ông Bùi Văn Thể, đại diện cho nông dân huyện Lạc Thủy đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ III.
(HBĐT) - Nhìn 30 ha đồi cây luồng, keo lai, trầm hương xanh ngút ngàn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của ông Bùi Văn Thể ở thôn Tân Lâm, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, không ai nghĩ rằng cách đây 20 năm,vùng đất này vốn khô cằn và bỏ hoang.
Ông Bùi Văn Thể cho biết: Trước đây, cuộc sống của gia đình chủ yếu dựa vào trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi nhỏ lẻ. Diện tích đất canh tác ít, manh mún, sức lao động bỏ ra nhiều mà thu nhập vẫn thấp, kinh tế bấp bênh. Trong khi đó, nhiều quả đồi với diện tích lớn lại bị bỏ hoang. Trong nhiều lần lên đồi kiếm củi, ông đã nhận thấy những bất cập và không khỏi trăn trở. Qua nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, qua báo chí biết được nhiều mô hình trang trại vườn đồi đã thành công, ông đã quyết định nhận đấu thầu và bắt tay vào sản xuất từ năm 1990. Ban đầu, ông thế chấp sổ đỏ mạnh dạn vay 100 triệu đồng để cải tạo đất và mua giống cây bạch đàn, keo lá tràm về trồng. Nhưng kết quả không như mong đợi, đất không hợp cây. Việc trồng cây chẳng những không có lãi mà ông còn phải bán hết ngô, lạc trồng dưới tán cây mới trả được nợ. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu đất đồi, ông đã chuyển 12 ha sang trồng cây keo lai, còn lại trồng giống luồng Thanh Hóa. Lúc cây còn nhỏ, ông trồng ngô, đậu, lạc vừa lấy ngắn nuôi dài vừa cải tạo được đất. Chỉ sau 3 – 4 năm, vườn luồng của ông đã cho thu măng, cây; đồi keo cũng bắt đầu cho thu hoạch. Để có thu nhập thường xuyên hàng năm từ cây keo, ông trồng luân phiên mỗi năm từ 3 – 4 ha, khai thác và trồng lại theo từng khu vực.
Tận dụng có bãi chăn thả rộng, ông lặn lội ra Hà Tây (cũ) để mua giống bò lai Sind bởi chúng lớn nhanh và bán được giá hơn giống bò vàng địa phương. Ông còn trồng cỏ voi và cho ăn thêm tinh bột để bò lớn nhanh. Ngoài ra, ông thường xuyên nuôi 70 con dê, 500 con gà thả đồi. Để gia súc, gia cầm không bị mắc bệnh, ông tích cực đi tập huấn ở Trung tâm học tập cộng đồng về kỹ thuật chăn nuôi. Giờ đây, nói về kỹ thuật, ông kể vanh vách chẳng kém gì cán bộ nông nghiệp: “Chuồng trại phải cao ráo, thoáng mát. Khi trời mưa thì không thả dê, bò ra ngoài mà cho ăn cỏ khô dự trữ trộn cám. Tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ.” Khi được hỏi về kinh nghiệm làm trang trại, ông cho rằng, phải biết chọn cây, con phù hợp với điều kiện của địa phương. Chịu khó học hỏi, tìm hiểu và áp dụng những kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Vùng đất hoang cũng có thể là vùng đất “vàng” nếu mình biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của nó.
Hiện nay, trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương, thời điểm thu hoạch lên đến 30 người. Gia đình ông mặc dù chỉ có 2 vợ chồng, các con đều trưởng thành và đi công tác, nhưng tổng thu nhập từ trồng cây và chăn nuôi đạt khoảng 400 triệu đồng/năm. Dẫu đã có những thành công, nhưng ông khá khiêm tốn và còn nhiều dự định tiếp tục nâng cao hiệu quả của trang trại. Trước hết là ông trồng 1 ha cây trầm hương, đến nay đã được 4 năm tuổi. Chỉ 5 – 6 năm nữa ông sẽ có nguồn thu lớn từ loại cây này. Ông Thể là một trong những người tiên phong phát triển kinh tế theo mô hình trang trại đồi rừng ở huyện Lạc Thủy. Ông còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống cho bà con làng xóm. Vì vậy, phong trào phát triển kinh tế trang trại ở xã Phú Thành nói riêng và huyện Lạc Thủy nói chung luôn dẫn đầu cả tỉnh và là điểm sáng cho nhiều nơi đến thăm quan, học tập.
Với những kết quả đạt được, ông vinh dự được đại diện cho nông dân huyện Lạc Thủy đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ III.
Cẩm Lệ
(HBĐT) - Năm 2010 là năm cuối của việc thực hiện chương trình cải cách hành chính và thực hiện hiện đại hóa ngành Thuế (giai đoạn 2005 - 2010), vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm, ngành Thuế tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, hỗ trợ tới các tổ chức, cá nhân người nộp thuế.
(HBĐT) - LĐLD huyện Lạc Sơn phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện vừa tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ Công đoàn cơ sở với 4 chuyên đề về Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập kinh tế - quốc tế và 2 chuyên đề về nghiệp vụ Công đoàn.
(HBĐT) - Hoà Bình có diện tích đất lâm nghiệp 333.936 ha đã được quy hoạch thành 3 loại rừng: rừng phòng hộ 130.511,9 ha; rừng sản xuất 161.357,4 ha; rừng đặc dụng 42.066,7 ha. Năng suất và chất lượng rừng còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu phòng hộ cũng như phát triển KTXH ở địa phương. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển ngành lâm nghiệp, tăng độ che phủ của rừng; sử dụng tối đa quỹ đất lâm nghiệp có hiệu quả trong điều kiện nguồn vốn đầu tư có hạn.
(HBĐT) - Tính đến đầu tháng 9/2010, toàn hệ thống Ngân hàng NN-PTNT đã huy động được tổng nguồn vốn đạt 1.937 tỷ đồng, tăng 247 tỷ đồng, đạt 94,71% kế hoạch Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam giao.
(HBĐT) - Năm 2005, anh Trịnh Văn Yên, thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn bắt tay vào việc gây dựng trang trại kinh tế với hơn 400 ha rừng, 5 ha nuôi cá, vịt, gà và hơn 50 con lợn rừng. Giá trị tài sản lên đến vài tỷ đồng.
(HBĐT) - Theo thống kê của phòng LĐ-TB-XH huyện Kỳ Sơn, đến năm 2010, trên địa bàn huyện có khoảng 5.307 lao động chưa có việc làm ổn định, chiếm 25,19% so với tổng số lao động trong độ tuổi. Phần lớn lực lượng lao động này tập trung ở các khu vực nông thôn với trình độ kỹ thuật hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển.