Trong dịp diễn ra Festival (Liên hoan) hoa Ðà Lạt 2010, nhân trò chuyện với một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, tôi nghe anh nói về xứ sở ngàn hoa Ðà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên, là nơi để người ta tìm đến sau những lo toan bộn bề, để thư giãn và quên đi những ưu phiền của cuộc sống.
Ðà Lạt còn là miền đất hứa hẹn sự phồn thịnh từ một nghề không kém lãng mạn - nghề trồng hoa làm đẹp cho đời và làm giàu cho mình...
Xứ sở ngàn hoa
Với độ cao trên 1.400 mét so với mặt nước biển, khí hậu trung bình quanh năm từ 18 đến 22oC, cảnh quan bát ngát rừng thông và tràn ngập mầu sắc của hàng ngàn loài hoa, Ðà Lạt được xem là một trong những nơi nghỉ dưỡng tốt nhất của vùng Ðông - Nam Á. Nghề trồng hoa không phải xuất phát từ đất này, nhưng thật thú vị, với ưu thế riêng của mình, Ðà Lạt đã làm một cú chuyển đổi ngoạn mục biến vùng đại ngàn sơn cước thành "vương quốc hoa" của cả nước.
Nói về lịch sử nghề hoa Ðà Lạt phải nhắc đến công lao của những nông phu đến từ xứ Bắc. Năm 1938, 33 nông dân từ các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá, Vạn Phúc, Tây Tựu... thuộc tỉnh Hà Ðông (cũ) đã đưa nghề trồng hoa truyền thống đến Ðà Lạt. Tiếp đó, những lưu dân xa xứ đến đây cùng thời với người Hà Ðông từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế,... tập làm quen với nghề trồng hoa. Những làng hoa có lịch sử lâu đời như ấp Hà Ðông, ấp Nghệ Tĩnh, Thái Phiên, Ða Thành, Ða Thiện, Trại Hầm ra đời từ đó. Từ "nghề chơi" quý tộc buổi đầu đó, trải qua quãng thời gian hơn 70 năm sau, nghề trồng hoa Ðà Lạt đã vươn mình trở thành đỉnh cao của cả nước về diện tích, phẩm cấp cũng như sự đa dạng các chủng loại hoa cao cấp.
Tính đến năm 2010, Ðà Lạt có hơn hai nghìn hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh hoa với tổng diện tích hoa các loại trên hai nghìn ha. Từ vài chục giống hoa truyền thống, hiện nay ở vùng hoa này đang có sự hiện diện của hơn hai nghìn loài hoa cả nguồn gốc bản địa và các châu lục khác. Sản lượng hoa Ðà Lạt và các vùng phụ cận tiêu thụ hằng năm xấp xỉ 1.119 triệu cành các loại, tăng gấp năm lần so với năm 2000. Với lượng hoa xuất khẩu khá lớn, đã thu về một lượng ngoại tệ hàng chục triệu USD cho thành phố sương mù này. Ngoài các "đại gia" nước ngoài tham gia trồng và xuất khẩu hoa, nhiều trang trại và hộ gia đình ở Ðà Lạt cũng đã tự tìm kiếm đối tác để xuất khẩu hoa đến các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Ðài Loan, các nước châu Âu... Chương trình 50 triệu đồng /một ha/năm từ lâu không còn là điều xa lạ với hàng trăm hộ nông dân ở Ðà Lạt.
Mạnh dạn đón đầu công nghệ canh tác các loại hoa thương phẩm cao cấp, tự tìm kiếm đối tác làm ăn là xu hướng mới của nhiều nông dân Ðà Lạt, và trong xu thế này ở thành phố ngàn hoa đã xuất hiện không ít tỷ phú chân đất. Ông Chế Quang Ðệ, chủ trang trại Lâm Sinh (xã Ðạ Sar - Lạc Dương, cách Ðà Lạt gần 20 km) được xem là một tỷ phú địa lan của cả vùng đất lạnh. Vốn đam mê địa lan (Cymbidium), từ năm 1996, lão nông này đã vào rừng mua đất lập trang trại; tự học tập, tìm kiếm để chinh phục "nữ hoàng các loài hoa". Tám năm sau người nông dân táo bạo và tài giỏi này đã sở hữu 11 ha địa lan với 200 nghìn chậu đã cho thu hoạch, với giá xuất khẩu 80 nghìn đồng/1cành địa lan, đã được một doanh nghiệp của Ðức đồng ý thu mua (mỗi chậu ít nhất hai cành), ông Ðệ đã thu về hơn 10 tỷ đồng trong một vụ hoa. Cũng xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của "vương giả chi lan" và bằng con đường tự tìm tòi, học hỏi, thượng tọa Thích Huệ Ðăng - một thiền sư trong thung lũng Tuyền Lâm, cũng trở thành tỷ phú từ vườn địa lan trên 60 nghìn chậu của mình. Hàng trăm hộ dân khác ở Ðà Lạt và vùng phụ cận, chỉ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ cũng đã có thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Rõ ràng, hoa không chỉ làm đẹp mà còn làm cho cuộc sống ấm no hơn...
Nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu
Ðà Lạt, xét về thổ nhưỡng, khí hậu trồng hoa không thua kém bất kỳ nơi nào trên thế giới; hoa Ðà Lạt có các phẩm chất về mầu sắc, hương thơm, độ cứng cánh hoa... không đứng sau hoa của Hà Lan, Bun-ga-ri, Nhật Bản hay Côn Minh (Trung Quốc). Xét quy mô thì ngoài Ðà Lạt, một số huyện lân cận như Lạc Dương, Ðơn Dương, Ðức Trọng... đều có thể trở thành vùng chuyên canh hoa với diện tích hàng nghìn héc-ta. Thế nhưng, mức độ tiêu thụ của hơn 87% sản lượng hoa Ðà Lạt vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa và những người nông dân một nắng hai sương làm nên những cành hoa đẹp cho đời vẫn còn nhiều thao thức mỗi vụ hoa về.
Tại sao hoa Ðà Lạt chưa chiếm được thị phần xuất khẩu tương xứng? Câu hỏi được lý giải vì hoa Ðà Lạt vẫn chưa có một thương hiệu chính thức. Thực tế những năm qua, đã có nhiều đoàn doanh nhân Nhật Bản, Mỹ... đến thăm dò thị trường và đặt vấn đề mua hoa Ðà Lạt, nhưng sau khi về nước họ đã "một đi không trở lại". Nguyên nhân một phần vì hoa do nông dân sản xuất phẩm cấp chưa đồng bộ, phần vì chúng ta còn thiếu một cơ cấu tổ chức (tương tự như Hiệp hội Hoa...) đủ bảo đảm về tư cách pháp nhân để đảm nhiệm việc xuất khẩu hoa ra thị trường thế giới. Số doanh nghiệp liên doanh, công ty trang trại tư nhân tự xây dựng thương hiệu riêng, tự lập Website để quảng bá cho sản phẩm của mình mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng tương tự như nhiều lĩnh vực kinh tế xuất khẩu khác, hoa Ðà Lạt muốn vươn xa hơn cần phải xây dựng được một quy trình quản lý chất lượng "ISO" cho từng loại thương phẩm.
Kỹ thuật canh tác, công nghệ đóng gói bảo quản sau thu hoạch... cũng là khó khăn cho người trồng hoa Ðà Lạt. Ông Trần Huy Ðường, chủ trang trại Langbian farm - một trong những người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới vào canh tác hoa, băn khoăn: "Hầu hết nông dân Ðà Lạt chưa biết cách xử lý đất trồng, cách chăm bón... nhưng chẳng ai hướng dẫn; phong trào trồng hoa đang là "mốt", nhưng Ðà Lạt đang phát triển ồ ạt giống cũ, giống nước ngoài đã chê. Một vài công ty nước ngoài nhập giống bán cho nông dân rất đẹp nhưng không cung cấp thông tin là hoa trồng chậu hay hoa cắt cành nên khi sản xuất không phù hợp".
Công nghệ bảo quản sau thu hoạch dường như vẫn quá sức đối với những người nông dân thiếu cả thiết bị lẫn thông tin khoa học. Ông Nguyễn Văn Ðông, một nông dân đã dám bỏ ngoại tệ để mua giống hoa mới về trồng, cho rằng: "Khâu bảo quản hoa sau thu hoạch bấy lâu không được chú trọng, bao bì đóng gói không đúng quy cách, ngay cả việc vận chuyển hoa đến thị trường tiêu thụ cũng không có xe lạnh chuyên dụng đã làm giảm sức hấp dẫn, giảm tính cạnh tranh của hoa Ðà Lạt".
Bài toán xây dựng thương hiệu cho hoa Ðà Lạt được nhắc đến nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa có đáp số. Bên cạnh các doanh nghiệp tự xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, điều quan trọng nhất là xây dựng một thương hiệu hoa Ðà Lạt chung cho sản phẩm của vùng đất này. Khi đã xây dựng thương hiệu chung cho hoa Ðà Lạt thì cần thiết phải xây dựng hệ thống chợ đầu mối, để nơi này trở thành "cán cân" cho việc phân cấp chất lượng, tạo tiền đề cho sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoa.
Hoa Ðà Lạt "nhiều, đẹp, ấn tượng" và sẽ nhiều, đẹp, ấn tượng hơn nếu như nghề trồng hoa ở đây chuyên nghiệp hóa hơn. Muốn vậy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan phải luôn hậu thuẫn vững chắc về công nghệ, thị trường... cho hoa Ðà Lạt và cho những người nông dân trồng hoa nơi đây. Cả chục tỷ đồng đã được chính quyền bỏ ra để tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề về hoa, nhiều lễ hội hoa hoành tráng đã được tổ chức, thật sự là những nỗ lực trên hành trình khẳng định thương hiệu cho hoa Ðà Lạt. Nhưng như thế có lẽ chưa đủ, nếu như không bắt đầu từ những điều cụ thể nhất như những gì mà người trồng hoa đang trăn trở.
Theo ND
Trong khi việc sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả ngày càng gia tăng thì vẫn có hàng trăm vụ vi phạm kinh doanh phân bón kém chất lượng "đều đều" diễn ra khi vụ hè thu bắt đầu.
Ngày 16/6, Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo phát triển cụm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
(HBĐT) - Huyện Yên Thuỷ hiện có 14 HTX trong đó có 11 HTX dịch vụ điện năng, 1 HTX nông nghiệp, 1 HTX khai thác đá và 1 HTX thương binh. Các HTX có tổng nguồn vốn sản xuất kinh doanh trên 1 tỉ đồng. Tổng số xã viên làm việc trong HTX là 156 người với mức thu nhập bính quân đạt 800.000 đồng/người/tháng.
(HBĐT) - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trao đổi với PV HBĐT xung quanh vấn đề phòng chống dịch bệnh cây trồng trong vụ chiêm xuân vừa qua và chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), sau hơn một tháng luật Lacey (Luật khai báo nguồn gốc gỗ khai thác) áp dụng với sản phẩm xuất khẩu vảo Mỹ có hiệu lực, từ ngày 1/5, không có bất cứ một lô hàng nào từ phía Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này bị trả lại.
Giá thép giảm mạnh hơn 3 triệu đồng/tấn nhưng hiện sức mua vẫn thấp. Nhiều đại lý thép lỗ nặng do trữ hàng số lượng lớn