hoà Bình sẽ có bước chuyển mới, hoà nhập vững vàng với tiến trình hội nhập.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Huyện Yên Thuỷ hiện có 14 HTX trong đó có 11 HTX dịch vụ điện năng, 1 HTX nông nghiệp, 1 HTX khai thác đá và 1 HTX thương binh. Các HTX có tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh trên 1 tỉ đồng. Tổng số xã viên làm việc trong HTX là 156 người với mức thu nhập bính quân đạt 800.000 đồng/người/tháng.
(HBĐT) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trao đổi với PV HBĐT xung quanh vấn đề phòng chống dịch bệnh cây trồng trong vụ chiêm xuân vừa qua và chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), sau hơn một tháng luật Lacey (Luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác) áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vảo Mỹ có hiệu lực, từ ngày 1/5, không có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị trả lại.
Giá thép giảm mạnh hơn 3 triệu đồng/tấn nhưng hiện sức mua vẫn thấp. Nhiều đại lý thép lỗ nặng do trữ hàng số lượng lớn
Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (NBC) là một trong những doanh nghiệp (DN) hưởng ứng Chương trình "Ðồng hành cùng DN dệt may Việt Nam vì đồng bào biển đảo của Tổ quốc" ngay từ những ngày đầu phát động.
(HBĐT) - Thực hiện đề án “Hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2009 – 2011”, trong năm 2010, Hội Nông dân tỉnh được phân bổ nguồn vốn vay trên 2,74 tỷ đồng cho các huyện, thành phố. Tổng số tiền đối ứng khoảng trên 685 triệu đồng. Ngân sách tỉnh trích trên 190 triệu đồng hỗ trợ lãi suất mua máy, thiết bị.